Lịch sử Việt Nam có rất nhiều doanh nhân yêu nước đóng góp vào công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tiếp nối truyền thống đó, hướng tới mục tiêu Việt Nam hùng cường năm 2045, mỗi doanh nhân phải trở thành những “doanh nhân văn hóa” thời kỳ mới.
Hình mẫu "Doanh nhân văn hóa" Việt Nam. Ảnh: dangcongsan.vn
Vai trò của đội ngũ doanh nhân với khát vọng Việt Nam hùng cường 2045
Mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc vào năm 2045 thể hiện quyết tâm và khát vọng lớn lao của Đảng và Nhân dân ta. Mục tiêu đó được xác định dựa trên những tiềm lực và thành tựu mà đất nước đã đạt được trong những năm qua. Đồng thời, để hiện thực hóa mục tiêu này cần phải khơi dậy và phát huy tinh thần, khát vọng cống hiến của từng thành viên trong xã hội, trong đó đặc biệt là vai trò của đội ngũ doanh nhân – những hạt nhân trong phát triển kinh tế, là lực lượng tiên phong, năng động, sáng tạo, góp phần quan trọng tạo ra sự thịnh vượng và phồn vinh cho đất nước. Trong bối cảnh mới, mỗi doanh nhân phải trở thành những nhà “doanh nhân văn hóa” thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh, năng lực, tầm nhìn, nhân cách, đạo đức và phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa, bản sắc của dân tộc, ghi dấu ấn và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới khẳng định: “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế”. Mục tiêu đến năm 2030 “phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn” và tầm nhìn đến năm 2045 “phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu”.
Để hiện thực hóa những mục tiêu và lộ trình này cần phải có một đội ngũ doanh nhân xứng tầm thời đại, mang trong mình khát vọng cống hiến, sẵn sàng học tập và lao động, là những người có trí tuệ, nhân cách, phẩm chất, năng lực và kỹ năng tương xứng với vị thế và vai trò đó.
Chân dung “doanh nhân văn hóa” Việt Nam thời kỳ mới
Thứ nhất, doanh nhân văn hóa là người giàu trí tuệ. Trí tuệ không đơn thuần chỉ là có nhiều tri thức hay bằng cấp, trí tuệ thể hiện sự thông thái, khôn ngoan, khả năng tư duy, làm chủ mọi vấn đề phát sinh trong cuộc sống, từ công việc kinh doanh tới gia đình, sức khỏe, các mối quan hệ xã hội và đặc biệt là làm chủ bản thân. Biểu hiện của một người có trí tuệ đó là luôn có được sự vui vẻ, nhẹ nhàng khi đứng trước mọi vấn đề, dùng tư duy và trí tuệ để đưa ra giải pháp, đứng trên mọi vấn đề với sự chủ động và tin tưởng vào bản thân, tổ chức và xã hội. Để trở thành người có trí tuệ, điều quan trọng là khả năng thấu hiểu con người, thấu hiểu nhân sinh quan, thấu hiểu các quy luật vận hành của tự nhiên, xã hội và tư duy.
Thứ hai, doanh nhân văn hóa là người giàu nhân cách. Nhân cách của một người sẽ quyết định tới chất lượng các mối quan hệ xã hội của người đó. Người giàu nhân cách là người luôn thể hiện sự vui vẻ, hi vọng, niềm tin, trí tuệ, trân trọng, yêu thương, bao dung, khiêm tốn, chân thật với con người. Doanh nhân là những người thường xuyên phải giao tiếp và nâng cấp các mối quan hệ xã hội, nếu có nhân cách kiện toàn sẽ có được những mối quan hệ chất lượng, có được sự trân trọng và tin tưởng từ đối tác, từ các cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là từ đội ngũ nhân viên của mình, họ cũng là hình mẫu để xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa làm việc, xây dựng một doanh nghiệp trường tồn.
Thứ ba, doanh nhân văn hóa là người có “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”
“Nhân” là sự nhân văn, yêu thương con người, là phẩm chất quyết định của một doanh nhân văn hóa, giúp họ trở thành một nhà kinh doanh chân chính, mang lại những sản phẩm, giá trị tốt đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người, chứ không chỉ theo đuổi lợi nhuận cho cá nhân. Người có “nhân” kinh doanh sẽ hướng tới việc để lại những “di sản” cho xã hội.
“Lễ” là lẽ phải và lễ phép. Doanh nhân văn hóa trước hết phải là người thượng tôn pháp luật, tôn trọng các đạo lý, truyền thống, văn hóa nơi mình kinh doanh. Phẩm chất này tạo ra sự chuyên nghiệp, sự thấu đáo trong cách làm việc cho người doanh nhân, giúp họ luôn được đón nhận dù ở bất kỳ môi trường nào.
“Nghĩa” hiểu một cách đơn giản đó là trách nhiệm. Trước hết, doanh nhân văn hóa là người xác định rõ sứ mệnh của cá nhân, sứ mệnh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong tất cả các công việc và mối quan hệ xã hội, họ cũng luôn xác định rõ trách nhiệm của mình dù là những công việc nhỏ nhất. Một người có trách nhiệm sẽ có được sự tin tưởng và trân trọng từ phía đối tác và khách hàng.
“Trí” là sự lắng nghe và thấu hiểu. Người dùng trí để lắng nghe sẽ có khả năng thấu hiểu mọi vấn đề, lắng nghe bằng sự thấu cảm và thông thái. Nhờ đó mọi nhu cầu của đối tác, khách hàng sẽ được nắm bắt, thấu hiểu và đáp ứng tốt nhất. Người dùng trí để lắng nghe sẽ không bị ảnh hưởng bởi bối cảnh và những yếu tố bên ngoài, họ sẽ nắm bắt được bản chất vấn đề để có phương án và giải pháp tốt nhất, đó chính là điều mà đối tác và khách hàng cần.
“Tín” hiểu một cách đơn giản là giữ lời và đúng giờ. Giữ cam kết, giữ lời hứa và luôn đúng giờ là những điều cực kỳ quan trọng trong kinh doanh. Một doanh nhân văn hóa phải luôn giữ chữ tín trong mọi công việc và mối quan hệ, “tín” với các cơ quan nhà nước, “tín” với đối tác, khách hàng, “tín” với nhân viên, và “tín” với chính bản thân. Một người có chữ “tín” thì lời nói của họ có sự chắc chắn, đảm bảo, tin tưởng và tạo được sự yên tâm.
Thứ tư, doanh nhân văn hóa là người giàu năng lực. Năng lực của một người thể hiện sự trưởng thành của người đó, người giàu năng lực là người thể hiện sự trưởng thành của mình trên 3 yếu tố “quan niệm, quan hệ xã hội và chuyên môn”, họ trưởng thành vượt bậc so với độ tuổi và mặt bằng của xã hội.
Thông thường khi nhắc tới năng lực, xã hội thường chỉ nói tới năng lực chuyên môn, nhưng nếu chỉ có chuyên môn thì con người khiếm khuyết sự trưởng thành. Kết giao các mối quan hệ xã hội cũng là một năng lực và quan niệm của người đó cũng là một dạng năng lực. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chuyên môn đóng góp 20%, quan niệm đóng góp 40% và quan hệ xã hội đóng góp 40% cho sự trưởng thành của con người. Để có những doanh nhân văn hóa sở hữu những doanh nghiệp tỷ đô, đưa kinh tế Việt Nam vươn tầm, rất cần những doanh nhân có năng lực xuất chúng là những người trưởng thành vượt bậc, có quan niệm, quan hệ xã hội và chuyên môn xứng tầm.
Người có sự trưởng thành về quan niệm là người có trong mình những quan niệm chuẩn về sự phát triển của cá nhân, tổ chức, xã hội, quốc gia và quốc tế, từ đó họ xác định được mình cần có chuyên môn gì, cần có những mối quan hệ xã hội nào, mình có thể giữ vị trí nào trong tiến trình phát triển đó. Đó là chính là tầm nhìn của một doanh nhân văn hóa trong sự phát triển của một quốc gia. Nếu một quốc gia có một đội ngũ doanh nhân hàng ngàn người như vậy, sẽ có hàng ngàn doanh nghiệp tỷ đô, nền kinh tế sẽ vươn tầm thế giới.
Thứ năm, doanh nhân văn hóa là người có khả năng giao tiếp và quảng bá xuất sắc. Giao tiếp và quảng bá là những kỹ năng cực kỳ cần thiết với người làm kinh doanh, nó không chỉ giúp việc kinh doanh được mở rộng mà còn góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh, giá trị, con người, văn hóa đất nước. Người giao tiếp và quảng bá giỏi là người quảng bá ngay trong khi giao tiếp, quảng bá mà như không quảng bá. Thông qua đó, họ có thể khơi dậy nhu cầu tiềm ẩn của đối tác và khách hàng, biến nhu cầu ẩn của họ thành nhu cầu hiện.
Người giao tiếp và quảng bá xuất sắc là người có thể mang tới giá trị cho người đối diện trong bất kỳ tình huống nào, bởi mỗi khi giao tiếp là họ mang tới cho người khác sự vui vẻ, niềm tin, hi vọng và trí tuệ, giúp cho đối tác và khách hàng được nâng tầm và phát triển bản thân. Nền tảng của giao tiếp và quảng bá đó chính là trí tuê, nhân cách, phẩm chất và năng lực của người doanh nhân. Thông qua giao tiếp và quảng bá, người doanh nhân mang giá trị vật chất và tinh thần tới xã hội, đồng thời mở rộng và phát triển doanh nghiệp, lan tỏa hình ảnh, văn hóa đất nước.
Như vậy, chân dung của một “doanh nhân văn hóa” thời kỳ mới là tổng hợp những giá trị truyền thống, cùng với yếu tố thời đại, tinh hoa dân tộc và thế giới, là hình mẫu để phát triển đội ngũ doanh nhân xứng tầm thời đại.
--------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-41-nqtw-ngay-10102023-cua-bo-chinh-tri-ve-xay-dung-va-phat-huy-vai-tro-cua-doi-ngu-doanh-nhan-viet-nam-9816
2. Website Tổ chức đào tạo WiT: wit.edu.vn
Hồng Đào