Lý Quốc Sư sinh ngày 15 tháng 10 năm 1065 mất năm 1141; tên thường gọi theo chức danh pháp lý cao nhất của thiền sư, pháp sư Nguyễn Minh Không, một vị cao tăng đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam.
Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay là làng Điền Xá, xã Gia Thắng, Gia Viễn, Ninh Bình). Cha của Thánh Nguyễn là ông Nguyễn Sùng, quê ở thôn Điềm Xá, phủ Tràng An. Mẹ ông là bà Dương Thị Mỹ, quê ở Phả Lại, phủ Từ Sơn. Gia cảnh hai vợ chồng ông Nguyễn Sùng rất nghèo nhưng luôn chăm lo làm việc thiện. Hai ông bà sinh hạ được một người con trai khôi ngô, tuấn tú, đặt tên là Nguyễn Chí Thành. Cha mẹ mất sớm, Chí Thành sống qua ngày bằng nghề bắt cá trên sông Hoàng Long.
Nghề đúc đồng
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Quốc sư Minh Không rất linh ứng. Phàm khi có tai ương hạn lụt, cầu đảo đều nghiệm cả.” Nguyễn Minh Không là hiện thân quyền lực linh thiêng của Phật giáo hưng thịnh thời Lý, là thầy thuốc tài ba bậc nhất, là ngư dân gắn bó với thôn dã Đại Việt, là thiền sư cao tăng đức trọng; Ông có công rất lớn trong xây dựng nhiều chùa ở Việt Nam được nhiều nơi thờ Ông; là bậc thánh tổ nghề đúc đồng Việt Nam và được nhiều nơi lập đền thờ Ông.
Trước thế kỷ thứ X, Vua Đinh Tiên Hoàng đã cho đúc tiền bằng đồng đầu tiên trong lịch sử. Sau này Lý Quốc Sư là người đúc tượng Phật chùa Quỳnh Lâm góp phần tạo nên “Tứ đại khí” là báu vật nổi tiếng của nước Đại Việt. Ông là người sưu tầm phục hưng nghề đúc đồng – tinh hoa văn minh Đông Sơn – văn minh của người Việt cổ mà trở thành tổ sư nghề đúc đồng ở Việt Nam.
Ban thờ Thiền sư Minh Không ở Chùa Bái Đính
Những địa phương có nghề đúc đồng lâu đời như các làng nghề Yên xá, Tống xá ở Ý Yên, lễ hội Làng Viềng - Nam Định trước cửa đình thờ Nguyễn Minh Không nhân dân bày bán dụng cụ bằng sắt, bằng đồng; Chùa Tổ Ong phố Lò Đúc, phố Ngũ Xã - Hà Nội; đình làng Chè, làng Rỵ ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa; làng Đông Mai ở Văn Lâm - Hưng Yên đều thờ Nguyễn Minh Không là ông tổ nghề đúc đồng. Nguyễn Minh Không không chỉ là pháp tăng cao siêu, là danh y giỏi, là ông tổ nghề đúc đồng, nhân dân còn suy tôn ông là Thánh Nguyễn. Trong dân gian có câu:
Đại Hữu sinh Vương
Đàm Xá sinh Thánh
Làng Đại Hữu và làng Đàm Xá liền kề nhau thuộc huyện Gia Viễn. Làng Đại Hữu nơi sinh Vua Đinh Tiên Hoàng, làng Đàm Xá nơi sinh Nguyễn Minh Không. Vậy, chữ Thánh ở đây chỉ Nguyễn Minh Không.
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, phần lớn có ý kiến cho rằng có 4 vị thần trong nhóm tứ bất tử, đó là Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Công chúa. Tuy nhiên, thực tế trong tứ bất tử có số lượng các vị thần bất tử nhiều hơn 4 và trong đó còn có Lý Quốc Sư, Từ Đạo Hạnh, Trần Hưng Đạo. Nhà học giả cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX Kiều Oanh Mậu người làng Đường Lâm, trong lời Án sách Tiên phả dịch lục có viết:
Tên các vị Tứ bất tử của nước ta, người đời Minh cho là Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Nguyễn Minh Không. Đúng là như vậy. Vì bấy giờ Tiên chúa Liễu Hạnh chúa giáng sinh nên người đời chưa thể lưu truyền, sách vở chưa thể ghi chép. Nay chép tiếp vào.
Công lao của Lý Quốc Sư đã được lưu danh sử sách và trở thành ông tổ của nghề đúc đồng Việt Nam.