Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM sẽ có những thay đổi căn bản trong chiến dịch xét nghiệm, tầm soát với mục tiêu cơ bản là truy vết hết F0, tách F0 ra khỏi cộng đồng, xây dựng vùng an toàn và thu hẹp dần vùng nguy cơ cao. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo TP.HCM đưa ra nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh.
Mục tiêu tách F0 ra khỏi cộng đồng
Với nỗ lực dập dịch, ngành y tế TP.HCM đã đưa ra rất nhiều giải pháp, trong đó vấn đề truy vết F0, loại bỏ các nguồn lây nhiễm trong cộng đồng được ưu tiên hàng đầu. Quyết tâm này được thể hiện bằng việc cho ra đời Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 đặt tại Văn phòng UBND TP.HCM. Đây là cơ quan đầu não điều phối tổ chức lấy mẫu, nhập dữ liệu vào hệ thống phần mềm, vận chuyển và điều phối mẫu đến các phòng xét nghiệm, khắc phục sự tương thích giữa các phần mềm trả kết quả của các phòng xét nghiệm... nhằm giải quyết các hạn chế thời gian qua.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng, ngành y tế tiếp tục điều tra, truy vết và trên cơ sở đó sẽ tăng cường xét nghiệm để phát hiện ra các trường hợp F0, từ đây tiếp tục truy ra trường hợp tiếp xúc gần. UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo yêu cầu lấy mẫu tầm soát không phải để đạt chỉ tiêu mỗi ngày mà dựa vào điều tra dịch tễ. Trong đó, khu cách ly, phong tỏa là vùng phải tập trung lấy mẫu. Sau khi xác định được khu cách ly, phong tỏa, ngành y tế sẽ mở rộng ra khu vực xung quanh.
"Còn những trường hợp tầm soát theo hộ gia đình, chúng ta cũng phải đánh giá nguy cơ để có những xét nghiệm cho phù hợp, không phải chúng ta lấy theo đại trà để đạt được chỉ tiêu nào đó. Lãnh đạo TP và ngành y tế TP đều chủ trương như vậy, khi lấy thì đều có định hướng dưới sự chỉ dẫn của điều tra dịch tễ tùy theo diễn biến của dịch"- ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết.
Cũng theo lãnh đạo ngành y tế TP.HCM, thời gian giãn cách này là cơ hội làm giảm sự phát tán nhanh của mầm bệnh, đặc biệt là chủng Delta có tốc độ lây lan mạnh. Để chuẩn bị cho “trận đấu” quyết định trong 15 ngày, ngành y tế lập 2.500 đội lấy mẫu với nhân lực 15.000 người tham gia quá trình xét nghiệm với tổng công suất ước đạt 1,3 triệu mẫu/ngày, trong đó công suất mẫu gộp đạt 400.000 mẫu/ngày. Đặc biệt sẽ thí điểm triển khai test nhanh ở các khu công nghiệp do doanh nghiệp tự chi trả.
Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, mục tiêu của việc xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 trong 15 ngày này là làm sao cơ bản tầm soát hết F0 để tách F0 ra khỏi cộng đồng, kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn, xây dựng các vùng an toàn (vùng xanh), thu hẹp dần tiến tới xóa vùng nguy cơ cao. Để đạt được mục tiêu đó, công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, xét nghiệm ngẫu nhiên để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Đồng thời, công tác lấy mẫu phải gắn liền với năng lực xét nghiệm của phòng thí nghiệm.
Đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm
Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, sẽ tổ chức đến từng hộ gia đình, từng nhà lấy mẫu và tùy theo tình hình ở khu vực đó mà lãnh đạo địa phương quyết định, không tổ chức lấy mẫu tập trung như trước đây. Người dân khi được lấy mẫu xong ở nhà chờ kết quả, nếu phát hiện F0 sẽ đưa đến khu thu dung điều trị, sau đó được phân loại điều trị phù hợp.
"Địa bàn chưa tổ chức xét nghiệm phải thông báo người dân biết. Nếu ai có biểu hiện ho sốt, gọi cho đội xét nghiệm lưu động đến lấy mẫu tại nhà nếu F0 đưa đến khu cách ly điều trị. Quận huyện và TP Thủ Đức chủ động xây dựng kế hoạch, địa điểm, số lượng xét nghiệm và lực lượng tham gia và kết nối với cơ sơ xét nghiệm"- ông Phan Văn Mãi cho biết.
Ủng hộ quyết định giãn cách của thành phố, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) hoàn toàn đồng tình với giải pháp sử dụng test nhanh để phát hiện sớm các ca bệnh trước khi có kết quả xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật PCR. Test nhanh có nhiều ưu việt khi chỉ mất 15-30 phút là có kết quả, trong khi kết quả xét nghiệm RT-PCR mất từ 4-6 tiếng, thậm chí kéo dài từ 12-24 tiếng, tùy theo lượng mẫu và số máy xét nghiệm.
Để việc xét nghiệm có hiệu quả và tiết kiệm, tránh mất sức cho nhân viên y tế và mất công cho người dân phải xét nghiệm nhiều lần, bác sĩ Khanh gợi ý, ở những khu vực có nguy cơ cao có thể làm test nhanh tại chỗ “dẫn đường” trước khi quyết định xét nghiệm PCR theo mẫu gộp hay mẫu đơn. Cụ thể, khu vực nào đánh giá là nguy cơ cao thì thực hiện test nhanh cho đại diện mỗi gia đình, lựa chọn người di chuyển nhiều nhất trong nhà. Nếu kết quả test nhanh đại diện của hộ nào dương tính thì thực hiện PCR mẫu đơn, còn hộ nào có đại diện âm tính thì thực hiện mẫu PCR gộp hai, ba gia đình. Công tác này phải làm liền, không thể hôm nay làm test nhanh, ngày mai mới làm xét nghiệm PCR.
"Ngay khi mẫu gộp có kết quả dương thì phải đưa xuống dùng test nhanh tách ra, hoặc PRC tách ra nhưng mà phải có kết quả thật sớm, trong vòng 6 tiếng thôi. Nên những nhược điểm của trước giờ là bị chậm thì mình phải thay đổi chiến lược đó, để mình vét hết F0, mà vét có hệ thống"- Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
TP.HCM cũng đã phát động phong trào thi đua “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19” thực hiện Chỉ thị 16 với mục tiêu nhằm vận động toàn thống chính trị, nhân dân đồng lòng, chung sức, nỗ lực tham gia đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, giảm số F0 trong cộng đồng. Vì vậy, cùng với nỗ lực truy vết, xét nghiệm của ngành chức năng, thì việc chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của người dân trong đợt giãn cách này sẽ giúp TP chiến thắng trong trận chiến với dịch Covid-19./.
Kim Dung/VOV-TPHCM