Lễ trao tặng được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 22/4. Tại đây Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho cố GS.VS Vũ Tuyên Hoàng và trao tặng cho GS Trương Hoàng Chương.
Cố GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, là nhà Nông nghiệp xuất sắc, nhà di truyền học lớn trong nước và khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Ông có 18 năm làm Chủ nhiệm Chương trình lương thực quốc gia, với nhiều đề tài nghiên cứu về các giống lúa thâm canh, chịu hạn, lúa chịu ngập úng, lúa hàm lượng protein cao. Ông cũng là người đầu tiên trên thế giới nghiên cứu loại khoai tây trồng bằng hạt, khoai lang hàm lượng tinh bột cao.
Với những đóng góp vào thành tựu của nông nghiệp Việt Nam, năm 1988, ông được phong danh hiệu Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, năm 1991 là Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, năm 2003 là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học thế giới cho các nước đang phát triển.
GS Trương Hoàng Chương, Giám đốc Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc được ghi nhận với những công trình nghiên cứu, hội thảo khoa học về nghệ thuật truyền thống. Đồng thời tham gia phát hiện, bảo vệ, tôn vinh những di sản văn hóa dân tộc như múa rối nước, quan họ, bài chòi, hát xẩm.
Ông giảng dạy ở nhiều trường nghệ thuật trong nước và là người duy nhất được mời giảng cho sinh viên Mỹ sang Việt Nam thực tập về nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong 15 năm tại Hà Nội. GS Chương kết nối nhiều quan hệ hợp tác đầu tư giữa Bình Định với các doanh nghiệp, doanh nhân một số nước trên thế giới.
Trong hơn 20 năm lao động, ông hoàn thành và xuất bản nhiều công trình khoa học như "Đi tìm vẻ đẹp của Sân khấu dân tộc", "Tuồng và Võ thuật Dân tộc", "Nghệ thuật Bài chòi"...
Tại buổi lễ, TSKH Nghiêm Vũ Khải, TS Phan Tùng Mậu và TS Phạm Văn Tân nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng được nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.
TSKH Nghiêm Vũ Khải từng chủ trì biên soạn Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ 2013. Ông ghi dấu ấn khi chủ trì xây dựng sáng kiến xây dựng Luật hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp.
Ngoài ra, ông còn là chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về Hội nhập quốc tế về Khoa học và Công nghệ, Chủ nhiệm chương trình quốc gia hội nhập khoa học và công nghệ 2014-2020, Chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hội và tổ chức phi chính phủ, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
TS Phan Tùng Mậu là người trực tiếp triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW, với điểm nhấn của Chỉ thị là xây dựng Liên Hiệp các hội KH&KT Việt Nam thành một tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ vững mạnh. Ông tổ chức các hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, các tọa đàm chương trình phổ biến khoa học kỹ thuật, biện soạn và xuất bản sách loại sách chuyên ngành, tham khảo.
TS Phạm Văn Tân từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Hiệp các hội KH&KT Việt Nam... Trong các hoạt động chuyên môn, TS Tân tổ chức chỉ đạo và điều hành các nhiệm vụ tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước những vấn đề liên quan hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ vào cuộc sống, tôn vinh trí thức và thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của quần chúng nhân dân.
Phát biểu tại lễ trao tặng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây là sự ghi nhận cho những đóng góp, nỗ lực không ngừng nghỉ, tinh thần sáng tạo của các nhà khoa học cho nền khoa học công nghệ nước nhà. Ông cũng vinh danh những cống hiến của các nhà khoa học, trong đó cố GS. VS Vũ Tuyên Hoàng tạo ra nhiều giống lúa mới, giống cây ưu việt cho một đất nước nông nghiệp chịu ảnh hưởng khí hậu, những đóng góp trong bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật của GS Hoàng Chương.
Tổng hợp theo Dân trí