Về tổng thể, kinh tế thế giới trong năm 2024 thể hiện khả năng phục hồi ấn tượng và nhiều tín hiệu lạc quan về ngắn hạn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá tăng trưởng toàn cầu đạt tốc độ 3,1% vào năm 2024.
Mức tăng trưởng trên đạt được do tỷ lệ lạm phát giảm xuống còn 4,6% nhờ điều chỉnh chính sách tiền tệ, nguồn cung hàng hóa khả quan, giá dầu thấp hơn. Ngoài ra, cần phải kể đến sự hồi sinh mạnh mẽ của thương mại toàn cầu, với mức tăng tới hơn 7% trong năm 2024, cán mốc kỷ lục 33.000 tỷ USD. Đây là mức cao nhất mọi thời đại.
Điểm đặc biệt là nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ - tiếp tục tăng trưởng ổn định trong khoảng 3%. Các nền kinh tế đang phát triển đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 6%, trong đó Ấn Độ dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng cao nhất, tạo động lực tăng trưởng chính cho kinh tế thế giới.
Năm 2025 được kỳ vọng sẽ là năm thiết lập lại một trạng thái bình thường mới của kinh tế thế giới. Điều này đạt được nhờ thu hẹp sự mất cân bằng cung - cầu xảy ra cách đây 5 năm khi bùng phát đại dịch.
Sự trở lại bình thường của lạm phát thế giới về mức 3,5% vào cuối năm 2025 theo dự đoán của IMF. Ngoài ra, lãi suất mục tiêu của các ngân hàng trung ương về mức 2% ở khu vực đồng euro và 3% ở Mỹ, đồng thời giá dầu thế giới cân bằng trong phạm vi 70-80 USD. Những điều này đã tạo cơ sở cho nền kinh tế toàn cầu hạ cánh mềm.
Một điều quan trọng là sự trở lại ổn định giá cả và chu kỳ phục hồi toàn cầu sẽ được duy trì với tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức trên 3,3% vào năm 2025. Mức tăng trưởng này có thể được giữ vào năm 2026, theo dự báo của OECD, trong khi hầu hết thị trường lao động vẫn tạo ra việc làm.
Tuy nhiên, OECD cho rằng vẫn còn nhiều thách thức, tác động tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2025 như xung đột địa chính trị kéo dài ở Ukraine, Trung Đông...
Ngoài ra, còn có những thách thức khác như bất ổn chính trị tiềm ẩn ở nhiều nước, chuỗi cung ứng ngày càng mang tính khu vực hơn và phân mảnh thành các khối khác nhau. Tình trạng già hóa dân số, mất an ninh lương thực và năng lượng, thâm hụt ngân sách theo chu kỳ, giảm nguồn đầu tư công cũng cần được tính đến.
Đồng thời, thách thức còn đến từ những vấn đề cũ do các cuộc khủng hoảng tài chính lớn trước đây như mức nợ công cao trên toàn cầu vượt 100.000 tỷ USD và tình trạng năng suất thấp, đặc biệt ở châu Âu.
Nếu chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump áp dụng thuế nhập khẩu lên tới 20% đối với tất cả các quốc gia và 60% đối với Trung Quốc, cùng với việc trục xuất hàng triệu người di cư có thể dẫn đến lạm phát tái phát ở Mỹ vào năm 2025. Điều này cũng làm ảnh hưởng thương mại quốc tế và về lâu dài sẽ tác động đến tăng trưởng.
Một đầu tàu khác của kinh tế thế giới là Trung Quốc vẫn dễ bị tổn thương do những vấn đề trong lĩnh vực bất động sản và sự trì trệ của xu hướng già hóa dân số. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đối mặt với tình trạng sản xuất dư thừa, trong khi thế giới không muốn hấp thụ phần thặng dư sản xuất của Trung Quốc.
Đặc biệt, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung quay trở lại, sẽ gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng chi phí sản xuất và giảm hiệu quả kinh doanh. Mức thuế 60% mà ông Trump đề xuất đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính sẽ khiến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 85%.
Tất cả những điều trên có khả năng đưa tăng trưởng của Trung Quốc rút về mức 3-3,5% so với mục tiêu chính thức là 5%.
Khu vực Eurozone tăng trưởng ở mức 1,3% năm 2024 và cải thiện một chút đạt 1,5% năm 2025, theo OECD.
Pháp dự báo tốc độ tăng trưởng là 0,9%, giảm nhẹ so với năm 2024, do phải đối phó nợ tăng cao ở mức 120% GDP. Nền kinh tế Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - đã suy thoái trong năm thứ hai liên tiếp và ngành công nghiệp ô tô, xương sống của nền kinh tế nước này, đang gặp khó khăn.
Duy chỉ có các nước Nam Âu đang hoạt động tốt, đặc biệt là Tây Ban Nha, câu chuyện thành công của châu Âu, ghi nhận mức tăng trưởng 3% năm 2024. Điểm sáng này có được nhờ thị trường lao động mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi dòng người di cư, ngành du lịch và tăng trưởng xuất khẩu.
Ngoài ra còn những nguy cơ khác ảnh hưởng kinh tế thế giới vào năm 2025, đáng chú ý nhất là sự gián đoạn đối với hoạt động thương mại hàng hải trên Biển Đỏ. Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen nhằm vào tàu vận tải phương Tây không có dấu hiệu kết thúc, dẫn đến chi phí vận chuyển và bảo hiểm tăng cao.
Hàng không dân dụng quốc tế đang ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức do một số tuyến đường nguy hiểm. Nga đã đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không phương Tây, khiến tuyến đường đến châu Á dài hơn và đắt đỏ hơn nhiều. Tất cả điều này đang khiến kết nối toàn cầu của con người và hàng hóa bị ảnh hưởng.
Xung đột Ukraine - Nga kéo dài cũng làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, từ năng lượng đến phân bón và hàng hóa nông nghiệp. Cuộc xung đột này cùng đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự gia tăng kép trong sự can thiệp của nhà nước và chủ nghĩa bảo hộ ở mức độ chưa từng thấy kể từ nửa đầu thế kỷ 20 tại các nước phương Tây.
Các chính phủ trên toàn thế giới đang ngày càng thắt chặt kiểm soát đối với tài nguyên thiên nhiên, làm tăng nguy cơ chủ nghĩa dân tộc tài nguyên. Điều này có khả năng thúc đẩy sự phân mảnh địa kinh tế, nhất là trong lĩnh vực khoáng sản và năng lượng tái tạo.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế thế giới có khả năng sẽ ngày càng rõ ràng hơn vào năm 2025, buộc các nhà hoạch định chính sách kinh tế phải đưa yếu tố này vào các chính sách hàng ngày của họ.
Năm 2024 là một năm siêu bầu cử trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tác động của các cuộc bầu cử này lại rơi vào năm 2025, khi các đảng đương nhiệm bị thay thế như ở Mỹ, hoặc các đảng cầm quyền bị mất ghế, buộc phải liên minh với các đảng phái chính trị khác như ở Ấn Độ.
Thậm chí, một số quốc gia rơi vào tình trạng chính phủ thiểu số bấp bênh như ở Pháp và Nhật.
Chính phủ mới hay chính phủ đương nhiệm ở các quốc gia như Mỹ, Mexico và Sri Lanka, cũng có thể vấp phải những bất ổn do kỳ vọng cao và những lời hứa không được thực hiện trong năm 2025.
Kết quả các cuộc bầu cử ở châu Âu là sự nổi lên của phe cực hữu. Các quốc gia khác trong khối EU như Italy, Hà Lan, Ba Lan, Hungary… cũng đã nằm dưới quyền kiểm soát của các đảng bảo thủ đề cao chủ nghĩa dân tộc.
Số lượng các cuộc bầu cử lớn trên thế giới sẽ giảm mạnh vào năm 2025, nhưng vẫn có các cuộc bầu cử mang tính chỉ báo. Cuộc bầu cử tại Đức vào ngày 23/2 có thể đem lại cho Thủ tướng Olaf Scholz của đảng Dân chủ Xã hội nhiệm kỳ thứ hai theo truyền thống và có thể sẽ định hình nền chính trị châu Âu.
Tại Australia, Thủ tướng Anthony Albanese của đảng Lao động Australia sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ mới để tiếp tục nắm quyền. Trong khi đó, Thủ tướng Justin Trudeau tại Canada tìm kiếm nhiệm kỳ thứ tư. Tuy nhiên, cả hai đảng cầm quyền này đều phải đối mặt với những trở ngại lớn, khiến kết quả không chắc chắn.
Tại Hàn Quốc, tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk-yeol vào tháng 12/2024 đã thúc đẩy quá trình luận tội có thể dẫn đến cuộc bầu cử tổng thống không theo kế hoạch vào năm 2025.
Tại khu vực Mỹ Latinh, cánh tả có thể sẽ trở lại ở Ecuador trong cuộc bầu cử tháng 2, đảng cầm quyền cánh hữu của Argentina có thể sẽ củng cố trong cuộc bầu cử tháng 10. Trong khi đó, trong khi làn sóng chống lại lãnh đạo đương nhiệm sẽ chiếm ưu thế ở Chile trong bầu cử tổng thống và lập pháp vào tháng 11-12.
Trật tự quyền lực toàn cầu trong năm 2025 sẽ tiếp tục chuyển dịch theo hướng đa cực, đa trung tâm với sự nổi lên của Trung Quốc, Ấn Độ, EU và các cường quốc khác.
Đóng góp vào xu hướng này là sự chuyển dịch sức mạnh kinh tế từ Tây sang Đông và sự gia tăng tầm quan trọng của các nhóm G20 và BRICS+, trong khi sức mạnh tập thể của nhóm G7 suy giảm.
Quyền lực toàn cầu cũng sẽ bị phân tán hơn khi hệ thống thế giới không chỉ bao gồm các quốc gia có chủ quyền, mà còn bao gồm các tác nhân phi nhà nước như các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, các tổ chức tôn giáo. Thậm chí, các mạng lưới tội phạm với quyền lực tăng lên và sẽ đưa ra các luật chơi mới, trong khi các liên minh truyền thống theo kiểu phương Tây bị suy yếu.
Tuy nhiên, sự chuyển dịch này có thể chậm lại trong năm 2025, do những nhân tố kinh tế và chính trị nội bộ của các nước.
Đặc biệt, sự phát triển kinh tế khả quan của Mỹ cho phép nước này tiếp tục duy trì vị trí siêu cường số 1 thế giới về kinh tế, công nghệ và quân sự. Trong khi đó, Mỹ chưa mất đi khả năng chi phối nhiều vấn đề cũng như các khu vực trên thế giới. Tuy vậy, năng lực kinh tế và quân sự của Mỹ bị suy giảm tương đối, nên phải đánh đổi giữa các ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại.
Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử sẽ đưa Mỹ quay trở lại với chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết". Điều này có thể làm thu hẹp các cam kết toàn cầu của Mỹ, khiến cả đồng minh và đối thủ của Mỹ đều phải xem xét lại chiến lược theo hướng tự chủ chiến lược, dẫn đến sự sắp xếp lại địa chính trị, có thể làm tăng hoặc giảm căng thẳng tại nhiều nơi trên thế giới.
Quá trình chuyển dịch trật tự thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa làm gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau. Điều này khiến cho các cường quốc vừa cạnh tranh vừa hợp tác, hòa hoãn với nhau, nhưng cạnh tranh nổi trội hơn hợp tác. Đặc biệt, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, nhất là sau khi ông Trump trở lại cầm quyền từ ngày 20/1.
Trong khi phải tiếp tục xử lý quan hệ với Nga thông qua việc giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine, Mỹ sẽ chuyển trọng tâm vào mối quan hệ với Trung Quốc.
Mặc dù hai bên đã có những nỗ lực giảm bớt căng thẳng, như chuyến thăm của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tới Bắc Kinh năm 2024 dẫn đến việc chính thức hóa một số kênh liên lạc chiến lược giữa hai quốc gia, nhưng đồng thuận lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ là phải tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc.
Do vậy, Mỹ và Trung Quốc sẽ cạnh tranh toàn diện, bao gồm cạnh tranh về an ninh và "phân tách" và kinh tế. Đặc biệt, cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ thể hiện dưới dạng một cuộc chiến tranh thương mại và cuộc chiến công nghệ, với trọng tâm là các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, 5G và chuỗi cung ứng.
Trong cuộc cạnh tranh gay gắt, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tập hợp lực lượng, tạo ra mạng lưới liên minh nhằm bao vây đối thủ.
Mỹ tăng cường hợp tác với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản và Hàn Quốc và các đối tác mới nổi để đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc vào năm 2024 tại Trại David được coi là nhằm đối trọng Trung Quốc.
Mỹ cũng tăng cường hoạt động của các cơ chế tiểu đa phương trong khu vực như Bộ tứ QUAD, khuôn khổ AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia hay mới nhất là hợp tác 3 bên JAPHUS giữa Mỹ, Nhật và Philippines.
Đáp lại, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy sáng kiến Vành Đai - Con Đường, nhằm mở rộng ảnh hưởng địa kinh tế - chính trị ra toàn cầu, đầu tư mạnh vào các công nghệ mới nổi. Điều này giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ và trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới, tăng cường ảnh hưởng ở các nước láng giềng thông qua các dự án đầu tư và hỗ trợ kinh tế.
Trung Quốc đang tận dụng lợi thế kinh tế của mình để thu hút Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm giảm thiểu các rủi ro an ninh tiềm tàng từ quan hệ đối tác ba bên do Mỹ lãnh đạo. Trung Quốc nối lại hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn ngày 27/5/2024 tại Seoul, Hàn Quốc, vốn bị đình trệ kể từ cuối năm 2019.
Động thái này nhằm cải thiện quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc để làm suy yếu "vòng vây" của hợp tác 3 bên do Mỹ dẫn đầu.
Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục cạnh tranh ảnh hưởng ở các nước nhỏ hơn trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN. Trung Quốc và Nga làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác "không giới hạn" trên cả phương diện song phương và đa phương để cùng nhau đối phó với Mỹ.
Đặc biệt, cả hai đều đang quyết tâm thúc đẩy BRICS trở thành một đối trọng với trật tự thế giới do phương Tây dẫn dắt.
Trong khi đó, Nga và Triều Tiên nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Hai nước đang tiến tới những bước cuối cùng để hoàn tất hiệp ước phòng thủ chung, trong khi quân đội Triều Tiên được cho là đã tham chiến trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Cạnh tranh giữa các cường quốc khiến tình hình địa chính trị thế giới ngày càng trở nên bất định. Điều này khiến nhiều người tin rằng thế giới hiện tại đang ở mức nguy hiểm nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Đặc biệt, xung đột gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới từ châu Âu, châu Phi tới Trung Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Một số cuộc xung đột vũ trang có thể phát triển thành những cuộc chiến tranh quy mô lớn với sự tham gia của nhiều quốc gia.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang tiến gần đến năm thứ 4, với khả năng leo thang thành chiến tranh thế giới và có nguy cơ trở thành cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt khủng khiếp mà không ai mong muốn.
Ukraine có dấu hiệu kiệt sức trên chiến trường do thiếu cả binh sĩ lẫn vũ khí, trong khi Nga cũng gặp nhiều khó khăn kinh tế do phải chi tiêu quá mức cho chiến tranh và bị phương Tây bao vây cấm vận. Cục diện bế tắc của cuộc xung đột đang dẫn tới khả năng hai bên phải chấp nhận giải quyết xung đột thông qua các biện pháp ngoại giao.
Việc ông Trump tái đắc cử tổng thống sẽ làm giảm đáng kể cường độ xung đột ở Ukraine và Nga. Sự trở lại của ông Trump cũng làm tăng triển vọng ngừng bắn ở Ukraine, thậm chí Mỹ có thể sẽ thiết lập lại mối quan hệ với Nga, bằng cách thúc đẩy các cuộc đàm phán ổn định chiến lược hoặc một kế hoạch cho an ninh của châu Âu có sự tham gia của Nga.
Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào về cuộc xung đột này sẽ rất mong manh và có thể bị đảo ngược do các mục tiêu của hai bên rất khác nhau. Mục tiêu của Nga vẫn là kiểm soát khu vực Donbass và gây sức ép với Ukraine về mặt chính trị, trong khi chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky tìm mọi cách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cùng với sự đảm bảo an ninh trong tương lai.
Trung Đông sẽ vẫn là điểm nóng của thế giới với sự giao thoa của chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo và sự can dự của các cường quốc. Sự sụp đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào tay lực lượng đối lập chỉ là sự biến động mới nhất trong khu vực, làm suy yếu thêm vị thế của Iran. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi chính trị sắp tới sẽ khó mang lại một đất nước Syria ổn định, trái lại có thể sẽ làm tăng thêm sự bất ổn trong khu vực.
Xung đột Israel - Hamas vẫn ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Khó có bất kỳ giải pháp chính trị nào giải quyết được vấn đề quyền tự quyết của người Palestine, dù có khả năng dẫn đến lệnh ngừng bắn nữa do Israel đề xuất. Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng nhanh chóng giữa Iran và Israel làm cho xung đột ở Trung Đông sẽ leo thang hơn nữa.
Cho đến nay, trọng tâm của Israel là làm suy yếu các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn ở Gaza, Li Băng, Syria và Yemen. Tình hình bất ổn vẫn có thể xấu đi đến mức Iran, thậm chí cả các quốc gia vùng Vịnh trở thành trung tâm xung đột mới. Các cuộc tấn công trả đũa giữa Iran và Israel có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn, kéo theo các quốc gia vùng Vịnh và Mỹ tham gia trực tiếp hơn.
Cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ sẽ tiếp tục là động lực chính chi phối tình hình khu vực Đông Á, làm gia tăng căng thẳng và bất ổn tại khu vực.
Triều Tiên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự, bao gồm thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa hành trình và các loại vũ khí mới. Bình Nhưỡng coi đó là một công cụ để bảo đảm an ninh quốc gia và đòi hỏi Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Quan hệ liên Triều bước vào giai đoạn đầy biến động, các kênh đối thoại giữa hai bên hầu như đóng băng. Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn, cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận và có hành động khiêu khích. Các cuộc tập trận quân sự chung giữa Hàn Quốc và Mỹ cũng diễn ra thường xuyên hơn, làm gia tăng căng thẳng quân sự trên bán đảo.
Căng thẳng liên Triều không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của cả hai miền, mà còn thúc đẩy cả Hàn Quốc và Triều Tiên tăng cường năng lực quân sự, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm trong khu vực.
Việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân có thể tạo ra hiệu ứng domino, khiến các quốc gia khác trong khu vực phát triển vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc và Nhật Bản, làm phức tạp thêm các mối quan hệ trong khu vực và làm suy yếu các cơ chế hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu.
Biển Đông cũng sẽ có những chuyển động mới. Mỹ đã gia tăng tiếp cận các căn cứ quân sự ở Philippines trong năm 2024, giúp sức mạnh quân sự của Washington ở Biển Đông tăng lên đáng kể.
Về tổng thể, Biển Đông năm 2025 vẫn sẽ là một điểm nóng chiến lược, có tầm ảnh hưởng tới toàn cầu. Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc vẫn sẽ tồn tại theo cả hai hình thức: va chạm trên thực địa và tăng cường đấu tranh về pháp lý, đối ngoại. Trong khi đó, các quốc gia xung quanh, nhất là các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, cũng sẽ tăng cường theo sát tình hình.
Kể từ năm 2025, biến số có ảnh hưởng đáng chú ý tới tình hình Biển Đông là sự trở lại của ông Trump. Điều này đang đặt ra khả năng Mỹ sẽ đẩy chuyển một phần trách nhiệm cho Nhật Bản, Australia và các đồng minh khác của Mỹ.
Cục diện Biển Đông khó có bước ngoặt lớn, nhưng tính phức tạp và thất thường sẽ gia tăng. Philippines có thể đối mặt với việc Mỹ giảm sự quan tâm, trong khi quan hệ với Bắc Kinh khó có thể khôi phục. Tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) sẽ có thể có thêm những hi vọng, nhưng vẫn khó đi đến một thỏa thuận cuối cùng.
Thách thức trong năm 2025 không chỉ đến từ sự căng thẳng địa chính trị và địa kinh tế, mà còn từ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và Internet vạn vật (IoT) sẽ thâm nhập vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, nhân loại cũng phải đối mặt với những tác động về mặt đạo đức của việc áp dụng AI rộng rãi, bao gồm cả việc thay thế việc làm và thiên vị thuật toán.
Tự động hóa sẽ tiếp tục dẫn đến mất việc làm ở một số ngành nhất định và tạo ra cơ hội mới ở những ngành khác. Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các công nghệ kết nối cũng sẽ làm gia tăng rủi ro an ninh mạng. Bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và dữ liệu cá nhân khỏi các cuộc tấn công mạng sẽ trở thành một thách thức thậm chí còn lớn hơn vào năm 2025.
Do vậy, trong năm 2025, hành động về quản trị AI toàn cầu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Tháng 2, Hội nghị thượng đỉnh hành động AI sẽ diễn ra tại Paris với sự tham gia của các chính phủ, công ty công nghệ, nhà khoa học và chuyên gia. Vào tháng 4, Rwanda sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về vai trò toàn cầu của châu Phi trong AI.
Tuy nhiên, ngoài các hội nghị cấp cao này, trong suốt năm 2025, việc thực hiện Hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu của Liên hợp quốc và bản thiết kế được đề xuất cho quản trị AI có thể tạo cơ hội cho các cường quốc mới nổi viết lại các quy tắc và giành được nhiều ảnh hưởng hơn.
Các quy tắc mới về AI từ "Đạo luật AI" hàng đầu của Liên minh châu Âu sẽ có hiệu lực vào tháng 8. Tại Mỹ, các hãng công nghệ lớn sẽ thắng lớn sau sự trở lại của ông Trump. Chính quyền mới của Mỹ vốn thân thiện với doanh nghiệp và ủng hộ nhiệt thành việc bãi bỏ sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden về phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo an toàn, bảo mật và đáng tin cậy.
Quá trình chuyển đổi năng lượng trên thế giới đang diễn ra khá ấn tượng, cứ mỗi USD đầu tư vào dầu, khí đốt và than đá thì có 2 USD được đầu tư vào năng lượng tái tạo. Tại Trung Quốc, 50% số xe đăng ký mới vào năm 2025 sẽ là xe điện. Tại châu Âu, các quy định về CO2 chặt chẽ hơn và xe điện giá cả phải chăng hơn dự kiến sẽ thúc đẩy doanh số bán xe điện.
Tuy nhiên, tại Mỹ, bộ đôi Donald Trump - Elon Musk có thể làm chậm lại sự chuyển đổi này, với việc đe dọa sẽ loại bỏ các ưu đãi tiền mặt khi mua xe điện. Chiến lược của Elon Musk là phát triển xe tự hành chứ không phải xe điện. Trong khi đó, ông Trump cho rằng kinh tế thế giới tăng trưởng liên tục sẽ gây áp lực lên các nguồn năng lượng, lương thực và nước. Do vậy, công nghệ hiện đại không đủ để thay thế năng lượng truyền thống ở quy mô cần thiết.
Những thách thức lớn đối với biến đổi khí hậu sẽ xuất hiện vào năm 2025. Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu COP30 vào tháng 11, diễn ra tại Belém, Brazil, sẽ là thời điểm then chốt để ngăn chặn biến đổi khí hậu ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng cường thực hiện Thỏa thuận Paris.
Tuy nhiên, việc khử cacbon trong các lĩnh vực then chốt có thể bị cản trở bởi các chính sách bảo hộ ngày càng gia tăng trên thế giới. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Trump dự kiến sẽ rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris và có thể là Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, đồng thời đe dọa sẽ cắt giảm trợ cấp năng lượng tái tạo và chuyển sang hỗ trợ nhiều hơn cho nhiên liệu hóa thạch.
Hợp tác khí hậu toàn cầu vốn đã căng thẳng, bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt rõ ràng về lãnh đạo và các ưu tiên và chương trình nghị sự cạnh tranh. Điều này đã nâng cao ảnh hưởng của Trung Quốc trong cuộc tranh luận về khí hậu toàn cầu. Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu trong sản xuất và xuất khẩu các công nghệ sạch giá cả phải chăng. Trong 5 năm qua, ước tính Trung Quốc đã chiếm 40% công suất năng lượng tái tạo toàn cầu.
Tóm lại, thế giới năm 2025 hứa hẹn sự hồi phục kinh tế khả quan, nhưng vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh và tập hợp lực lượng phức tạp giữa các nước lớn. Cùng với đó là các cuộc xung đột và bất ổn địa chính trị, trong quá trình chuyển dịch khó khăn sang trật tự đa cực, đa trung tâm. Chỉ có hợp tác, các quốc gia trên thế giới mới vượt qua được các thách thức và tranh thủ được các cơ hội cho hòa bình và phát triển.
Nguồn: dantri.com.vn