Sáng 27/11, Thành đoàn phối hợp Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức tổng kết trao giải Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 24. Trong 12 lĩnh vực, Ban tổ chức chọn 8 nghiên cứu trao giải nhất trị giá 10 triệu đồng. Trong đó, nghiên cứu công nghệ bảo quản lúa, gạo sử dụng khí CO2 của nhóm sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM kìm hãm sự sinh trưởng, phát triển, sinh độc tố gây ung thư aflatoxin B1 và fumonisin B1 của F. proliferatum và A. flavus.
Theo Nguyễn Phương Tùng, thành viên nhóm, trong quá trình bảo quản lúa gạo thường bị nấm mốc do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như nhiệt độ, hoạt độ nước và khí CO2. Trong đó có một số loại nấm là tác nhân gây ung thư. Trước thực tế này, nhóm phát triển công nghệ giúp tăng tỷ lệ CO2 trong khu vực bảo quản lúa để ức chế phát triển các vi sinh vật, giúp lúa gạo được bảo quản tốt hơn. "Nhóm hy vọng với nghiên cứu này sẽ giúp nông dân và doanh nghiệp tăng giá trị lúa gạo", Tùng nói.
Một lĩnh vực khác của nông nghiệp, nhóm sinh viên Đại học nông lâm TP HCM nghiên cứu về gene ảnh hưởng đến khả năng sản xuất trứng của vịt. Theo nhóm, Prolactin (PRL) là hormone polypeptide được tiết ra bởi thùy trước tuyến yên và là một hormone đa chức năng. Ở vịt, tập tính ấp trứng gây nên bởi việc tăng tiết hormone prolactin, dẫn đến giảm sản xuất tế bào trứng trên buồng trứng, từ đó làm giảm sản lượng trứng.
Trước vấn đề này, nhóm đánh giá đa hình gene prolactin bằng kỹ thuật PCR-RFLP ở nhóm vịt lai hướng trứng (trống Biển và mái TC), ảnh hưởng đa hình gene đến một số tính trạng sản xuất trứng của nhóm vịt lai này. Nghiên cứu nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu ở mức phân tử cho hỗ trợ chọn lọc và lai tạo sau này nhằm tăng sản lượng trứng cho vịt. Đây được coi là một trong những nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về vấn đề này.
Ngoài các đề tài về nông nghiệp, Ban tổ chức trao 6 giải nhất khác cho các lĩnh vực về công nghệ thông tin, hóa dược, sinh - y sinh, hành chính - pháp lý, quy hoạch - kiến trúc - xây dựng và giáo dục.
Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Euréka không trao giải đặc biệt trị giá 50 triệu đồng. Theo đại diện Ban tổ chức, nghiên cứu đạt giải đặc biệt phải đáp đứng ba yêu cầu về tính sáng tạo, hàm lượng khoa học và khả năng ứng dụng thực tiễn. "Đây là các yêu cầu rất khó đối với sinh viên vì đòi hỏi đề tài phải có tính đột phá, khả năng ứng dụng rộng", đại diện Ban tổ chức nói.
Euréka là giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên TP HCM được tổ chức thường niên từ năm 1998. Năm 2017, cuộc thi mở rộng quy mô toàn quốc. Mục tiêu thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên, tạo sân chơi giao lưu, kết nối của những người làm khoa học.
Euréka 2022 có hơn 1.200 đề tài từ 119 đại học, cao đẳng với hơn 3.700 sinh viên tham gia. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, hàng năm cuộc thi có trung bình hơn 1.000 đề tài tham gia. Ban tổ chức đã xây dựng thư viện trực tuyến các đề tài trên website để chia sẻ thông tin khoa học.
Nguồn VnExpress