Theo lịch, sáng 17/7, thí sinh làm bài môn Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian 120 phút. Chiều cùng ngày, các em thi Ngoại ngữ trong 60 phút. Thí sinh làm bài môn Toán vào sáng 18/7.
Những bạn dự thi vào trường chuyên thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội, tiếp tục làm bài môn chuyên vào chiều 18/7 hoặc sáng 19/7.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm nay của Hà Nội có nhiều thay đổi. Ảnh: Việt Linh. |
Năm nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở Hà Nội có nhiều thay đổi nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh, đặc biệt sau thời gian việc học bị gián đoạn vì dịch Covid-19.
Trong đó, số lượng môn thi giảm từ 4 xuống 3. Sĩ tử chỉ thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, nếu không đăng ký xét tuyển vào trường, lớp chuyên.
Điều chỉnh này được đưa ra sau kiến nghị của thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội.
Theo đó, cách tính điểm xét tuyển cũng thay đổi thành tổng điểm Ngữ văn, Toán nhân 2, cộng điểm Ngoại ngữ và điểm ưu tiên (nếu có).
Lịch thi cũng được điều chỉnh nhằm bớt gây căng thẳng cho sĩ tử. Cụ thể, năm 2019, thí sinh thi môn Toán, Ngữ văn trong một ngày. Năm nay, môn Ngoại ngữ được tổ chức cùng ngày với Ngữ văn. Môn Toán chuyển sang hôm sau.
Ngoài ra, môn Ngoại ngữ chỉ thi theo hình thức trắc nghiệm, thay vì kết hợp cả tự luận như năm ngoài. Bài thi được chấm bằng máy.
Đây cũng là năm đầu tiên Hà Nội đưa môn Tiếng Hàn vào tuyển sinh lớp 10 và triển khai dạy môn này tại một số trường THPT.
Bên cạnh đó, do lịch thi lùi lại khoảng 1,5 tháng so với năm trước, thời gian nộp hồ sơ nhập học sau khi trúng tuyển vào trường cũng rút ngắn còn 4 ngày (12-15/8), thay vì 15 ngày như năm 2019.
Một số quy định về vật dụng được hoặc không được mang vào phòng thi giữ nguyên như năm ngoái.
Theo đó, học sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, com-pa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ, Atlat địa lý Việt Nam đối với môn Địa lý (do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì).
Các em có quyền mang vào phòng thi các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Các vật dụng không được mang vào phòng thi gồm vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền thông tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Thí sinh lưu ý tuyệt đối không mang điện thoại di động vào phòng thi, kể cả đã tắt máy.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình tinh giản của Bộ GD&ĐT. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập ở Hà Nội thường được đánh giá là cuộc cạnh tranh căng thẳng hơn kỳ thi đại học.
Năm nay, toàn thành phố có hơn 104.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó, khoảng 15.000 em không đăng ký dự thi tuyển sinh. Như vậy, 89.000 thí sinh sẽ cạnh tranh 65.000 suất học tại trường công lập.
Theo ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội), mức độ cạnh tranh cao thường thuộc về một số trường tốp đầu như Chu Văn An, Kim Liên, Yên Hòa, Nhân Chính, Thăng Long, Việt Đức…
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, khuyên thí sinh và người nhà không nên quá lo lắng, căng thẳng. Đề thi dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức của chương trình giáo dục cấp THCS hiện hành, đã được tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, chủ yếu thuộc chương trình lớp 9 THCS.
Nội dung đề đảm bảo các cấp độ nhận thức thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao.
Theo ghi nhận, nhiều thí sinh bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập ở Hà Nội với tâm lý thoải mái. Phụ huynh cảm thấy lo lắng hơn, song họ cũng không quá mức căng thẳng khi xác định phương án 2 trong trường hợp con không đỗ công lập.
Nguồn Zingnews