Bạn Nguyễn Sĩ Triều Châu (trái) chụp lưu niệm với Simon Sinek, gương mặt nổi tiếng trong lĩnh vực huấn luyện khả năng lãnh đạo với hơn 20 triệu kết quả tìm kiếm trên Google - Ảnh: CHÂU NGUYỄN.
Triều Châu (sáng lập viên Viện Quản lý dự án Atoha) là người Việt đầu tiên trong 40 năm gần đây được vinh danh với giải thưởng PMI Young Professional 2020. Đây là giải thưởng được trao thường niên cho hai đến bốn cá nhân xuất sắc nhất trên toàn cầu trong độ tuổi 25-35 ở lĩnh vực quản lý dự án (PM), do Viện Quản lý dự án (viết tắt PMI, trụ sở chính tại Hoa Kỳ) trao tặng.
Năm nay, lễ trao giải được tổ chức trực tuyến thay vì tại Mỹ (do ảnh hưởng của COVID-19) vào đêm 20-10.
Nhân dịp này, Triều Châu chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online.
* Cảm xúc của bạn như thế nào khi biết mình được trao giải này?
- Đây là 1 trong số 3 hạng mục giải thưởng quan trọng nhất dành cho cá nhân của Viện PMI. Giải thưởng PMI Young Professional là sự công nhận và vinh danh của viện dành cho những chuyên gia trẻ và tài năng, có đóng góp quan trọng trong việc cải tiến quản lý dự án trong một tổ chức, nâng cao kiến thức và hiểu biết sâu rộng trong việc thực hành quản lý dự án, đồng thời chứng tỏ sự hiểu biết về các tiêu chuẩn, thông lệ và các nguyên tắc đạo đức của giới quản lý dự án.
Là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng chuyên nghiệp PMI dành cho cá nhân sau 40 năm dĩ nhiên là niềm tự hào đáng kể, và cũng thỏa ước mong mang tên Việt Nam lên bản đồ quản lý dự án thế giới.
Nhưng tôi chưa bằng lòng với bản thân thời điểm hiện tại. Tôi nhận thức rõ những điểm cần hoàn thiện hơn nữa, chẳng hạn việc chưa hiểu sâu toàn bộ các chuẩn mực quản lý dự án trên thế giới, thiếu kinh nghiệm dẫn dắt đội ngũ hàng trăm người…
Nguyễn Sĩ Triều Châu - Ảnh do nhân vật cung cấp
* Bạn đã có được những bài học gì ý nghĩa trong quá trình đi tư vấn quản lý dự án quốc tế?
- Giai đoạn 2014-2015, tôi có cơ hội đi tư vấn quản lý tiến độ dự án cho GEA ở Singapore và Philippines. Đây là một dự án có tổng ngân sách hơn 100 triệu USD. Khi tôi qua Singapore làm việc với đội ngũ nhân sự nhóm dự án thì có cảm giác một nhân viên lớn tuổi không xem trọng nhà tư vấn người Việt, vì tôi lúc đó mới 28 tuổi.
Bằng kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, tôi đã điều phối dự án tốt đẹp và kết quả đã thuyết phục được đội ngũ lãnh đạo cũng như các thành viên dự án. Điều đó giúp tôi thêm tự tin vào chính mình và cội nguồn. Cuộc sống luôn đầy thử thách, vấn đề còn lại là chúng ta chọn góc nhìn, hướng giải pháp nào phù hợp.
Hay như năm 2016, tôi là người châu Á duy nhất trong tổng số 35 lãnh đạo PMI toàn cầu đã tham gia lớp PMI Leadership Institute Master Class tại Mỹ, được nhận bằng LIMC trong Hội nghị PMI LIM (Leadership Institute Meeting) lớn nhất thế giới ở San Diego (Mỹ) năm 2016. Đó là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ, củng cố thêm niềm tin vào con đường đang đi.
* Với những thành công như hiện tại, bạn còn giữ quan điểm không quan trọng mình học ở đâu, mà quan trọng bản thân nỗ lực như thế nào không?
- Thế giới ngày càng phẳng nên nếu một người đã có tâm thế và thái độ tốt thì có thể học và phát triển bản thân ngay chính tại Việt Nam, để cạnh tranh với đồng nghiệp quốc tế.
Các nguồn học liệu rộng mở từ các trường hoặc tổ chức giáo dục hàng đầu thế giới và công nghệ ngày càng phát triển giúp bất kỳ cá nhân nào ở nơi đâu cũng có thể tiếp cận hầu hết các kiến thức và chuẩn mực quốc tế.
Ngay cả đại dịch COVID-19 tưởng là "nguy" nhưng khía cạnh nào đó chính là "cơ", vì thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, công nghệ và các phần mềm mới giúp rút ngắn khoảng cách địa lý; khi đó rào cản duy nhất chính là tâm thế và thái độ của người học.
* Để tư vấn hiệu quả cho các tập đoàn đa quốc gia thì ngoại ngữ phải rất tốt. Bạn đã học tiếng Anh như thế nào khi xuất thân là dân kỹ thuật?
- Tôi học ngoại ngữ chủ yếu thông qua công việc và đọc, nghe các tài liệu chuyên ngành. Tiếng Anh là điểm yếu phổ biến của dân kỹ thuật và tôi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên tôi tin khi thấy được lợi ích dài hạn và kiên nhẫn học tập, thực hành thì chắc chắn sẽ có tiến bộ.
Nguồn TTO