Số là, đầu giờ học, Thầy đưa ra chủ đề thảo luận cho cả lớp: Cuộc xung đột Nga-Ucraina ai đúng, ai sai? Thế là, cả lớp nháo nhào lên mạng tìm thông tin và tranh nhau đưa ra ý kiến của mình. Cuộc tranh luận cuối cùng quy tụ thành hai phe: Lớp trưởng cùng đa số là các bạn nam và Lớp phó học tập với đa số là các bạn nữ, mỗi bên ủng hộ một nước làm cho cuộc tranh luận tưởng như không có hồi kết.
Chiến sự ác liệt bùng nổ ngày 24/2; Nguồn: Internet
Lớp trưởng Quang hùng hồn: - Thưa thầy và các bạn, ý kiến của các bạn nữ rất cảm tính. Em khẳng định là Nga đúng vì Nga và Ucraina trước đây vốn là anh em trong cùng một mái nhà Liên Xô, được Nga giúp đỡ rất nhiều. Bây giờ, Ucraina lại theo phương Tây, ý đồ đưa NATO áp sát biên giới Nga, đe dọa an ninh, chủ quyền của Nga thì đánh là phải rồi.
Lớp phó học tập cũng gay gắt không kém: - Thưa thầy, bạn Quang tỏ ra là người sùng bái bạo lực. Nếu ai cũng hành xử như nước Nga, thì số phận các nước nhỏ sẽ ra sao. Muốn người ta theo mình, lệ thuộc vào mình không được thì can thiệp vào công việc nội bộ, bây giờ đem quân xâm lược, chà đạp lên độc lập, chủ quyền của nước khác, gây chiến tranh giết hại dân thường thì làm sao mà ủng hộ được ạ.
Sau mỗi ý kiến lại có một tràng pháo tay cổ vũ làm không khí càng thêm náo nhiệt. Tiết cuối cùng sắp hết rồi mà vẫn chưa bên nào chịu nhường bên nào. Thấy thầy đứng dậy, cả lớp bỗng im phắc như chờ đợi phán quyết của một quan tòa.
- Ý kiến các em hôm nay đều đúng, mỗi nhóm đều đưa ra được lập luận của mình khá là thuyết phục. Tuy nhiên, các em không tìm được điểm chung bởi mỗi người đang đứng về lợi ích của mỗi bên để phán xét. Nếu vậy, cuộc tranh luận này sẽ không bao giờ dừng lại. Cũng giống như Nga và Ucraina, cuộc tranh cãi về vấn đề này đã kéo dài mấy chục năm nay, nước nào cũng chỉ đứng trên lợi ích của nước mình, đòi hỏi yêu sách cho dân tộc mình nên không thể nào giải quyết được. Quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ucraina có nguyên nhân từ vấn đề hiện tại nhưng có nhiều vấn đề thuộc về lịch sử. Muốn hòa giải cả hai phải tôn trọng nhau, cùng nhau tìm ra được điểm chung thì mới giải quyết được vấn đề. Tuy có nhiều bất đồng nhưng cả hai nước đều có lợi ích chung đó là hòa bình, ổn định để phát triển, người dân được sống trong ấm no và hạnh phúc. Như vậy, tuy chưa giải quyết được mâu thuẫn một cách triệt để nhưng nếu vì cái chung thì căng thẳng sẽ dịu bớt, ít khả năng xảy ra chiến tranh, bạo lực.
Khi làm truyền thông đối ngoại, chúng ta phải đặt mình vào cương vị mỗi nước để hiểu cho quyết định của họ. Ngoại giao Việt Nam là “ngoại giao cây tre”, thẳng thắn, hiên ngang nhưng cũng rất mềm mại trước phong ba, bão táp để không gãy đổ. Cả Nga và Ucaina đều là bạn của Việt Nam. Chúng ta không “ba phải”, “dĩ hoà vi quý” nhưng không cực đoan ủng hộ bên này hoặc bên kia, bởi ai cũng có lý do của riêng của họ. Thái độ của chúng ta là không bao giờ ủng hộ chiến tranh bởi hơn ai hết Việt Nam hiểu được giá trị của hòa bình sau bao nhiêu năm chiến tranh đầy hy sinh, gian khổ. Chúng ta luôn mong muốn hai nước giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình để không ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh mạng người dân cũng như hòa bình và phát triển của các quốc gia trên thế giới.
Việt Nam luôn nỗ lực đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định để phát triển
Nguồn: Internet
Vấn đề là qua cuộc xung đột này, chúng ta rút ra bài học gì về chính sách đối ngoại của Việt Nam để tồn tại bên cạnh các nước lớn, có nhiều tham vọng; làm sao để không để xảy ra chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Các em tranh luận rất hùng hồn, lý lẽ cũng rất thuyết phục nhưng có lúc đã không làm chủ được cảm xúc, có lời lẽ làm tổn thương nhau đó là điều người làm truyền thông chính sách đối ngoại không bao giờ được vi phạm. Đó cũng chính là mục đích bài học của chúng ta hôm nay.
Chuông báo hết giờ vang lên. Lớp trưởng và lớp phó chạy lại nắm tay nhau với nụ cười ngượng nghịu. Dường như ai cũng nhận thấy, buổi học hôm nay mang đến cho mình nhiều điều cả về chuyên môn và cuộc sống.
Ngọc Vĩnh