Tên sách: AI Trong Cuộc Cách Mạng Công Nghệ 4.0
Tác Giả: jay Agrawal, Joshua Gans, Avi Goldfarb
Năm Xuất Bản: 2018
Số Trang: 444
Nhà Xuất bản: NXB Lao Động
AI là công nghệ mang tính chất thay đổi nhất trong thời đại hiện nay, tuy nhiên không phải ai cũng có được cái nhìn toàn diện về AI. Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về những sự cường điệu hóa khi nói về AI và nhìn nhận rõ về những thử thách cũng như cơ hội mà AI mang lại cho xã hội, bước đầu tiên cần làm chính là đọc cuốn sách AI trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, được viết bởi ba tác giả Ajay Agrawal, Joshua Gans và Avi Goldfarb.
Xã hội loài người đã trải qua ba cuộc Cách mạng Công nghiệp. Sau mỗi cuộc Cách mạng ấy, bộ mặt của thế giới như được thay đổi hoàn toàn. Và hiện nay, loài người đang trải qua cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư trong lịch sử, cuộc Cách mạng được đặt tên là 4.0.
Bất cứ cuộc Cách mạng Công nghiệp nào nổ ra cũng đều phải được xây dựng dựa trên những sự thay đổi vượt bậc của các yếu tố cốt lõi. Cuộc Cách mạng Công nghiệp đầu tiên nổ ra với sự xuất hiện của động cơ đốt trong, với cuộc Cách mạng lần thứ hai là sự ra đời của động cơ điện. Những tiến bộ của máy tính và tự động hóa chính là nền tảng của Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba. Vậy còn 4.0?
AI – Một trong những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số 4.0
Hàng ngày, chúng ta vẫn thường nghe thấy thuật ngữ “Công nghiệp 4.0”, nhưng không phải ai cũng hiểu nó. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu rộng, nhưng bản chất nó vẫn là một cuộc Cách mạng Công nghiệp, tức là vẫn sẽ được xây dựng dựa trên những tiến bộ vượt bậc của một số yếu tố cốt lõi. Cụ thể, nó là sự tiến bộ vượt bậc của Công nghệ sinh học, Vật lý và Kỹ thuật số.
Trong những yếu tố nền tảng của sự ra đời Cách mạng Công nghiệp 4.0, “Kỹ thuật số” gần gũi với cuộc sống hàng ngày của chúng ta nhất. Chúng ta vẫn tiếp xúc và sử dụng nó hàng ngày để phục vụ cho cuộc sống.
Vậy bạn có biết những yếu tố cốt lõi nào tạo nên bước nhảy vọt của Kỹ thuật số 4.0 không? Đó chính là ba yếu tố sau:
Sự xuất hiện của AI tạo ra bước tiến mới trong lịch sử phát triển của loài người. AI len lỏi trong mọi khía cạnh, mọi lĩnh vực trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. AI làm cho cuộc sống trở nên thuận tiện hơn. Trong kinh doanh, vai trò của AI ngày càng được nâng lên. Luận điểm “AI là con đường ngắn nhất để phát triển doanh nghiệp” được đưa ra là hoàn toàn có cơ sở.
AI có mặt ở mọi nơi. AI ở trong điện thoại, xe ô tô của chúng ta, ở trong những trải nghiệm mua sắm, hẹn hò, ở trong bệnh viện, ngân hàng và ở trên các tin tức.
AI và sự dự đoán
Hành động của con người bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó có dự đoán. Sự dự đoán ảnh hưởng đến hành vi và những quyết định mà chúng ta đưa ra hàng ngày. Hiểu đơn giản, dự đoán là quá trình điền thông tin còn thiếu, sự dự đoán lấy những thông tin mà chúng ta có, thường được gọi là “dữ liệu”. Ta sử dụng chúng để tạo ra những thông tin mà ta chưa có. Đó chính là dự đoán, và AI có khả năng đó. Nhờ khả năng phân tích “dữ liệu”, AI có thể đưa ra những dự đoán nhằm hỗ trợ đắc lực cho việc ra quyết định của con người. Quá trình tưởng như tầm thường của việc dự đoán biến máy dự đoán trở nên kì diệu. Những cỗ máy này rất phổ biến trong cuộc sống hiện nay của chúng ta. Đó là những AI có khả năng nhìn (nhận diện đối tượng), điều hướng (xe không người lái), dịch thuật,....
Tại sao AI lại có khả năng dự đoán? Vì nó được nạp vào ba loại dữ liệu: Dữ liệu đào tạo để đào tạo AI; Dữ liệu đầu vào để dự đoán; Dữ liệu phản hồi để cải thiện độ chính xác của dự đoán. Việc thu thập dữ liệu này khá tốn kém, nhưng đó là một khoản đầu tư. Chi phí đó là bao nhiêu phụ thuộc vào lượng mà doanh nghiệp cần và mức độ xâm nhập của quá trình thu thập như thế nào. Vậy nếu doanh nghiệp bỏ thêm 1 đồng chi phí thì sẽ tăng thêm độ chính xác là bao nhiêu? Đây là một bài toán cân bằng không hề đơn giản.
Những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo gần đây là một bước ngoặt của Kỹ thuật số 4.0. Hệ thống AI có khả năng học hỏi và cải thiện theo thời gian giống như trí tuệ của con người. Chúng tạo ra những dự đoán quan trọng và chính xác hơn so với những cách tiếp cận khác dưới những điều kiện cụ thể. Một vài chuyên gia cho rằng sự dự đoán này chính là trung tâm của trí tuệ. Độ chính xác cao trong dự đoán của hệ thống AI cho phép chúng thực hiện những công việc như dịch thuật hay điều hướng. Những công việc này trước đây thường được cho là lĩnh vực độc quyền của trí tuệ con người, nhưng giờ đây chúng hoàn toàn có thể được thực hiện bởi một hệ thống máy đã được “cấy” trí tuệ. Các dự đoán được đưa ra dễ dàng và chính xác hơn, nhờ đó giá thành của các dự đoán giảm xuống, nhưng điều này không có nghĩa đó là sự giảm giá thành của trí tuệ con người. Tại sao lại có thể kết luận như vậy? Bởi dù cho trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên siêu việt, nhưng hãy nhớ rằng, trí tuệ nhân tạo là do “nhân tạo”.
Sự ra đời của AI sẽ dẫn đến sự phân chia lao động. Máy dự đoán thường tốt hơn con người ở việc xác định những yếu tố trong những tương tác phức tạp, đặc biệt là trong những trường hợp có nhiều dữ liệu. Khi càng nhiều không gian cho những sự tương tác như vậy phát triển, khả năng đưa ra những dự đoán chính xác của con người suy giảm khi so sánh tương quan với AI. Tuy nhiên con người thường giỏi hơn máy trong việc hiểu quá trình tạo ra dữ liệu có ưu thế cho việc dự đoán, đặc biệt là trong trường hợp có ít dữ liệu. Phân chia lao động có thể được thực hiện trên cơ sở này. AI sẽ dự đoán những trường hợp thông thường, có quy luật, còn con người sẽ phụ trách những trường hợp ngoại lệ, phi quy luật.
AI và quá trình đưa ra quyết định
AI có thể đưa ra những dự đoán với độ chính xác cao, tuy nhiên dự đoán không phải là quyết định, nó chỉ là một phần của sự quyết định. Những thành phần khác gồm sự đánh giá, hành động, kết quả và ba loại dữ liệu (đầu vào, đào tạo và phản hồi). Nhiều quyết định xảy ra dưới những điều kiện không chắc chắn. Ta quyết định mang ô vì nghĩ trời sẽ mưa nhưng chưa chắc ta đã đúng. Dưới những điều kiện của sự không chắc chắn, ta cần xác định sự trả giá cho việc hành động dựa theo những quyết định sai lầm chứ không phải là quyết định đúng. Sự không chắc chắn làm gia tăng chi phí của việc đánh giá sự trả giá của một quyết định cụ thể. Nhưng may mắn, AI có thể hỗ trợ con người trong việc này.
Máy có thể học để dự đoán sự đánh giá của con người, tuy nhiên khả năng dự đoán này có hạn chế liên quan đến việc thiếu dữ liệu. Có một số loại dữ liệu con người có nhưng máy lại không, ví dụ như sở thích. Máy cũng không giỏi việc dự đoán những sự kiện hiếm xảy ra, và nó cũng không thể dự đoán sự đánh giá khi một tình huống chưa từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Trí tuệ sẽ xử lý những tình huống đó chứ không phải là trí tuệ nhân tạo.
Khi thiếu đi sự dự đoán tốt, chúng ta phải thực hiện nhiều “Sự tạm chấp nhận”. Vậy thực sự AI sẽ hỗ trợ con người như thế nào trong quá trình đưa ra quyết định?
Việc đưa AI vào một công việc không thực sự ám chỉ việc tự động hóa hoàn toàn công việc đó. Sự dự đoán chỉ là một thành phần.
Trong nhiều trường hợp, con người vẫn cần phải áp dụng sự đánh giá và thực hiện hành động. Tuy nhiên, khi máy thực hiện tất cả các yếu tố của một công việc, công việc đó sẽ được tự động hóa hoàn toàn, con người sẽ bị loại bỏ khỏi chuỗi. Như vậy, AI sẽ hỗ trợ con người trong việc đưa ra quyết định trong các trường hợp phổ biến, nhưng không hoàn toàn giải phóng vai trò của trí tuệ con người.
AI và công cụ
Các công cụ AI đều là các giải pháp mũi nhọn. Mỗi công cụ tạo ra một sự dự đoán nhất định và hầu hết được thiết kế để thực hiện một công việc nhất định.
Các công việc cần được phân tích để thấy ở giai đoạn nào thì nên sử dụng máy dự đoán. Điều này cho phép doanh nghiệp có thể ước tính lợi ích của việc cải thiện sự dự đoán và chi phí của việc tạo ra loại dự án đó. Một khi đã tạo ra những ước tính hợp lý, hệ thống sẽ xếp hạng thứ tự của AI từ ROI cao nhất đến thấp nhất, bắt đầu từ trên đầu và đi xuống dưới, bổ sung các công cụ AI chừng nào ROI theo dự đoán vẫn hợp lý. ROI là một ký hiệu xuất hiện rất nhiều trong các cuốn sách kinh tế. ROI (Return On Investment) là tỷ suất hoàn vốn đầu tư, nó cho biết doanh nghiệp đầu tư hiệu quả đến mức nào. Khi hoạt động đầu tư cho AI giúp doanh nghiệp thu lợi nhuận, họ có thể tính được chỉ số ROI và đánh giá hiệu quả của đồng tiền đầu tư vào AI.
Một công việc là sự tập hợp của nhiều nhiệm vụ. Khi phân tích luồng công việc và sử dụng các công cụ AI, một số công việc trước kia được thực hiện bởi con người có thể sẽ được tự động hóa, thứ tự và sự nhấn mạnh vào những nhiệm vụ còn lại có thể thay đổi, những nhiệm vụ mới có thể được tạo ra. Do vậy, sự tập hợp các nhiệm vụ tạo thành một công việc có thể thay đổi. Như vậy, AI là công cụ có khả năng làm thay đổi tiến trình thực hiện một công việc nào đó nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của trí tuệ loài người. Sự bổ sung các công cụ AI tạo ra một số ảnh hưởng sau đến các công việc:
Công việc của con người sẽ được hỗ trợ đáng kể với AI là một công cụ.
AI và chiến lược
Sử dụng AI sẽ là một chiến lược quan trọng cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0 ngày nay.
Bộ máy quản lý cao cấp tại các doanh nghiệp không được ủy quyền toàn bộ chiến lược AI cho bộ phận IT vì các công cụ AI mạnh mẽ có thể nâng cao năng suất của các công việc hơn rất nhiều so với chiến lược của tổ chức và từ đó dẫn đến sự thay đổi bản chất chiến lược. Đây là một nhận định có cơ sở và nó đã phần nào thức tỉnh tư duy của các chủ doanh nghiệp. Khi nhắc đến AI, ta thường có xu hướng quy chụp nó là máy móc, vì thế trách nhiệm phụ trách AI chắc chắn sẽ thuộc về phòng IT. Điều đó không hoàn toàn chính xác.
AI có thể dẫn đến sự thay đổi chiến lược nếu nó có đủ ba yếu tố sau:
Có thể thấy rằng, nếu AI có khả năng can thiệp vào mô hình kinh doanh, phá vỡ sự thiếu chắc chắn và làm cho chiến lược tối ưu của doanh nghiệp có xu hướng thay đổi tức là công cụ AI đó đủ mạnh để làm cho chiến lược chung của doanh nghiệp vận động theo một hướng hoàn toàn khác so với hướng đi cũ. Sự can thiệp của AI làm thay đổi chiến lược kinh doanh diễn ra khá phổ biến trong các doanh nghiệp hiện nay. Sự bổ sung công cụ AI trong một phần của doanh nghiệp cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác. Nói cách khác, các công cụ AI mạnh mẽ có thể dẫn đến sự tái thiết kế đáng kể các luồng công việc và ranh giới của doanh nghiệp.
AI khuyến khích việc sở hữu dữ liệu. Tuy nhiên, trong trường hợp dữ liệu cung cấp không mang tính chiến lược thiết yếu cho tổ chức của doanh nghiệp thì doanh nghiệp nên xem xét mua sự dự đoán trực tiếp từ bên ngoài thay vì mua dữ liệu và sau đó tự dự đoán nhờ các máy AI của mình.
Các doanh nghiệp ngày này đang có xu hướng kỹ thuật số hóa hệ thống của mình. Việc chuyển sang chiến lược ưu tiên AI đồng nghĩa với việc bỏ qua những ưu tiên hàng đầu trước đó.
Chiến lược ưu tiên AI đặt việc tối đa hóa độ chính xác dự đoán trở thành mục tiêu trung tâm của tổ chức, ngay cả khi điều đó nghĩa là thỏa hiệp với những mục tiêu khác, ví dụ như tối ưu hóa doanh thu, số người dùng và trải nghiệm người dùng.
Một quyết định chiến lược khác liên quan đến thời gian. Đó là việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Khi nào nên đưa công cụ AI vào thực tế? Ban đầu công cụ AI được đào tạo trong nhà để tránh xa khách hàng, tuy nhiên chúng học nhanh hơn khi được sử dụng thương mại vì chúng được tiếp xúc với những điều kiện hoạt động thực tế và thường có khối lượng dữ liệu lớn hơn.
Lợi ích của việc khai thác sớm là học nhanh hơn và cái giá phải trả là rủi ro lớn hơn (rủi ro đối với thương hiệu hoặc sự an toàn của khách hàng thông qua việc cho khách hàng tiếp xúc với những AI còn non chưa được đào tạo tử tế).
AI và xã hội
Sự phát triển của AI đưa ra nhiều sự lựa chọn cho xã hội. Mỗi lựa chọn đại diện cho một sự đánh đổi. Ở cấp xã hội, có ba sự đánh đổi đặc biệt nổi bật.
Sự đánh đổi đầu tiên là năng suất so với sự phân phối. Nhiều người đề xuất rằng AI sẽ khiến chúng ta nghèo hơn hoặc thậm chí tệ hơn. Điều đó không đúng. Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng tiến bộ công nghệ khiến chúng ta tốt hơn và nâng cao năng suất. Rõ ràng là AI sẽ nâng cao năng suất. Vấn đề không phải là tạo sự giàu có mà là sự phân phối. Bởi vì AI có thể khiến vấn đề bất bình đẳng thu nhập tồi tệ hơn. Sự phát triển của AI gây ra bất bình đẳng thu nhập bởi hai lý do. Thứ nhất, AI tăng sự cạnh tranh giữa con người trong các công việc không có sự tham gia của AI, làm cho mức lương giảm xuống. Thứ hai, một số công nghệ AI cần có kỹ năng chuyên môn để vận hành, do đó AI có thể chỉ có lợi cho số ít người có tay nghề cao.
Sự đánh đổi thứ hai là sự đổi mới so với sự cạnh tranh. Giống như phần lớn các công nghệ liên quan đến phần mềm, AI có nền kinh tế quy mô. Hơn nữa, các công cụ AI thường được đặc trưng bởi việc gia tăng lợi nhuận ở mức độ nào đó, do đó các doanh nghiệp có động lực lớn hơn để xây dựng hệ thống AI hiện đại. Điều này có mặt trái, bởi nó có thể gây ra trạng thái độc quyền, gây thiệt hại về lâu dài cho xã hội.
Sự đánh đổi thứ ba là hiệu suất so với quyền riêng tư. AI sẽ hoạt động tốt hơn nếu có nhiều dữ liệu hơn, cụ thể chúng sẽ cá nhân hóa sự dự đoán tốt hơn nếu chúng có quyền truy cập tới nhiều dữ liệu cá nhân. Cung cấp dữ liệu cá nhân đồng nghĩa với giảm quyền riêng tư. Đó là lý do vì sao ngày nay các thông tin cá nhân lại có giá trị lớn, lớn hơn rất nhiều so với quá khứ.
Đối với cả ba đánh đổi, các khu vực pháp lý sẽ phải cân nhắc cả hai mặt của giao dịch và thiết kế chính sách phù hợp nhất với chiến lược tổng thể và ý muốn của công dân.
Kết
Nếu con người ủy quyền hoàn toàn cho AI thì liệu rằng viễn cảnh AI thống trị lại con người có xảy ra? Liệu AI có phải là mối đe dọa đối với sự tồn tại của nhân loại? Một số người có tầm ảnh hưởng toàn cầu như Elon Musk, Bill Gates hay Stephen Hawking đều đã từng bày tỏ sự lo lắng của mình về một “Siêu trí tuệ”. “Siêu trí tuệ” này nhanh chóng coi nhân loại như một mối đe dọa, “một thứ gì đó ngứa mắt”. Và kết quả, AI sẽ là sự đổi mới công nghệ cuối cùng mà nhân loại có được trước khi sự thống trị ngược diễn ra.
Chưa chắc! Nhưng cũng có thể xảy ra lắm chứ!
Nhưng đó không phải là vấn đề lớn mà các chuyên gia quan tâm. Bởi vấn đề đáng quan tâm nhất chính là tầm ảnh hưởng sâu rộng của AI lên các mặt của cuộc sống chúng ta. AI len lỏi trong mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh đời sống. AI đang hoàn thành đúng trách nhiệm mà nó gánh vác – trách nhiệm của một yếu tố cốt lõi trong một cuộc cách mạng quy mô toàn cầu.
Bức tranh về AI trong Cách mạng Công nghệ 4.0 đã được vẽ một cách hoàn hảo dưới ngòi bút của ba tác giả Ajay Agrawal, Joshua Gans và Avi Goldfarb thông qua cuốn sách AI trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. AI là một chủ đề hot và được quan tâm bởi các bạn trẻ trong thời đại ngày nay – những con người có khả năng nắm bắt công nghệ nhanh. Đây là thời đại của AI, chúng ta nên có những hiểu biết về AI để có thể nắm bắt xu hướng vận động của thế giới.
Theo ybox