Các máy bay chiến đấu của Ấn Độ quần thảo ở khu vực biên giới với Trung Quốc ở Himalaya trong một động thái được cho là nhằm phô diễn sức mạnh quân sự sau vụ đụng độ đẫm máu giữa binh sĩ hai nước tại thung lũng Galwan ở đây hôm 15/6.
Mặc dù đã đạt được thỏa thuận rút quân khỏi các khu vực căng thẳng ở biên giới tranh chấp, song hai bên tiếp tục duy trì binh sĩ xung quanh thung lũng. Ấn Độ đã triển khai thêm lực lượng và cố phô diễn sức mạnh quân sự.
Hôm qua, các máy bay chiến đấu này được nhìn thấy liên tục cất cánh từ một căn cứ quân sự của Ấn Độ ở khu vực Leh, một thị trấn gần khu vực tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng lập các chốt kiểm soát ở các tuyến đường chính tỏa ra từ Leh, các hoạt động quân sự tại đây có xu hướng gia tăng những ngày qua. Người dân địa phương cho biết họ thấy các hàng dài xe tải và khẩu pháo ở các tuyến đường gần nơi họ sinh sống.
Trước đó, hãng tin ANI dẫn nguồn thạo tin hôm 19/6 cho biết, Ấn Độ đã triển khai hàng loạt máy bay chiến đấu đến khu vực biên giới với Trung Quốc, trong số này có các máy bay Sukhoi-30MKI, Mirage 2000, Jaguar, trực thăng tấn công Apache. Nguồn tin của ANI cũng cho biết, Không quân Ấn Độ đang có kế hoạch đẩy nhanh thương vụ mua 33 máy bay chiến đấu từ Nga, gồm 21 máy bay MiG-29 và 12 máy bay Su-30MKI.
Một quan chức thuộc Quân khu phía Bắc của quân đội Ấn Độ nói với AFP rằng: "Chúng tôi đang có một sự hiện diện mạnh mẽ ở khu vực". Trong khi đó, ông Tashi Chhepal, một đại úy quân đội Ấn Độ nghỉ hưu, cho biết đây là đợt điều động lực lượng chưa từng có tiền lệ ở khu vực nhạy cảm giáp với Pakistan và Trung Quốc. "Tôi chưa từng thấy một đợt huy động quân sự nào như vậy trước kia", ông nói.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc căng thẳng vì vụ đụng độ hôm 15/6 giữa binh sĩ hai bên ở thung lũng Galwan, khu vực Ladakh, vùng Kasmir. Binh sĩ hai bên đã ẩu đả hơn 6 giờ đồng hồ bằng gậy gộc, thanh sắt và gạch đá. Ấn Độ xác nhận 20 binh sĩ của họ thiệt mạng, hàng chục binh sĩ bị thương, trong khi Trung Quốc tiếp tục tránh đề cập con số thương vong trong vụ đụng độ có thể coi là nghiêm trọng nhất hơn 40 năm qua ở biên giới hai nước. Mặc dù hai bên đã đạt được thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng, song tiếp tục đổ lỗi cho nhau về vụ đụng độ.
Tại Ấn Độ, làn sóng kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc đang ngày càng lan rộng. Trong tuần này, giới chức Ấn Độ đã tạm dừng các dự án hợp tác với Trung Quốc với tổng giá trị hơn 600 triệu USD. Chính phủ Ấn Độ cũng để ngỏ kế hoạch tăng thuế đối với hàng trăm sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo Dân Trí