Tên sách: An ninh khí hậu trong quan hệ quốc tế
Tác giả: Nguyễn Việt Lâm
Năm xuất bản: 2024
Số trang: 288
Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia Sự thật
Biến đổi khí hậu mà biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đã tạo nên các hiện tượng thời tiết cực đoan hiện nay. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI vì ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người. Tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu đang hiện hữu ở khắp các châu lục, lấy đi nhiều nguồn lực quý báu dành cho phát triển kinh tế - xã hội, làm gia tăng tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, bất bình đẳng xã hội; đồng thời dẫn đến những tranh chấp về tài nguyên thiên nhiên giữa các cộng đồng dân cư, buộc hàng chục triệu người phải di cư tìm nơi sinh kế mới, kích hoạt các mối đe dọa xuyên biên giới về an ninh sinh thái, môi trường, lương thực hay nguồn nước. Những hệ quả này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành căng thẳng, bất ổn địa - chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh và sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia - dân tộc. Đây thực sự là “cảnh báo đỏ”, là mặt trận không tiếng súng nhưng gây thiệt hại về kinh tế, sinh mạng không kém phần nguy hiểm như chiến tranh, xung đột nóng.
Do lãnh thổ trải dài trên nhiều vĩ tuyến, địa hình đa dạng và phức tạp, nên Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Báo cáo “Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Tác động và thích ứng” (công bố năm 2021) do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cơ quan phát triển Pháp (RFD) phối hợp nghiên cứu cho biết, với kịch bản nhiệt độ tăng lên và mực nước biển dâng thêm 1m so với hiện nay, Việt Nam sẽ có thể bị mất 5% diện tích đất liền tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên thêm 1,5°C và 2°C, thiệt hại trực tiếp đối với GDP của Việt Nam sẽ tương ứng là 4,5% và 6,7%. Mực nước biển dâng cũng dẫn tới sự sụt giảm diện tích trồng lúa gạo, đe dọa an ninh lương thực của đất nước.
Cuốn sách An ninh khí hậu trong quan hệ quốc tế của TS. Nguyễn Việt Lâm đề cập những lý thuyết cơ bản về an ninh khí hậu, thực tiễn của tình trạng biến đổi khí hậu ở một số nước trên thế giới, nhận thức và hành động của nhiều quốc gia đối với vấn đề này, đồng thời đưa ra những cách tiếp cận cụ thể về mặt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam cùng những khuyến nghị để giải quyết, ứng phó với biến đổi khí hậu, những nguy cơ về an ninh khí hậu hiện nay và trong những năm tới.
Theo nxbctqg