Sáng 14/8, trong khi đang chuẩn bị bài giảng cho lớp học chiều, ông Huỳnh Văn Ngọc (50 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức, TP.HCM) bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ thuê bao 0826477915 với nội dung số điện thoại của ông sẽ bị cắt trong vòng 2 giờ nữa nếu không thực hiện các thủ tục cập nhật thông tin theo quy định pháp luật. Trước đó ít ngày, ông cũng nhận được cuộc gọi yêu cầu đóng tiền điện cho 1 công ty ở khu vực phía Bắc dù ông không hề có công ty nào.
Dù không còn bất ngờ song ông Ngọc vẫn rất bức xúc trước thực trạng này: "Cá nhân mình thấy rất phiền phức và bị ảnh hưởng nhiều, nào là bị đe doạ, cắt điện, cắt điện thoại nào là bị nói là nợ nần, thậm chí gây ảnh hưởng niềm tin trong gia đình. Mình nghĩ chắc do nhà mạng rò rỉ thông tin ra thì các đối tượng này mới biết số của mình".
Còn đây là nội dung một số cuộc gọi quảng cáo phóng viên chương trình tiếp nhận trong thời gian gần đây:
"Em gọi cho mình từ phòng dịch vụ thẻ tín dụng ngân hàng…, em ở VNPAY liên kết với 29 ngân hàng để hỗ trợ rút tiền và trả góp với lãi suất ưu đãi".
"Em là Huyền, liên hệ với anh từ ngân hàng quốc tế ..."
"Em là Gia Hân gọi cho mình từ phòng dịch vụ ưu tiên đối tác của các hãng hàng không, anh có phần quà tri ân khách hàng đã sử dụng dịch vụ, anh cho em xác nhận thông tin là mình đã bay Bamboo Airway rồi đúng không?".
Điều đáng nói là các cuộc gọi quảng cáo này được thực hiện từ các thuê bao có đầu số 028…thoạt nhìn tưởng là thuê bao cố định, song khi tiến hành liên lạc lại thì không được vì đây là các cuộc gọi từ máy chủ ảo (còn gọi là ip phone).
Liên quan đến công tác kiểm tra và xử lý đối với tình trạng sim rác, cuộc gọi rác, thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cho biết thời gian qua đã xử phạt hành chính đối với 10 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như ngừng cung cấp dịch vụ đối với 1710 thuê bao di động vi phạm. Tuy nhiên, đơn vị quản lý cũng gặp không ít khó khăn với tình trạng các cuộc gọi rác được thực hiện từ tổng đài ảo.
Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cho biết thêm: "Việc truy tìm nguồn gốc các tổng đài này rất khó khăn và gần như là không tìm được nơi phát tán các cuộc gọi đó. Tôi cũng nhìn nhận rằng các tin nhắn, cuộc gọi rác đó nó làm phiền người dân nên chúng tôi đang xử lý trên góc độ công nghệ cao hơn để có thể chặn các cuộc gọi ip quấy rầy người dùng, doanh nghiệp. Bên cạnh đó về mặt kỹ thuật, chúng tôi vẫn phối hợp với Bộ TTTT và cả lực lượng Công an để xử lý, thậm chí là xử lý hình sự các đối tượng vi phạm. Tuy vậy, cần phải nói rõ rằng tỷ lệ xử lý là không cao".
Theo thống kê của các đơn vị quản lý thì thời gian gần đây tình trạng các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, bắt nguồn từ các cuộc gọi lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều. Và trên thực tế đã ghi nhận rất nhiều nạn nhân đã dính bẫy và bị thiệt hại nặng nề về vật chất, lẫn tinh thần.
Ông Ngô Vi Đồng - Phó Chủ tịch Hội an toàn thông tin Việt Nam nhận định: "Thực sự trong thời gian vừa qua đã diễn ra rất nhiều các hoạt động liên quan đến các ứng dụng công nghệ mới. Chúng tôi thực sự lo lắng và cảnh báo hiện tượng các loại tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới để trục lợi và đó chính là mối quan tâm lớn của chúng tôi trong thời gian vừa qua. Lĩnh vực an ninh an toàn thông tin càng ngày càng quan trọng, Đảng Chính Phủ và Bộ TTTT hết sức quan tâm, liên tục khuyến cáo và đề ra các chính sách cơ sở pháp luật để hoàn thiện vấn đề này".
Các chuyên gia về an toàn thông tin cho rằng năm 2023 là năm bản lề của công cuộc chuyển đổi số quốc gia và cũng là giai đoạn đẩy mạnh đề án 06 về dữ liệu dân cư quốc gia và định danh số, do đó các vấn đề về đảm bảo an toàn dữ liệu người dùng nói riêng, chính quyền số nói chung đóng vai trò hết sức quan trọng.
Chuyên gia an toàn thông tin, tiến sĩ Võ Văn Khang phân tích thêm: "Song song với quá trình chuyển đổi số là các nguy cơ về an toàn thông tin, cụ thể là các vấn đề về an toàn dữ liệu và an toàn thông tin liên quan đến các hạ tầng trọng yếu quốc gia. Đó là 2 vấn đề lớn cần cân nhắc, ngoài ra quá trình này cũng làm phát sinh 1 số vấn đề từ các dịch vụ của cuộc sống phụ thuộc vào chuyển đổi số rất nhiều, đó là vấn đề liên quan đến lừa đảo hay bảo mật cá nhân cũng là thách thức cần phải đối mặt".
Công tác đảm bảo an toàn dữ liệu cho cá nhân, tổ chức thời gian qua đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước. Không chỉ vậy, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân ngày 17/4/2023 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2023 vừa qua. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để các bên liên quan thực hiện tốt hơn công tác này.
Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM nói: "Cần khẳng định dữ liệu là tài sản, dữ liệu trở thành vấn đề rất nhạy cảm của cá nhân do đó mỗi cá nhân cần tự ý thức việc tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Còn với các tổ chức khi thu thập dữ liệu cá nhân cần xác định rõ trách nhiệm, kể cả trách nhiệm dân sự, hình sự và uy tín của tổ chức mình. Cần nhớ rằng việc thu thập dữ liệu có những quy định rõ ràng, đầu tiên là phải có sự đồng thuận của bên cung cấp dữ liệu; chỉ được sử dụng trong các hoạt động được pháp luật quy định và được cá nhân, tổ chức đồng ý; phải phù hợp với văn hoá ứng xử trên mạng và phù hợp với các giao dịch hàng ngày trong xã hội".
Nói nhiều, làm chưa được bao nhiêu
Vấn đề đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin cá nhân từ lâu đã được đề cập như là một trong những bức xúc lớn nhất của xã hội thông tin sôi động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Không ít cuộc tranh luận, chất vấn tại Nghị trường Quốc hội, tại các cuộc họp của Chính phủ, Bộ ngành địa phương về công tác quản lý thuê bao di động, sim rác, cuộc gọi rác cũng như các giải pháp xử lý đã được đề ra song hiệu quả là chưa cao.
Dù đã có một số kết quả xử lý ban đầu với hàng ngàn thuê bao bị dừng hoạt động, nhưng tình trạng sim rác, số ảo liên tục làm phiền thậm chí là lừa đảo diễn ra nhan nhản đã thực sự khiến dư luận hoài nghi về năng lực lẫn quyết tâm đến từ các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành địa phương đã và đang khẩn trương triển khai đề án 06 về cơ sở dữ liệu quốc gia đã phần nào giúp quá trình thanh lọc các thuê bao rác được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, với sự trợ giúp đắc lực của trí tuệ nhân tạo cũng như các công nghệ mới thì các hình thức “làm phiền”, “tấn công” thậm chí là “xâm hại” đến lợi ích của người dân xảy ra càng nhiều hơn, điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các cơ quan quản lý.
Rõ ràng, quá trình thanh tra, kiểm tra hay xử lý các vi phạm trong lĩnh vực an ninh thông tin, an toàn dữ liệu không thể giống với các lĩnh vực khác bởi công nghệ số là ngành có tốc độ thay đổi vào loại nhanh nhất hiện nay. Do đó, nếu các bên liên quan cứ tiếp tục áp dụng các phương thức truyền thống mà không có sự đổi mới trong cách làm thì người dân vẫn sẽ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay.
Quyết liệt là chắc chắn, nhưng sự quyết liệt cần được cụ thể hoá bằng những hành động cụ thể. Đó có thể là xử lý hình sự đến cùng đối với các cá nhân tổ chức cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần hay vi phạm tinh vi để tạo sự răn đe cần thiết. Đó cũng có thể là đặt ra giới hạn cần thiết cho việc sở hữu thuê bao điện thoại hoặc chuẩn hoá các quy định về khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường số…
Vẫn biết là không dễ để nói không với sim rác, số ảo lẫn các hành vi tấn công, lừa đảo bằng công nghệ cao hay trí tuệ nhân tạo, nhưng người dùng vẫn mong chờ một tinh thần trách nhiệm cao đến từ các tổ chức, cá nhân có liên quan để có thể can thiệp, bảo vệ và giúp họ trở thành những “công dân số” văn minh, an toàn.
Huy Hoàng/VOV Giao thông