Nếu bị lợi dụng, đây sẽ cỗ máy truyền tin giả hoặc video độc hại nhanh chóng. Cần phải quan tâm đến việc kiểm soát tác động tiêu cực của các nền tảng trực tuyến để loại trừ những nguy cơ xấu về tư tưởng, sức khoẻ tâm thần và an toàn của cộng đồng.
Theo số liệu vừa mới công bố từ Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, thời lượng truy cập internet trung bình mỗi ngày của người Việt Nam đang tăng lên. Đặc biệt, đối tượng sử dụng internet trên 9h một ngày tăng vọt. Từ 9% của năm 2020 lên 21% trong năm 2021. Có tới 53% đến 61% người dùng internet để tham gia diễn đàn, mạng xã hội hay là xem phim, nghe nhạc. Đáng lo ngại, đi kèm với những con số tăng trưởng này là hiện tượng "nghiện" các nền tảng trực tuyến và bị ảnh hưởng xấu từ những video độc hại.
Với thuật toán của các nền tảng mạng xã hội hiện nay, chỉ cần 1 lần người dùng vô tình hoặc cố ý mở 1 video clip thì những lần truy cập sau, các video với nội dung tương tự sẽ tự động được giới thiệu tới người dùng. Người lớn thì có thể quyết định xem hay bỏ qua. Nhưng nếu vô tình, trẻ em cầm điện thoại của bố mẹ và tò mò mở ra xem, thì những tác động tiêu cực tới nhận thức của các em là khó tránh khỏi.
Với người trẻ, thường xuyên lướt mạng xã hội là thói quen không hề xa lạ. Chẳng ai dám chắc, những tình huống được đề cập trong các clip như bố chồng - con dâu, chuyện tình tay ba, khoe của, tệ nạn xã hội… liệu có tác động đến lối sống, nhận thức của họ hay không?
Không thể cấm đoán một cách cực đoan, nhưng cũng không thể thả nổi để phát triển tự do. Chúng ta nhìn thấy rõ tác hại của những nền tảng trực tuyến đang ảnh hưởng đến người dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ. Chưa kể những nguy cơ khác về an ninh dữ liệu cá nhân, một vấn nạn đau đầu nhiều ngày qua. Cần một giải pháp, sự vào cuộc hợp lý để kiểm soát các tác động tiêu cực của mạng xã hội cũng như các nền tảng trực tuyến.
Cùng trao đổi về vấn đề này với ông Vũ Ngọc Sơn, Chuyên gia an ninh mạng.
Nguồn VTV