Lễ khởi động Tầm nhìn APEC sau năm 2020, được tổ chức ngay trước khi bế mạc Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27, có thể coi là một dấu mốc quan trọng cho việc định hướng tương lai APEC và khu vực châu Á- Thái Bình Dương, trên cơ sở hợp tác để bảo đảm châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực kinh tế năng động và kết nối nhất thế giới. Nói cách khác, trong giai đoạn đầy khó khăn, thách thức hiện nay, khi cả thế giới đang hứng chịu những tác động nặng nề của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, APEC - với tổng dân số 3 tỷ người, chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và gần 50% thương mại thế giới - cần giữ vai trò trung tâm trong quá trình khôi phục kinh tế hậu đại dịch.
Trong Tuyên bố chung Putrajay 2020, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định tầm quan trọng của sự phối hợp, hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên để giúp khu vực châu Á - Thái Bình Dương phục hồi thành công sau dịch Covid-19 và các tác động kinh tế do đại dịch gây ra, đồng thời cam kết nâng cao sức khỏe và cuộc sống ấm no cho tất cả người dân, song song với thúc đẩy phục hồi theo hướng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, có chất lượng cân bằng, bao trùm, bền vững, đổi mới và an toàn. Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, mang lại lợi ích và sức khỏe tốt hơn cho tất cả người dân chính là những yếu tố quan trọng, không chỉ giúp khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khả năng chống chịu với những cú sốc, khủng hoảng, đại dịch và các trường hợp khẩn cấp khác, mà còn tạo động lực để APEC có thể hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết toàn diện mọi thách thức, vì một hành tinh bền vững.
Với những mục tiêu như vậy, các thành viên APEC cam kết phối hợp chặt chẽ để xây dựng một môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và ổn định, đồng thời dẫn dắt để hình thành xã hội quan tâm thúc đẩy “sự bền vững trong mọi lĩnh vực” - kinh tế, xã hội và môi trường, mang lại ích chung cho các bên. Việc mọi người dân trong khu vực, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em, người già và các nhóm dễ bị tổn thương, được thụ hưởng những lợi ích từ các quá trình này, chính là thước đo thành công của APEC trong thời kỳ hậu Covid-19.
Có thể nói, Tầm nhìn APEC sau năm 2020 đã phản ánh những định hướng mà Việt Nam đặt ra khi đề xuất sáng kiến về hình thành Nhóm tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ các quan chức cao cấp trong việc xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020, sáng kiến đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 do Việt Nam đăng cai tổ chức ở Đà Nẵng tháng 11/2017. Đó là xây dựng một APEC vì người dân và doanh nghiệp, có khả năng thích ứng và đi đầu trong xử lý các thách thức toàn cầu, đóng góp tích cực vào việc xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng. Trong phát biểu tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27 này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh người dân và doanh nghiệp cần được đặt vào trung tâm của phát triển và liên kết kinh tế, trong đó phát triển bền vững, bao trùm, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, nguồn nước, biến đổi khí hậu… cần trở thành trụ cột mới của hợp tác APEC.
HQOL