Cùng đội ngũ y bác sĩ "căng mình" chống dịch
Bác sĩ Phạm Văn Phúc (SN 1990, quê ở Nghệ An) công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khoa Hồi sức tích cực đến nay đã được 4 năm.
Ngay khi xuất hiện làn sóng lây lan dịch bệnh đầu tiên ở Việt Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là đơn vị được Chính phủ, Bộ Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân Covid-19 của miền Bắc.
Khi dịch Covid-19 vừa xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), anh Phúc cùng với đội ngũ y bác sĩ đã xác định tinh thần trước về khả năng lây lan tới Việt Nam. Thời điểm đó, anh đã bắt đầu tham khảo tài liệu, soạn sẵn các phương án điều trị căn bệnh hô hấp có diễn biến bất thường này.
Gặp những bệnh nhân nặng đầu tiên được chuyển lên khoa Hồi sức, anh Phúc cảm thấy rất lo lắng. Anh lo bởi đây là một loại dịch mới và nguy hiểm, ban đầu bản thân anh và các đồng nghiệp khác gần như không có kinh nghiệm gì.
Vừa lo, anh lại có thêm nỗi sợ khi nhìn thấy hai anh em bác sĩ cùng chiến tuyến bị lây nhiễm. Trong anh gói trọn cảm xúc của người tuyến đầu khi còn thiếu thông tin, chưa nắm rõ được diễn biến.
Trải qua một chặng đường dài chống dịch, bác sĩ Phạm Văn Phúc chia sẻ: "Xuyên suốt những khó khăn khi điều trị cho các bệnh nhân không may mắn mắc Covid-19, tôi đã thực sự trưởng thành hơn với chính bản thân mình".
"Đáng nhớ nhất, khi bệnh nhân số 19 nhập viện (64 tuổi), một trong những trường hợp có tình trạng nặng nhất trong số các ca mắc Covid-19 phải can thiệp thở máy xâm nhập, ECMO (tim phổi nhân tạo).
Tôi và đồng nghiệp đã rất lo lắng khi bệnh nhân ngừng tim vào khoảng 12h đêm, chúng tôi liên tục ép tim 45 phút. Sau khi nhận được tín hiệu khả quan và hiện tại bệnh nhân đã được công bố âm tính, tôi mới thấy thấm thía hơn những giây phút làm nên lịch sử. Cảm xúc thật khó diễn tả!", bác sĩ Phúc kể lại.
Sự đảo lộn sinh hoạt khi phải trực 24/24 giờ đối với anh đã thành quen thuộc. Anh cùng đồng nghiệp động viên lẫn nhau hãy luôn giữ vững tinh thần, sức khỏe, tranh thủ nghỉ ngơi để mỗi khi nghe chuông báo động sẽ bật dậy tràn đầy năng lượng.
Vừa là bác sĩ, vừa đóng vai trò như người thay gia đình chăm sóc bệnh nhân, anh Phúc kể: "Những bệnh nhân mắc Covid-19 đều phải cách ly với người nhà, khi bệnh nhân an thần thì không sao, còn những bệnh nhân khác sẽ có triệu chứng như hoảng loạn.
Vì thế ngoài sử dụng thuốc, tôi giúp kết nối họ với người nhà qua điện thoại để động viên chia sẻ, an ủi. Khi đó, họ sẽ có thêm tinh thần để vượt qua dịch bệnh".
Tạm gác lại thời gian dành cho gia đình, anh Phúc tập trung hết quỹ thời gian của mình tại khoa Hồi sức.
Khi làn sóng lây lan dịch bệnh đợt 1 khiến các trường học đóng cửa, vợ anh ở Hà Nội làm việc, nên đành gửi con cho bà ngoại. Mỗi khi con ốm, anh chỉ biết lo lắng hỏi han chứ không thể làm khác. Bởi vì bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân như anh cũng là F1, vì vậy thời gian đó, anh đã ở bệnh viện ròng rã 2 tháng, không được gặp mặt được gia đình.
"Nghề y trong tôi không phải là nghề dịch vụ"
Tuổi thơ của bác sĩ Phúc chứng kiến bố mình thường xuyên ốm đau. Chính vì thế, anh nhen nhóm trong lòng mình một khát khao trở thành bác sĩ.
Với niềm tin yêu nghề, anh tâm sự: "Tôi nhận thấy, có nhiều người tranh cãi về vấn đề nghề Y là nghề dịch vụ hay không phải là nghề dịch vụ. Với tôi, tôi nghĩ nghề Y không phải là nghề dịch vụ.
Nghề dịch vụ là cung cấp một sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Nhưng đối với nghề Y, đối với người làm bác sĩ, bạn sẽ không thể chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân nếu không có cái tâm làm nghề.
Đặt vào vị trí của bệnh nhân, đặt vào vị trí của người nhà bệnh nhân để biết yêu, biết thương, và biết nỗ lực để cứu sống họ mới là điều quan trọng. Tôi luôn nhắc nhở những người em, người bạn đồng nghiệp hãy làm những điều không khiến mình phải hổ thẹn với lương tâm".
"Tuổi trẻ cứ cống hiến hết sức", Anh Phúc nghĩ không biết mình còn được cống hiến bao nhiêu năm nữa bởi ngành này chọn người có sức khỏe. Dẫu biết rằng công việc của bác sĩ có nhiều khó khăn, mệt mỏi, nhưng anh luôn lấy gia đình, bệnh nhân để làm động lực cho bản thân mình.
Để có được những kiến thức chuyên môn vững vàng ở hiện tại, anh Phúc đã đưa mình vào khuôn khổ học tập ngay từ sớm. Khoảng thời gian là sinh viên trường ĐH Y Hà Nội, anh dành hầu hết quỹ thời gian của mình để học hỏi thầy cô và những anh chị đi trước. Cũng có khi anh dành thời gian tiếp xúc với bệnh nhân để trau dồi thêm kỹ năng tương tác với người bệnh.
Sau khi ra trường đi làm, anh bắt đầu chịu trách nhiệm chính trong mỗi ca bệnh. Khác hẳn so với tâm thế hồi còn đi học được các thầy, các anh chịu trách nhiệm chính, anh tâm sự: "Từ ngày xưa, tôi đã có nguồn năng lượng mạnh, nên tôi ít khi nản.
Nhớ thời học ở khoa Cấp cứu, khi bệnh nhân tử vong, cảm xúc của tôi rất thất vọng, bị hụt hẫng một thời gian dài. Tôi nghĩ mãi sao mình không thể điều trị cho họ thành công ở thời điểm đó.
Hiện tại, tôi đã biết chấp nhận khi đối diện với các ca tử vong, vẫn stress nhưng không phải là buông bỏ nghề. Mỗi khi thất bại, tôi lật lại phác đồ điều trị xem có đúng không, có phù hợp không. Nhưng đôi khi cũng phải chấp nhận vì sinh-lão-bệnh-tử và một phần mình đã cố gắng tối đa nhưng không qua khỏi".
Là một người khá khiêm tốn, anh Phúc khi biết mình trong danh sách 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu 2020 đã nói: "Tôi thật sự bất ngờ bởi tôi cảm thấy mình so với các đồng nghiệp khác vẫn chưa thật sự có nhiều thành tích. Tôi cảm thấy danh hiệu chung sẽ hợp lý hơn là danh hiệu cá nhân, chống dịch là công việc tập thể, một cá nhân không thể làm nên thành công được.
Cho nên, tôi sẽ nhận giùm đồng nghiệp của khoa Hồi sức thành quả của quá trình cố gắng vừa qua. Tôi tin, sự quan tâm của BCH Đoàn thành phố Hà Nội sẽ là động lực để chúng tôi luôn sát cánh cùng nhau vì sự sống người bệnh".
Một số thành tích ấn tượng của ThS. Bác sĩ Phạm Văn Phúc:
Là bác sĩ cách ly điều trị trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch vào khoa. Cùng với nhân viên trong khoa triển khai thành công nhiều kĩ thuật cao để điều trị cho bệnh nhân nặng như: Thở máy nâng cao, lọc máu hấp phụ phân tử (lọc Cytokines), trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) nhờ đó toàn bộ các bệnh nhân nguy kịch vào khoa đã được điều trị khỏi bệnh.
Kết quả này có ý nghĩa rất lớn góp phần hoàn thành nhiệm vụ chống dịch của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới nói riêng và toàn bộ Việt Nam nói chung.
Anh cũng là thành viên, thư ký tổ hội chẩn chuyên môn quốc gia, đã tham gia nhiều cuộc hội chẩn trực tuyến quốc gia để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng trên toàn quốc.
Bác sĩ Phúc còn tham gia các nghiên cứu khoa học về bệnh do SARS-CoV2 gây ra: tham gia nghiên cứu SARS- CoV2 của đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam.
Anh thường xuyên tham gia hoạt động đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp nhằm trang bị kiến thức cơ bản cũng như kinh nghiệm thực tế cho các đồng nghiệp ở các tuyến cơ sở.
Nguồn Dân trí