Sau 43 năm kể từ chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra (02/1979), lịch sử đã sang những trang mới. Tuy nhiên, những bài học, tấm gương, tinh thần và tuổi trẻ của những tháng năm xông pha lên đường theo tiếng gọi bảo vệ Tổ quốc mãi vẫn âm vang!
Chiều biên giới em ơi!
Đất nước đẹp vô cùng dù là ở đâu trên mảnh đất hình chữ S này, từ hải đảo xa xôi đến miền biên giới quanh năm mây giăng sương phủ. 43 năm qua kể từ ngày quân đội Trung Quốc kéo hơn 60 vạn quân tràn xuống 6 tỉnh biên giới tàn sát đồng bào đất Việt, cũng là ngần ấy thời gian ca khúc “Chiều biên giới em ơi” mãi ngân vang.
Dẫu lịch sử đã sang trang, sự tàn khốc của cuộc chiến đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng mỗi năm đến những ngày tháng 02, quá khứ bi thương nhưng hùng tráng lại ùa về trong tâm khảm triệu người dân đất Việt. Có lẽ quá khứ bi thương ấy quá đau, quá sâu khiến người ta không bao giờ quên được dù non nửa thế kỷ hay đời đời hậu sinh vẫn thế.
Cách đây 43 năm, “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào trận chiến đấu mới" - Ảnh Internet
Ngay sau khi ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” lan tỏa khắp Tổ quốc, hàng ngàn, hàng vạn thanh niên Việt Nam xung phong lên biên giới phía Bắc chiến đấu, hàng ngàn sinh viên “gác bút nghiên lên đường ra trận”, hàng trăm ông bố, bà mẹ nơi ruộng vườn lặng lẽ tiễn con đi. Có người mẹ đón con ngày trở về là chiếc ba lô và đôi dép cao su mòn gót cùng lá cờ Tổ quốc nhuộm đất chiến hào. Có ông bố thay bằng niềm hân hoan khi cuộc chiến kết thúc đón con bằng xương bằng thịt, thì quặn thắt nỗi đau ôm chiếc mũ có hình ngôi sao vàng cùng đôi dép tiền phong mà gần 4 năm trước đó ông mua cho con trai.
43 năm sau, từ những miền đất thấm máu và nước mắt của bao thế hệ ngã xuống ngày ấy giờ là đồi cọ, nương ngô xanh mướt, song dưới tầng đất đá vẫn còn hài cốt của bộ đội và người dân. Sự hi sinh anh dũng bi tráng 43 năm trước là bản hùng ca sáng mãi trong lòng người Việt về bài học chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, bất luận dù kẻ thù là ai. Chiến thắng và nỗi đau của cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 mãi mãi là bài ca không thể nào quên trên con đường xây dựng và bảo vệ quốc của một đất nước có chủ quyền.
43 năm sau - những người trẻ hăng hái xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Tuổi trẻ là những tháng năm đẹp nhất của đời người, là lứa tuổi của sự hăng say lao động, học tập và cả cống hiến. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai”, lời ca khúc như nhắc nhở thế hệ trẻ nên cảm ơn thế hệ đi trước, cảm ơn những người đã ngã xuống cho hôm qua, cho hôm nay và mai sau. Nếu lý tưởng của tuổi trẻ chỉ là học hành đỗ đạt, công việc danh tiếng thì ngoài kia bao bạn thanh niên tham gia nhập ngũ, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bao thế hệ thanh niên tạm xa phồn hoa phố thị để đi theo tiếng gọi núi sông.
Thanh niên hào hứng tham gia nghĩa vụ quân sự - Ảnh Internet
Hàng năm, cứ vào đầu xuân các địa phương lại nô nức đưa tiễn thanh niên nhập ngũ. Những bạn trẻ mới bước vào những mùa xuân của cuộc đời tham gia nhập ngũ luôn tràn ngập tinh thần phấn phởi. Gạt đi những giọt nước mắt của cha mẹ, bạn bè trong giây phút giao quân là những đoàn xe xuôi ngược về các quân khu. Tuổi trẻ với những tháng năm “ra đi để lấy cuộc đời dân làm cuộc đời mình/cơn nắng cơn mưa làm điều suy nghĩ”( Chế Lan Viên), ra đi để thấy cuộc đời cần lắm những bàn tay, khối óc và nhiệt huyết của thanh xuân vì một Việt Nam thịnh vượng.
Người trẻ ở cơ sở!
Với những bạn ở lại quê hương, có người tham gia học tập các trường đại học, cao đẳng; có bạn tham gia công tác địa phương, có người tham gia lao động đổi mới xây dựng quê nhà. Nếu ở thời chiến, các anh bộ đội cụ Hồ được coi là những “chiến sĩ” trên mặt trận chống giặc. Thì trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trong cả nước, mỗi tình nguyện viên chính là một “chiến sĩ” trên mặt trận chống dịch. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trong cuộc đấu tranh phòng, chống dịch bệnh Covid -19 đã có không ít những tấm gương tiêu biểu. Nếu như nói mỗi người dân là một “ pháo đài” trên mặt trận chống dịch thì những tình nguyện viên tham gia hoạt động phòng, chống dịch chính là những “ tiền tuyến” - là những người trực tiếp tham gia, đối mặt với những nguy hiểm, khó khăn, thử thách mà đại dịch mang đến. Họ là những con người không màng nguy hiểm, vất vả, hoạt động xuyên suốt cả ngày lẫn đêm với mong muốn chiến thắng đại dịch mang đến cuộc sống an bình cho người dân và hơn hết là cho chính gia đình, những người thân yêu của họ. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trong cuộc đấu tranh ấy đã xuất hiện không ít những tấm gương tiêu biểu của người trẻ trên mảnh đất Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
Tuổi trẻ Khuê Trung tham gia phòng chống dịch bệnh COVID 19 trên địa bàn - Ảnh Internet.
Trưởng thành từ những phong trào ở cơ sở, anh Lê Hoàng - Bí thư Đoàn phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng luôn xác định mình cần học tập và làm theo Bác ngay từ những việc làm bình thường và giản dị hằng ngày. Với suy nghĩ đó, bản thân anh đã không ngừng học tập, hoàn thiện mình. Thời gian qua, bằng nhiệt huyết và nhiệt tình, năng nổ và sáng tạo trong công tác, anh đã đưa hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu niên phường nhà đi vào nề nếp và Đoàn phường Khuê Trung luôn đạt danh hiệu xuất sắc toàn quận. Dịch Covid-19 hoành hành, cùng với chính quyền địa phương, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn thể, tuổi trẻ Khuê Trung đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong việc chung tay phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Bằng những việc làm thiết thực của thanh niên, anh đã triển khai cho các bạn trẻ tại nhiều tuyến đường trên địa bàn các khu dân cư các đoàn viên, thanh niên sử dụng xe máy cùng với các băng rôn, khẩu hiệu, áp phích và bộ loa di động có thu sẵn các nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 đi dọc các tuyến đường đến các khu dân cư và vào từng ngõ, hẻm trên địa bàn để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Những ngày Đà Nẵng chống dịch, anh ngày đêm cùng thanh niên phường nhà tham gia các điểm chốt chặn trên địa bàn, tham gia tổ truy vết và hỗ trợ tích cực trong các hoạt động xét nghiệm tại cộng đồng. Các hoạt động của Đoàn thanh niên phường đã góp phần không nhỏ trong công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của các cấp và của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến với nhân dân trên địa bàn. Qua đó đã khơi dậy được sức trẻ, thể hiện vai trò xung kích, nhiệt huyết của lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng những việc làm cụ thể, lan tỏa hình ảnh tuổi trẻ luôn tiên phong, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.
Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước!
Một năm bắt đầu từ mùa xuân, một cuộc đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Vâng, tuổi trẻ chẳng bao giờ trở lại và ai cũng có một thời tuổi trẻ. Nhiệt huyết, đam mê và cả những cống hiến của tuổi trẻ cho đời luôn làm mùa xuân xã hội thêm sinh sôi sắc màu. Với bạn tuổi trẻ có thể là những ngày ôn luyện đèn sách khoa cử, cũng có thể tuổi trẻ của bạn là những ngày tháng xông pha phong trào mùa hè xanh, dạy học cho trẻ em nghèo hay những công trình thanh niên để đời, cũng có thể tuổi trẻ của bạn là tham gia nhập ngũ, xây dựng lực lượng vũ trang sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Tuổi trẻ nào cũng đẹp và đáng nhớ, đáng tự hào nếu ta sống trọn vẹn với tuổi trẻ và trọn vẹn với những người đã nằm xuống cho hòa bình hôm nay.
Sông Yên