Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (L’Admiral Latouche Trévill), nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước (6/1911)
Đã 110 năm qua đi, nhưng ngày 05/6/1911 ấy đã, đang và vẫn sẽ là sự kiện có ý nghĩa to lớn, mở ra một trang mới tươi sáng trong lịch sử nước ta và để lại cho các thế hệ thanh niên Việt Nam nhiều bài học có giá trị và sâu sắc:
Trước hết, đó là thái độ sống tích cực, có trách nhiệm cao với nhân dân, với đất nước.
Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Tất Thành cũng như nhiều thanh niên yêu nước khác đã có thái độ sống tích cực, trách nhiệm với bản thân, đất nước ngay từ khi tuổi đời còn rất trẻ. Thái độ ấy thể hiện ở tình yêu thương nhân dân cần lao đói khổ bị chà đạp dưới ách đô hộ thực dân và phong kiến tay sai; ở lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc; ở khát khao cống hiến để đất nước thoát cảnh lầm than, nhân dân thoát cảnh nô lệ, tủi nhục. Chính thái độ sống tích cực, trách nhiệm ấy đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành nhiệt tình tham gia vào các hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp từ rất sớm: đó là những lần làm liên lạc cho cụ Hoàng Thông (một chí sĩ yêu nước dạy học ở trường Quốc học Huế những năm đầu thế kỷ 20) với phong trào Đông Du, Duy Tân khi mới 17 tuổi; đó là lần tham gia biểu tình chống thuế cùng nhân dân các tỉnh Trung Kỳ khi bước sang tuổi 18 chưa lâu; đó là những bài giảng thấm đẫm tinh thần yêu nước, khát khao giải phóng dân tộc thoát khỏi vòng nô lệ trong những năm tháng dưới mái trường Dục Thanh; đó là quyết tâm đến Sài Gòn, một mình sang Pháp và một số nước khác ở để tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc…. Tất cả cho thấy một tinh thần yêu nước nồng nàn, một khát khao giải phóng dân tộc mạnh mẽ được hun đúc bởi một thái độ sống tích cực, đầy trách nhiệm với nhân dân, với đất nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành.
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Ảnh tư liệu/hochiminh.vn
Ngày nay, đất nước không còn trong cảnh nô lệ, lầm than như thời Nguyễn Tất Thành sống mà đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành một đất nước ngày càng thịnh vượng và hạnh phúc theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện được mục tiêu ấy, đòi hỏi mỗi cán bộ, mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phải luôn nung nấu khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh, đời sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Muốn vậy, thế hệ trẻ ngày nay cần phải phát huy hơn nữa tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, ý thức trách nhiệm cao với các công việc chung của đất nước, của xã hội cũng như trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng và duy trì lối sống có trách nhiệm “mình vì mọi người” trước khi nghĩ đến “mọi người vì mình”.
Thứ hai, đó là tinh thần quyết tâm hành động khi đã xác định được mục tiêu đúng đắn.
Ra nước ngoài để tìm hiểu thực tiễn của chính đất nước Pháp và một số nước khác, qua đó tìm con đường giúp nước mình; suy nghĩ tưởng chừng như đơn giản ấy trong người thanh niên lại chứa đựng một lòng quyết tâm mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân đã nung nấu từ rất lâu trong trái tim yêu nước nóng bỏng. Chính từ quyết tâm ấy, Nguyễn Tất Thành đã dành tuổi trẻ, tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người, vượt qua khó khăn cực khổ để hướng tới một mục tiêu duy nhất dù biết rằng quá trình hoàn thành mục tiêu ấy rất lâu dài và còn nhiều khó khăn đang chờ đón ở phía trước. Đó là mục tiêu đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho đồng bào ở đất nước của anh.
Thế hệ trẻ chúng ta học được ở đây bài học có giá trị to lớn về sự kiên định theo đuổi mục tiêu và con đường đã lựa chọn. Mục tiêu ấy, con đường ấy trước đây là sự dấn thân vào cuộc cách mạng toàn dân nhằm giải phóng dân tộc và đấu tranh thống nhất đất nước bằng tất cả sức trẻ, thì ngày nay mục tiêu của tuổi trẻ phải là không ngừng học tập, làm chủ tri thức, sẵn sàng cống hiến sức trẻ, sự nhiệt huyết, như lời dạy của Bác: Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt thành công.
Thứ ba, mạnh dạn tìm ra những lối đi mới vì sự phát triển chung.
Nguyễn Tất Thành tìm đường sang nước Pháp và các nước phương Tây không chỉ bởi muốn tìm hiểu những “bí ẩn” đằng sau những khẩu hiệu về tự do, bình đẳng, bác ái mà thực dân Pháp luôn rêu rao trong quá trình cai trị Việt Nam; không chỉ muốn tìm hiểu thêm những trào lưu tư tưởng mới mà còn bởi Nguyễn Tất Thành đã nhìn thấy những hạn chế của các phong trào đấu tranh theo các khuynh hướng yêu nước trước đó. Thế nên anh đã có sự sáng tạo, chọn con đường đi mới, đó là sang nước Pháp và các nước phương Tây để tìm con đường cứu nước, cứu dân.
Ngày nay, tinh thần dám đổi mới, sáng tạo đó vẫn rất cần thiết cho đất nước, đặc biệt là cho thế hệ trẻ bởi đây là những chủ nhân tương lai của đất nước; là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là trung tâm trong chiến lược phát triển toàn diện nguồn nhân lực chất lượng cao. Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu đòi hỏi thế hệ trẻ không chỉ có nhiệt tình cách mạng, không chỉ cần nhanh nhạy mà còn phải luôn luôn đổi mới sáng tạo, tìm ra các cách thức mới, con đường mới, phương pháp mới phục vụ cho sự phát triển chung, đưa đất nước nhanh chóng sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn.
Năm xưa, Nguyễn Tất Thành chịu cảnh tủi nhục, đau đớn khi nước mất nhà tan mà quyết tâm ra đi tìm được con đường cứu nước đúng đắn mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, mặc dù đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu, vị thế trên trường quốc tế ngày càng được củng cố và nâng cao nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm lực của đất nước. Các nguy cơ đối với cách mạng nước ta đã được Đảng chỉ ra vẫn còn hiện hữu. Chính vì vậy, để thực hiện mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra quyết tâm đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 1945; đòi hỏi sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Trong đó, nòng cốt phải là thế hệ trẻ với tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, vượt mọi khó khăn thử thách như tinh thần của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc năm xưa.
Hà Sơn