“Tảng đá nặng” đè lên vai người trẻ
Nguyễn Khánh Huyền (học sinh trường THPT Trần Phú, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, Huyền đã từng trải qua khoảng thời gian vô cùng áp lực khi phải đối mặt với kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10: “Mình học đến 1h - 2h sáng và phải từ bỏ hết những sở thích như xem phim, nghe nhạc, chơi game. Những câu hỏi, sự nghi vấn từ bố mẹ đè nặng lên tâm lý mình”.
"Đôi khi, chính những lời hỏi han, quan tâm của bố mẹ lại khiến mình thêm cáu gắt, muốn trốn tránh", Khánh Huyền tâm sự. |
Sự áp lực đôi khi không chỉ gói gọn trong một khía cạnh nói trên mà nó còn đến từ việc định hướng ngành học, xác định mục tiêu tương lai. Không ít bạn trẻ cảm thấy mông lung khi mãi loay hoay không tìm ra ngành học phù hợp. Có người hụt hẫng, chông chênh khi tuột mất cơ hội theo đuổi con đường mơ ước. Chia sẻ về điều này, Phạm Xuân Thứ (19 tuổi) bộc bạch: “Mình may mắn khi gia đình không tạo áp lực về việc học cho mình nhưng bản thân mình lại tự tạo áp lực. Mình đã từng rất căng thẳng khi không thể theo đuổi ước mơ, ngành học mà mình mong muốn và điều ấy đã từng khiến cho mình cảm thấy mơ hồ và lạc lõng trong chính những suy nghĩ của bản thân về tương lai sau này”.
Chữ “bình” là bài học Xuân Thứ rút ra sau nhiều vấp ngã. |
Sự áp lực lại càng không đơn giản khi giờ đây còn được định nghĩa theo một tên gọi “tưởng lạ mà quen” - áp lực đồng trang lứa. Từng là học sinh Giỏi quốc gia, được xét tuyển thẳng đại học, Đào Anh Tuấn (trường ĐH Kinh tế Quốc dân) thổ lộ về những áp lực đằng sau danh hiệu “con nhà người ta”: “Mình vốn học khối C, không học nhiều Toán và tiếng Anh nhưng giờ lại học trường Kinh tế và sử dụng nhiều tiếng Anh. Điều gì đến rồi sẽ đến, mình thấy rất áp lực. Tâm lý mình luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng và cảm thấy nặng nề, vì mình không bằng được các bạn, mình không có chứng chỉ IELTS, mình không biết làm Toán… Nó ảnh hưởng đến sức khỏe của mình vì mình thức đêm để “cày” học, mình đã chọn con đường này thì mình phải tự cố gắng gấp 10, gấp 100 lần chứ không có đường lui”.
“Và mình chỉ còn cách học, học, học và học để có thể bắt kịp được bạn bè, môi trường mới", Anh Tuấn chia sẻ. |
Những áp lực người trẻ không chỉ dừng lại ở đó. Nó còn là sự kỳ vọng của gia đình, người thân, vấn đề kinh tế khi phải chi trả học phí, sinh hoạt, vô số khoản phí lớn nhỏ khác để theo đuổi con đường học tập.
Biến áp lực thành nỗ lực
Nhiều bạn trẻ mang suy nghĩ tích cực áp lực là một phần cuộc sống. Quan trọng, khi đối diện với áp lực, người trẻ tìm được hướng giải quyết phù hợp, vực dậy tinh thần và tiếp tục cố gắng. Minh Hiếu (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ cách hay ho để bản thân vượt qua áp lực: “Mình chọn cách đọc những cuốn sách hay, nằm nghe list nhạc mà mình yêu thích, hoặc thậm chí là xách xe lượn lờ nơi mình thích đến, miễn là bản thân cảm thấy thoải mái để trút bỏ những nặng nề trong lòng. Hãy cố gắng giữ cho mình tâm lý thật lạc quan, hãy luôn nghĩ rằng “mình sẽ vượt qua được”, đó là “Luật hấp dẫn” mà mình đang áp dụng lên chính cuộc sống”.
Tâm lý thoải mái, tinh thần lạc quan giúp Minh Hiếu vượt qua áp lực, khủng hoảng. |
Khi gặp khó khăn, hãy chia sẻ, kiếm tìm sự đồng điệu từ những người đáng tin cậy. Khánh Huyền chọn cách chia sẻ thẳng thắn với bố mẹ, còn Anh Tuấn cần điểm tựa từ bạn bè, người thân: “Hãy nghĩ về cuộc sống xung quanh với gia đình, bạn bè và những thứ mình đã đạt được trong quá khứ. Dành thời gian lắng nghe, thấu hiểu những lời khuyên từ những người thân xung quanh, biết đâu bạn lại tìm ra được một điều gì mới!”, Anh Tuấn tâm sự,
Và điều quan trọng nhất vẫn nằm ở chính nội tại mỗi người. “Khi gặp chuyện, rất khó để có thể bình tĩnh nhưng chúng ta không nên quyết định bất cứ điều gì trong khi nóng nảy, nôn nóng. Mọi chuyện rồi sẽ qua. Cuộc sống không chỉ dệt nên bằng mỗi “màu hồng”, hãy học cho mình được chữ "bình" trước mọi biến cố có thể xảy đến”, Xuân Thứ tâm đắc chia sẻ.
Dưới góc độ là người tiếp nhận trực tiếp nhận nhiều những chia sẻ của bạn trẻ hằng ngày, BS Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện ĐH Y Dược TP. HCM nhìn nhận, không phải bạn trẻ nào cũng dám nói lên tâm sự của mình khi bị trầm cảm. “Chúng tôi thường gặp bạn trẻ có những biểu hiện tâm lý căng thẳng và ai cũng có lúc bị stress. Dịch COVID-19 cộng với việc học hành căng thẳng khiến ngày càng nhiều bạn rơi vào tình trạng trầm cảm. Bản thân người trẻ cũng chưa nhận thức đầy đủ về sức khỏe tâm thần nên chưa tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhiều kênh khác nhau. Các bạn cũng cần chủ động kết nối để tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua nhà trường, thầy cô, bạn bè và gia đình... Bên cạnh đó, việc tự nâng cao các kỹ năng trong cuộc sống và học tập cũng rất quan trọng đối với mỗi bạn trẻ”, BS Nguyễn Minh Mẫn nhấn mạnh.
Nguồn Sinh viên Việt Nam