Để có những thông tin, hình ảnh, cảnh quay chân thực về tình hình dịch Covid-19, những người làm báo đã trực tiếp đi vào “tâm dịch”, đến những khu cách ly, bệnh viện dã chiến vùng dịch đang hoành hành. Mỗi tác phẩm báo chí thông tin về Covid-19 không chỉ góp phần thay đổi nhận thức, giúp công chúng nhận biết và biết cách phòng chống dịch bệnh, mà còn lan toả những hành động sẻ chia trong công tác phòng. chống dịch.
Không ngừng thông tin về những tấm gương điển hình trong phong trào tình nguyện, báo chí còn góp phần làm cho những hành động ý nghĩa có thể lan toả khắp nơi, để công chúng có thêm niềm tin cùng chung tay đẩy lùi Covid-19.
Từ nguồn thông tin của báo chí đã xuất hiện những “Cây ATM gạo, khẩu trang cho những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch” như chia sẻ của anh Hoàng Tuấn Anh – đại diện đơn vị sáng tạo sản phẩm: “Vì dịch bệnh mà các bên muốn phát gạo gặp nhiều trở ngại. Chúng tôi sử dụng công nghệ mà công ty đang có sẵn để làm máy ATM gạo, giải bài toán người phát gạo và người nhận gạo không phải tiếp xúc trực tiếp với nhau. Phát được 1 triệu lượt người nhận gạo, với số lượng tương đương 3.000 tấn gạo”.
Từ những thông tin chính xác, công khai trên các loại hình báo chí khác nhau, ai cũng có thể nhận thấy sự khốc liệt của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 và có thể hiểu về các nguy cơ của dịch bệnh, từ đó chung sức đồng lòng phòng chống đại dịch, nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - nhấn mạnh: “Tinh thần đại đoàn kết dân tộc giúp cho đất nước ta vượt qua mọi khó khăn thử thách. Thử thách vừa qua đối với đại dịch Covid-19 là một minh chứng rất sinh động. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhất là lần thứ 4, toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đồng lòng chung sức phòng, chống dịch bệnh với tinh thần chống dịch như chống giặc. Đại đoàn kết dân tộc là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là một tài sản vô giá. Do vậy, trong bất cứ mọi hoàn cảnh, tình huống nào chúng ta cũng phải chăm lo giữ gìn, hun đúc truyền thống tốt đẹp này để phát huy và lưu truyền lại cho con cháu chúng ta. Hãy coi đây là một niềm vinh dự, hạnh phúc để mình được tham gia cống hiến và phục vụ cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Báo chí đã góp phần phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, trở thành một lực lượng xung kích trên “mặt trận” phòng, chống dịch Covid-19. Nhà báo Kim Xuân, phóng viên theo dõi mảng y tế, Ban Thời sự VTV trong suốt thời gian qua đã cùng ekip quay phim ra - vào không biết bao nhiêu lần phòng áp lực âm điều trị những ca bệnh dương tính, hoặc đi vào “tâm dịch” ghi những thước phim “ám ảnh”.
“Chúng tôi tự hào vì đã ghi lại được khoảnh khắc đó. Chúng tôi lo lắng không biết những người đi về có ai mắc bệnh không, khi tác nghiệp đều bảo nhau là nhớ đứng cách xa 2m, nhưng rồi tất cả mọi người đều lao vài làm thôi. Tất cả chỉ với mục đích đưa thông tin đến mọi người”, nhà báo Kim Xuân nói.
Có lẽ, đến giờ, không mấy ai nhớ được ngày bắt đầu thông tin về đại dịch Covid-19 lại xa đến vậy? Năm đó, phóng viên theo dõi mảng y tế của Đài Tiếng nói Việt Nam đã đón Tết tại cơ quan, bởi ca nhiễm bệnh đầu tiên ở nước ta vào ngày 23/1/2020, khi mà cả nước đang rộn ràng chuẩn bị cho Tết đoàn viên. Các nhà báo theo dõi mảng y tế đã lao vào “cuộc chiến” chống dịch trên mặt trận truyền thông suốt gần 2 năm qua và chỉ mong “công việc” này có thể kết thúc, đồng nghĩa với việc không còn dịch Covid-19.
Tết Nguyên đán năm 2020 đã đi vào “lịch sử” khi học sinh, sinh viên có kỳ nghỉ Tết kéo dài tới 80 ngày, nhưng những phóng viên, nhà báo phải thường xuyên đi vào điểm nóng, thì chưa có một ngày nghỉ nào từ tháng 1/2020 đến nay. Bởi, Covid-19 cứ cuốn hết mọi thời gian nghỉ ngơi, dù là sáng, tối hay ngày nghỉ, thì chỉ có ở cơ quan, đi vào tâm dịch để có thể cập nhật thông tin, viết bài, hay ghi âm, quay clip đăng trên trang web của đơn vị.
Nhà báo Chu Thúy Ngà - Ban Thời sự VOV cho biết: “Khi tác nghiệp đến hiện trường là chúng tôi nối cầu hoặc ghi lại hình ảnh để thính giả ngoài việc nghe được thông tin của chúng tôi có thể xem được nữa. Báo điện tử cũng đồng thời sử dụng được hình ảnh và bài viết của chúng tôi một cách nhanh nhất. Nhiều khi cảm giác những ngày tháng ấy chạy theo thông tin, 1 ngày làm sao lúc nào cũng cần những thông tin mới nhất, sớm nhất, kịp thời nhất cho bạn nghe đài”.
Qua những hình ảnh, âm thanh, những clip chân thật đó, công chúng càng hiểu thêm sự vất vả của các lực lượng tuyến đầu. khi số lượng các ca Covid-19 tăng cao, gây nên sự quá tải cho hệ thống y tế, có thể khiến số ca bệnh nặng nhiều hơn nếu không được chữa trị kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá những chia sẻ, giúp đỡ của lực lượng tuyến đầu chống dịch trong những ngày cam go vô cùng đáng quý, với sự có mặt kịp thời của những phóng viên, nhà báo không chỉ đưa tin chân thực, mà còn tích cực phản bác các thông tin xấu độc tràn lan trên mạng xã hội.
“Ngoài nhiệm vụ đưa tin, chọn lựa tin để đưa là đã khó rồi, nhất là trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng chứ không phải bình thường. Trong lúc đó, còn phải lo phản bác thông tin giả, xấu độc nhưng các đồng chí vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Sau trận đánh, sau một chiến dịch, sau cơn đại dịch là chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm, chúng ta lớn thêm lên, trưởng thành, bản lĩnh hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn để chuẩn bị cho nhiệm vụ, sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân tốt hơn nữa”, ông Nguyễn Văn Nên nói.
Các tác phẩm báo chí đã phản ánh kịp thời và đậm nét nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế như nhận định của ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: “Những khó khăn của đất nước như đại dịch Covid 19, lũ lụt… có tác động trực tiếp đến báo chí. Tác động trực tiếp đầu tiên đáng mừng, đó là báo chí của chúng ta tiếp tục thể hiện tinh thần tiên phong trên những mặt trận gian khổ nhưng khó khăn, mà ở đó đòi hỏi sự có mặt trực tiếp của các nhà báo như mặt trận chống đại dịch Covid-19, mặt trận chống lũ lụt rất khốc liệt ở miền trung, mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… Đó là những mặt trận đòi hỏi tinh thần dấn thân, quả cảm, thể hiện rất sáng ngời”./.
Mai Hạnh/VOV1