Đó cũng là chia sẻ của rất nhiều người khi được trải nghiệm bay dù lượn trên núi Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Môn thể thao mạo hiểm mới được đưa vào khai thác mấy tháng trời như thỏi nam châm hút người dân và du khách đến thành phố đầu biển cuối sông.
Trải nghiệm tung cánh
Chơi dù lượn hẳn nhiên phải chọn những ngày nắng ráo, trời xanh trong. Còn phải tính toán kỹ cả hướng gió, cấp gió. Ở Đà Nẵng, dù bay được khi có gió Nam. Dân chơi dù chuyên nghiệp xem hướng gió bằng app (ứng dụng) trên điện thoại hoặc nhìn cờ gió trên bãi xuất phát. Có những ngày hè trời trong veo, nhưng gió chệch đi một chút là không bay được.
Tung cánh trên đỉnh Sơn Trà |
Giữa buổi sáng, đoàn khách theo chân nhóm phi công hướng thẳng lên đỉnh Bàn Cờ trên núi Sơn Trà. Tới bãi xuất phát, họ được giới thiệu về dù lượn và hướng dẫn cách bay, trang bị mũ bảo hiểm, áo phao, dù phụ, bộ đàm, bộ sơ cứu vết thương…. Tất nhiên sẽ có một phi công bay kèm. Khi đã đảm bảo an toàn, mọi người bắt đầu xuất phát. Những bước chạy của phi công và người chơi lôi chiếc dù đang nằm oặt bất động phía sau tự bật dậy rồi bung căng lên. Chạy chừng mấy chục mét thì ra tới mép vực. Lúc này chỉ cần co nhẹ chân cho người trôi xuống, rồi hai chân buông thõng giữa không trung. Cánh dù gánh toàn bộ trọng lượng của hai con người bị ghì xuống một chút, bắt đầu cuộc hành trình. Chị Hà vẫn nguyên cảm giác: “Thật sự có hơi run vì chân không chạm đất. Chẳng biết cái dù có neo nổi mình không, phía dưới lại là núi, biển, ớn quá đi chứ. Nhưng bay ra được một đoạn, thấy dù bay êm, gió “hiền”, mình được “treo” cùng phi công an toàn nên quên mất nỗi sợ sệt”.
“Ở Đà Nẵng có một lợi thế nữa là dù bay ngay trước mắt du khách. Họ ra biển tắm, đi lên núi chơi thấy ngay dù giữa trời. Đã thấy thì tò mò và muốn thử. Có thể nói không cần giới thiệu, quảng bá nhiều khách cũng biết và tìm đến”.
Nguyễn Đức Hoàng (CLB Dù lượn - Hàng không Lam Hồng)
Chiếc dù no gió đưa du khách dạo chơi trên đầu núi, khám phá nét đẹp tự nhiên của hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà ở độ cao hơn 600m. Rồi từ từ lượn ra phía bờ biển, thưởng ngoạn mặt nước mênh mông vô bờ bến. Trên bãi Thọ Quang, cả trăm chiếc thúng, thuyền của ngư dân nhìn từ trên cao như những nét chấm phá giữa bức tranh phong cảnh hữu tình. Phía bên kia là thành phố năng động, những toà nhà cao vút vươn thẳng giữa trời.
Loại hình thể thao mạo hiểm này hút rất đông khách nữ |
Phi công càng chuyên nghiệp càng đem lại cảm giác tuyệt vời cho người chơi. Họ điều hướng dù thành thạo và trình diễn các kỹ năng chao lượn. Nhưng việc trình diễn này phải được sự đồng ý của khách, bởi xoay tròn giữa không trung dễ đem lại cảm giác chóng mặt. Thời gian bay từ núi cho đến khi đáp xuống bãi biển Thọ Quang khoảng 15 phút. “Chừng đó thời gian bay giữa không trung, hít thở khí trời, nghe tiếng gió, “tắm” mình giữa nắng tuyệt vời lắm. Mình như một chú chim, dang tay như đôi cánh chao lượn, nhìn ngắm trực tiếp cảnh vật. Có một khoảnh khắc tôi đã ứa nước mắt khi bay trên biển bạc núi xanh. Lúc đó chỉ muốn thốt lên vì tự hào khi được sống ở đất nước có cảnh đẹp thế này. Lòng bỗng thấy yêu quê hương đến lạ”, anh Nguyễn Hoàng Nam (du khách đến từ Nghệ An) nói.
Mỗi ngày có hai thời điểm bay là buổi sáng và chiều. Lúc đó thời tiết, hướng gió đều phù hợp. Cũng có người muốn bay muộn một chút để ngắm nhìn cảnh quan huyền ảo, lung linh hơn.
Hút khách nữ, đầy tiềm năng
Sơn Trà được đánh giá là điểm bay đẹp, cảnh quan hài hòa |
Từ tháng 5 năm nay, Đà Nẵng cấp phép hoạt động loại hình thể thao mạo hiểm bay dù lượn trên núi Sơn Trà. Đúng thời điểm bước vào mùa du lịch nên du khách khắp nơi đổ về trải nghiệm, không chỉ khách trong nước mà còn đông đảo khách quốc tế.
Anh Lưu Hồng Lâm, Giám đốc công ty Lữ Hành Tâm Phát (đơn vị cung cấp dịch vụ dù lượn) cho hay những ngày cao điểm các phi công phục vụ hàng chục khách, nhiều hôm không dám nhận thêm nữa vì quá tải. Khách muốn trải nghiệm thường đặt trước, cũng có khách đang dạo chơi thấy dù lượn trên bầu trời nên nổi hứng tức thời. Riêng kỳ nghỉ lễ 2/9, trước đó cả tháng khách đã book lịch bay dù, có cả khách từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines… Đáng nói, phần lớn là khách nữ.
Ông Nguyễn Văn Tiến Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dù lượn miền Trung cũng chia sẻ rằng khá bất ngờ khi 80% khách liên hệ bay dù là phái yếu. Họ thích khám phá, thử thách chút mạo hiểm và hơn hết, mỗi chuyến bay cho họ những bức ảnh, clip sinh động quay bằng Flycam, Go Pro… Anh Toàn bảo, dù lượn với nhiều người chỉ chơi một lần cho biết, nhưng cũng có người “nghiện”. Tuy bay cùng một điểm nhưng mỗi lần bay luôn đem lại cho họ cảm xúc khác nhau nên họ không chán, bay đi bay lại mấy lần. Có một số khách thường xuyên đến Đà Nẵng công tác, mỗi lần đến đều điện đặt trước để bay trên Sơn Trà.
Dịp cuối tháng 7, Đà Nẵng tổ chức giải dù lượn “Bay trên Tiên Sa”, hội tụ 120 phi công trên cả nước. Những phi công từng bung dù ở hồ Tà Đùng (Đăk Nông), Mù Cang Chải (Yên Bái), Mường Lay (Điện Biên), Chư Đăng Ya (Gia Lai)… trầm trồ với điểm bay Sơn Trà. Anh Nguyễn Đức Hoàng (CLB Dù lượn - Hàng không Lam Hồng) ấn tượng bởi cảnh quan ở đây, núi biển gần kề, bãi cát rộng dài thuận lợi cho việc hạ cánh. Đặc biệt, điểm xuất phát nằm trên núi cao nhưng có thể đi xe lên đến tận nơi. Trong khi những điểm khác phải cuốc bộ, leo núi... Nhiều dân chơi dù lượn khác cũng đồng tình rằng Đà Nẵng có quá nhiều ưu thế và tiềm năng để phát triển môn thể thao dù lượn. Từ đường sá, bãi xuất phát, bãi đáp, cảnh quan cho đến thị trường khách.
Chi phí mỗi lần bay dù lượn trên Sơn Trà dao động trên dưới 2 triệu đồng. Theo BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, bay dù lượn là loại hình thể thao mạo hiểm, phù hợp với những người đam mê trải nghiệm, khám phá, đặc biệt là đam mê độ cao. Người chơi dù lượn cần có sức khỏe tốt, không có bệnh lý tim mạch. Trẻ em phải từ 4 tuổi hoặc 25kg trở lên có thể bay được. Các đơn vị cung cấp dịch vụ dù lượn bắt buộc khách bay cùng phi công, không cho khách bay một mình.
Nguồn Tiền phong