Giảm rủi ro lây nhiễm, tăng tiện ích chăm sóc sức khỏe
Medtech 4.0 - diễn đàn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số ngành y tế vừa diễn ra tại Hà Nội với hơn 1.300 lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ, chuyên gia y tế tham dự. Tại diễn đàn, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, cách mạng công nghệ 4.0 với các công nghệ như AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây... đã giúp kết nối, tích hợp các hệ thống số hóa, vật lý, sinh học giữa thế giới thực và không gian số.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, chuyển đổi số sẽ tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ các cơ quan, đơn vị ngành y. Cách thức lãnh đạo, quản lý công việc trong ngành y thời gian tới sẽ chính xác, kịp thời và hiệu quả hơn nhờ nền tảng công nghệ số. Không chỉ vậy, việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế sẽ được chuyển đổi từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số. Điều này sẽ góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi.
Chuyển đổi số trong ngành y còn tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, từ đó hình thành nên người thầy thuốc số.
“Trong đại dịch Covid-19, nhờ việc hội chẩn, điều trị online, bệnh nhân là một phi công nước ngoài tưởng không qua khỏi nhưng đã trở lại được cuộc sống bình thường. Từ đại dịch này, chúng ta đã học được cách làm việc online trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt là việc áp dụng công nghệ số để chẩn đoán, tư vấn và điều trị từ xa. Nhờ hệ thống telemedicine này mà các bệnh nhân ở những quần đảo ngoài xa cũng có thể được cấp cứu kịp thời”, GS.TS Nguyễn Văn Kính chia sẻ.
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế cho biết, chuyển đổi số đã hiện diện trong các bệnh viện tại Việt Nam. Trước đây, khi bác sĩ muốn khám cho bệnh nhân, người bệnh phải đến cơ sở y tế để bác sĩ trực tiếp “sờ, nhìn, gõ, nghe”, giờ đây, với chuyển đổi số, bác sĩ có thể khám, chẩn đoán cho bệnh nhân từ xa. Trong nhiều trường hợp, nếu không dựa vào công nghệ số và việc chẩn đoán từ xa, chắc chắn người bệnh sẽ không thể được cứu chữa. Đây là ví dụ cho thấy rõ nhất công nghệ số và chuyển đổi số đã giúp biến nhiều điều không thể thành có thể.
Thúc đẩy chuyển đổi số tại các bệnh viện
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, ở một số nước, mỗi người chỉ có một tấm thẻ, vừa là căn cước công dân, vừa là thẻ khám chữa bệnh lại vừa là thẻ ngân hàng... Trong khi đó tại Việt Nam, mỗi người có hàng chục cái thẻ khác nhau. Việt Nam phải tiến tới “gắn” những chiếc thẻ đó lại được với nhau, kết hợp căn cước công dân, bảo hiểm y tế, để người dân tới bệnh viện không cần dùng giấy và thanh toán không dùng tiền mặt.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trường Nam cho hay, sắp tới chúng ta sẽ thường xuyên đề cập đến khái niệm “bệnh viện 3 không”: Không giấy tờ, không xếp hàng, không thanh toán bằng tiền mặt. Ngành y tế sẽ đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa để người dân không đến bệnh viện mà vẫn có thể tiếp cận được dịch vụ y tế thông qua công nghệ số. Như vậy sẽ giúp chúng ta chủ động trong chăm sóc sức khỏe người dân. Đây là định hướng chuyển đổi số ngành y tế trong giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Trường Nam khẳng định, để chuyển đổi số thành công, cần chuyển đổi về nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin, tăng cường phát triển nguồn lực để công tác chuyển đổi số được hiệu quả và đúng với quy định. Chuyển đổi số bệnh viện đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Từ đó, ông Nguyễn Trường Nam đã đưa ra các định hướng chuyển đổi số trong bệnh viện gồm: Hình thành bệnh viện không giấy, sử dụng bệnh án điện tử, phim số, đơn thuốc điện tử, sổ sức khỏe điện tử, đẩy mạnh y tế từ xa, ứng dụng công nghệ số AI, Big Data, IoT...
Từ góc độ nhà cung cấp giải pháp, ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công nghệ (CTO), FPT IS khẳng định, chuyển đổi số bệnh viện phải lấy bệnh nhân làm trung tâm. Mục tiêu của chuyển đổi số là giúp người bệnh được chăm sóc ngay từ khi ở nhà, cảm thấy được yêu thương, quan tâm, được hưởng dịch vụ tốt giống như họ đang đến khách sạn hay đi máy bay. Việc ứng dụng các công nghệ 4.0, đến nay, nhờ vào các công nghệ như AI tự nhận dạng, hỗ trợ bác sĩ phát hiện bất thường trong bệnh án điện tử, Chatbot trả lời tự động... giải pháp y tế của FPT IS không chỉ tạo thuận lợi cho công tác vận hành, quản lý bệnh viện, mà còn góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Minh họa cho hoạt động chuyển đổi ngành y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại Hải Phòng hiện đã có 10/25 bệnh viện triển khai kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa để hội chẩn, đào tạo với các bệnh viện tuyến Trung ương, 24/25 cơ sở phối hợp với các ngân hàng triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. 100% các bệnh viện đã áp dụng phần mềm quản lý bệnh nhân điều trị nội trú, ngoại trú, quản lý cận lâm sàng, quản lý dược và vật tư y tế, thanh toán viện phí áp dụng in hóa đơn điện tử, kê đơn thuốc điện tử ngoại trú, nội trú... 102 trạm y tế đã triển khai phần mềm quản lý y tế cơ sở phục vụ công tác quản lý khám chữa bệnh tại đơn vị, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế…
Tại tỉnh Thái Nguyên, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh có hệ thống phần mềm quản lý và một số đơn vị triển khai hệ thống LIS, PACS; 100% trạm y tế sử dụng phần mềm quản lý; 100% nhà thuốc đã kết nối liên thông với hệ thống “Cơ sở dữ liệu dược Quốc gia”... Nhiều địa phương khác cũng đang xây dựng và triển khai các đề án chuyển đổi số trong ngành y tế, để hướng tới chuyển đổi ngành một cách toàn diện, đồng bộ.
Theo Khoa học và Đời sống