Tên sách: Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng
Tác Giả: Fareed Zakaria
Năm Xuất Bản: 2018
Số Trang: 219
Nhà Xuất bản: NXB Hồng Đức
Giáo dục khai phóng là một lĩnh vực rộng, bao gồm những môn học không phải thuần kỹ thuật, hay khoa học... Nó nhằm đào tạo con người toàn diện, phát triển nhiều khả năng, tạo nền tri thức rộng, tạo ý thức lịch sử, nhân loại, để làm công dân, làm người văn hóa, hơn là một chuyên gia trong một lĩnh vực chuyên môn. Theo John Stuart Mill: “ĐH không phải là chỗ của giáo dục nghề nghiệp. Mục tiêu của giáo dục ĐH không phải tạo ra các luật gia, bác sĩ hay kỹ sư có kỹ năng, mà tạo ra những con người có năng lực (tư duy) và có văn hóa”. Hay nhà giáo dục Pestalozzi cũng từng cho rằng: “Mục đích của giáo dục và giảng dạy không khác gì hơn là sự phát triển hài hòa của những năng lực và sức mạnh trong bản chất con người”.
Tác giả Fareed Zakaria lo lắng trong một thời đại mang tính công nghiệp và toàn cầu hóa, mọi người ai cũng bàn về việc học kỹ năng, suy nghĩ thực dụng các kỹ năng đáp ứng tại nơi làm việc, ít ai bênh vực một nền giáo dục khai phóng cổ điển. Chính ngay trên nước Mỹ, một nền giáo dục khai phóng lại không còn được ưa chuộng. F. Zakaria đã minh chứng bằng con số sinh viên chọn các chuyên ngành như văn học, ngôn ngữ Anh và triết học giảm mạnh như: năm 1971 có 7,6% trên tổng số bằng cử nhân được cấp cho sinh viên tốt nghiệp văn học, ngôn ngữ Anh, triết học. Nhưng đến năm 2012, tỉ lệ này chỉ còn 3% trong khi cử nhân chuyên ngành tăng trong cùng thời gian là 13,7% lên 20,5%. Và, tại Ấn Độ quê hương của tác giả, nơi con người có một niềm tin gần như huyền bí vào sức mạnh công nghệ, thì vào giai đoạn 1960-1970 một nền giáo dục - đào tạo kỹ năng được xem là con đường duy nhất để có một nghề nghiệp tốt.
F. Zakaria trích dẫn một bản báo cáo của trường Yale giải thích rằng cơ bản của nền giáo dục khai phóng là “không dạy cái đặc thù của bất cứ nghề nghiệp nào mà đặt nền móng chung cho tất cả mọi nghề nghiệp”. Bằng niềm tin và cổ vũ cho việc học các môn học khai phóng, tác giả đã nêu lên các “điều lợi” của nền giáo dục khai phóng. Nó không chỉ dạy cho người học cách suy nghĩ mà còn dạy bạn cách viết như thế nào và viết làm cho bạn suy nghĩ, và từ đó biết tạo ra kết nối giữa suy nghĩ và từ ngữ. Ngoài ra, nền giáo dục khai phóng dạy bạn cách nói năng, giúp bạn thể hiện chính mình. Và nó dạy bạn cách học tập - nhận định này được tác giả dùng một câu của hiệu trưởng ĐH Harvard là Drew Faust để củng cố nền giáo dục khai phóng: “Giúp người học chuẩn bị sẵn sàng cho mọi công việc thứ sau, chứ không phải công việc đầu tiên của họ”.
Cuối cùng, tác giả cũng dành một chương để “biện hộ cho tuổi trẻ ngày nay” không chọn các môn học/ngành học khai phóng vì: “Tất cả chúng ta cả già lẫn trẻ không đủ thời gian và công sức để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta không nhìn vào bên trong bản thân đủ mức độ để hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của mình và chúng ta không nhìn xung quanh, nhìn ra thế giới, nhìn vào lịch sử đủ mức độ để nêu những câu hỏi sâu sắc nhất và bao quát nhất”. Rồi F. Zakaria nêu giải pháp: “Ngay cả bây giờ, tất cả chúng ta có thể sử dụng nền giáo dục khai phóng nhiều hơn một chút để làm người lao động tốt, giúp chúng ta trở thành những người đối tác, bạn bè, cha mẹ và người công dân tốt”.
Tổng hợp từ Internet