Điều này đặt ra thách thức cho cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu trong bối cảnh nhiều quốc gia vốn được coi là hình mẫu thành công thời gian qua lại bắt đầu bước vào một hành trình chống dịch mới.
Tính đến 11h sáng nay, tổng số ca mắc Covid-19 trên thế giới là hơn 101 triệu trường hợp, với Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cả về số ca mắc và số ca tử vong, theo sau là Ấn Độ và Brazil. Virus SARS-CoV-2 tiếp tục chứng minh không một quốc gia nào có thể an toàn khi vẫn có những điểm nóng dịch khác.
Nhiều quốc gia vốn được coi là điểm sáng chống dịch lại bắt đầu chứng kiến những ca mắc mới. New Zealand vừa thông báo ca mắc mới trong cộng đồng lần đầu tiên sau hơn 2 tháng, buộc chính phủ nước này ngay lập tức đóng cửa biên giới. Hàn Quốc cũng chứng kiến số ca mắc mới tăng vọt sau ổ dịch mới bùng phát từ những cơ sở giáo dục tôn giáo, trong bối cảnh quốc gia này đang chuẩn bị thoát khỏi làn sóng dịch thứ 3.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (27/1) nhấn mạnh, đại dịch có thể kéo dài và cần phải có các biện pháp mới để ứng phó: “Chúng ta có thể thấy những công dân nước phát triển đang được tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhưng hàng triệu người không có hi vọng được bảo vệ như vậy. Dịch sẽ còn kéo dài và thế giới sẽ có "những ổ dịch không thể kiểm soát" vì khả năng lây nhiễm là không có giới hạn”.
Một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu những tuần qua chính là sự xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể tại Anh đã xuất hiện ở hơn 70 quốc gia trong khi biến thể từ Nam Phi đã lan ra hơn 30 nước.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo biến thể mới này có khả năng gây tử vong cao hơn: “Chúng tôi đã nhận được báo cáo rằng, ngoài việc lây truyền mạnh hơn, còn xuất hiện một số bằng chứng cho thấy, biến thể mới tại Anh có thể liên quan quan đến mức độ tử vong cao hơn. Điều này cũng khiến hệ thống y tế quốc gia phải chịu áp lực lớn hơn. Vì vậy, điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải luôn cảnh giác để tôn trọng các quy định, để bảo vệ hệ thống y tế quốc gia và cũng có nghĩa là bảo vệ các mạng sống”.
Giới khoa học lo ngại biến thể mới có thể làm gia tăng nguy cơ tái nhiễm cao cũng như cản trở hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19. Trấn an lo ngại của người dân, người đứng đầu Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới Mike Ryan nhấn mạnh, nếu vaccine giảm hiệu quả với biến thể mới, việc điều chỉnh bào chế vaccine cũng sẽ diễn ra nhanh chóng.
“Cho đến nay, chúng tôi không có bằng chứng nào cho thấy vaccine sẽ kém hiệu quả hơn. Nhưng điều đó có thể xảy ra. Xét trong trường hợp bệnh cúm, chúng ta đã phải thay đổi thành phần vaccine hai lần một năm và bào chế rất nhanh vaccine để chống lại các biến thể mới. Tôi tin rằng chúng ta có thể nhanh chóng thích ứng với những biến thể mới”.
Vaccine ngừa Covid-19 đang là hi vọng của người dân thế giới, nhưng tiến trình tiêm chủng vaccine tại nhiều nước vẫn “dậm chân tại chỗ”. Hầu hết các Tập đoàn dược phẩm sản xuất vaccine ngừa Covid không có bước đột phá nào trong việc đẩy nhanh tiến độ giao vaccine ngừa Covid-19. EU - khu vực đi đầu thế giới trong việc thực hiện chương trình tiêm chủng đang có nguy cơ không đáp ứng được mục tiêu khi không nhận được đủ vaccine theo kế hoạch. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, mặc dù đã có vaccine nhưng người dân vẫn cần nâng cao cảnh giác, tránh tâm lý chủ quan và các chính phủ cần tiếp tục duy trì những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong giai đoạn mấu chốt này./.
Phạm Hà/VOV1
Tổng hợp