1. Vị thế của thanh niên Việt Nam hiện nay
Thanh niên trong bất kỳ thời đại lịch sử nào cũng đóng một vị thế vô cùng quan trọng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn hồi sinh một dân tộc, trước nhất phải bắt đầu từ hồi sinh thế hệ thanh niên. Lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc ta đã khẳng định vị thế, vai trò của thanh niên, từ Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Quốc Toản... đến Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong... trong các cuộc đấu tranh giành quyền độc lập cho dân tộc và những thanh niên tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Các lớp thế hệ thanh niên ấy đã cống hiến cuộc đời, sự nghiệp, hi sinh cả xương máu để góp phần quan trọng cho sự phát triển và trường tồn của Tổ quốc.
Ảnh: Internet
Đánh giá về cống hiến của thanh niên đối với lịch sử đất nước, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thanh niên nước ta, hết thế hệ này đến thế hệ khác đã luôn luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, sẵn sàng dấn thân, hăng hái xông pha đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Từ khi có Đảng lãnh đạo, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đánh đuổi các thế lực thực dân, phong kiến, đế quốc, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước.”[1]
Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và đánh giá cao vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích, quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Vì vậy, Giới trẻ cần phải được giáo dục và nhận thức được vị thế, trách nhiệm của bản thân với chính mình, quốc gia và thời đại.
2. Biểu hiện “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” trong một bộ phận thanh niên Việt Nam hiện nay
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng; có biểu hiện xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Dù chỉ là một bộ phận nhỏ, nhưng những biểu hiện đó rất cần được quan tâm để khắc phục, nếu không, nó sẽ là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” với rất nhiều hệ luỵ cho thế hệ tương lai”[2]. Hay đó chính là những biểu hiện của “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” trong một bộ phận thanh niên đã được chỉ ra từ trong Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa XII. Ảnh Internet
“Nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”, có thể hiểu giản tiện là sự không mặn mà phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, không cảm nhận được niềm vinh dự, tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng – tổ chức của những người tiên phong đấu tranh cho lợi ích của giai cấp, dân tộc; là mơ hồ, lệch lạc trong nhận thức vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thiếu niềm tin vào các cấp bộ Đoàn và ngại tham gia sinh hoạt Đoàn; là thái độ sống thờ ơ, bàng quan trước những vấn đề chung của dân tộc.
Thứ nhất, “nhạt Đảng”: Hiện nay, đông đảo đoàn viên, thanh niên luôn nỗ lực rèn luyện, tu dưỡng để phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ đoàn viên, thanh niên lại không có sự tha thiết vào Đảng. Họ là những người bàng quan với các vấn đề chính trị, không coi đó là những điều có liên quan và ảnh hưởng đến bản thân và gia đình mình, thiếu niềm tin vào tổ chức Đoàn, coi yếu tố vật chất trên hết, thoái thác nghĩa vụ của một người công dân. Bộ phận thanh niên này thường là chưa nhận thức được giá trị của cộng đồng, vai trò lãnh đạo của Đảng, cũng như của người đảng viên nên họ không có được một động cơ đủ mạnh thúc đẩy “nhu cầu tự thân” đối với việc đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thực tế đáng lo ngại về khía cạnh cuộc sống và khía cạnh phát triển đảng viên từ các cơ sở Đoàn.
Thứ hai, “khô Đoàn” là tình trạng đoàn viên, thanh niên lười tham gia sinh hoạt Đoàn, không tích cực hưởng ứng các phong trào của các cấp bộ Đoàn phát động. Hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ thanh niên, đoàn viên không muốn tham gia vào tổ chức Đoàn, coi tổ chức đoàn chỉ là cơ quan thực hiện các phong trào bề nổi: văn hoá, văn nghệ, thể thao... không thiết thực cho công việc. Minh chứng thực tế dễ nhận thấy nhất chính là việc huy động lực lượng của Đoàn viên, thanh niên trong tham gia các ngày “Lao động cộng sản” –là hoạt động mang nhiều ý nghĩa giáo dục và giá trị cộng đồng. Đây là kênh kết nối các cá nhân thành một khối thống nhất ý chí và hành động, là diễn đàn để giáo dục ý thức, tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ với tổ chức, cộng đồng và xã hội, là phương thức để tổ chức tồn tại và phát triển, thể hiện được sức sống. Và với những cá nhân “khô Đoàn” họ sẵn sàng thoái thác trách nhiệm này. Từ “khô Đoàn” sẽ dẫn đến “nhạt Đảng”, bởi Đoàn là đội dự bị tin cậy, là nguồn cung cấp những quần chúng ưu tú để Đảng xem xét, kết nạp.
Thứ ba, “xa rời chính trị”: Ở đây giới hạn của sự “xa rời chính trị” trong thanh niên chính là thái độ bàng quan, thờ ơ, vô cảm, im lặng trước những vấn đề chính trị của đất nước, địa phương, đơn vị. Đó là tư tưởng “sao cũng được”, miễn là bản thân không bị ảnh hưởng, lợi ích cá nhân vẫn được đảm bảo, không quan tâm đến hiệu quả hoạt động của tổ chức; “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, là tư tưởng “sống lâu nhờ ngậm miệng”... Sự im lặng, không bày tỏ quan điểm, chính kiến trước các vấn đề của tổ chức, xã hội quan tâm đều là biểu hiện của trạng thái không tích cực. Bởi khi đó ranh giới giữa “đúng” và “sai”, giữa “ủng hộ” và “phản đối” đã gần như bị lu mờ. Nó trở thành một làn sóng ngược cản trở điều tốt, và như là sự “đồng ý” trước những hạn chế, khuyết điểm, thậm chí là “điều xấu”. Thực trạng này lan tràn, tấn công cả ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và trong quần chúng nhân dân.
Trong thời đại công nghệ số mọi vấn đề liên quan đến chính trị, thời sự của đất nước đều được chia sẻ gần như không giới hạn. Thanh niên trở thành chủ thể tiếp cận chính trên nền tảng mạng xã hội. Các thể lực thù địch cũng lợi dụng điều này để thực hiện các hoạt động chống phá, xuyên tạc về Đảng, Nhà nước... sự thờ ơ, vô cảm, thiếu nhạy bén chính trị trong thanh niên sẽ trở thành mảnh đất tốt cho các thế lực chống phá gieo những hạt giống độc mà được tự do phát triển.
[1] https://www.bienphong.com.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-doan-thanh-nien-cong-san-ho-chi-minh-lan-thu-xii-post457242.html
[2] https://www.bienphong.com.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-doan-thanh-nien-cong-san-ho-chi-minh-lan-thu-xii-post457242.html
Vy Cầm