Nhận được báo cáo của Quân ủy Miền về diễn biến chiến trường và thể theo nguyện vọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường, trong đó có quân và dân thành phố Sài Gòn- Gia Định, 17 giờ 50 ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị gửi Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (điện mật số 37/TK), nội dung: “Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Quyết định của Bộ Chính trị được phổ biến nhanh chóng đến các mặt trận, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, đồng thời khẳng định ý chí quyết chiến quyết thắng của các cánh quân trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Miền, các lực lượng vũ trang ta đã nổ súng trên nhiều mặt trận, đẩy lùi địch, chiếm lĩnh nhiều điểm cao, vị trí quan trọng có lợi thế chiến trường, tạo tiền đề vững chắc để thực thi toàn bộ chiến dịch.
Cuối tháng 3.1975 đồng chí Lê Đức Thọ từ miền Bắc vào Nam cùng đồng chí Phạm Hùng và đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn. (ảnh: VTC).
Việc lấy tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh xuất phát từ tình cảm, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam, mà trước hết là nhân dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đồng thời cũng thể hiện sự tri ân của dân tộc đối với vị lãnh tụ - một con người luôn dành tình cảm đặc biệt đối với vùng đất và con người Nam Bộ.
Như chúng ta đã biết, vào ngày 5-6-1911, từ bến cảng Sài Gòn Bác Hồ đã ra đi bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Từ ngày đó, Bác đã luôn hẹn có ngày trở lại Sài Gòn. Tuy nhiên điều đó Bác đã không thực hiện được.
Năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám thành công thì ngay sau đó thực dân Pháp đã quay trở lại. Từ ngày 23-9-1945, Nam Bộ đã nêu cao ngọn cờ kháng chiến cho đến khi có lệnh ngừng bắn để thi hành Hiệp định Giơnevơ. Theo Hiệp định này, cả nước ta sẽ tiến hành Tổng tuyển cử vào tháng 7-1956 để thống nhất Tổ quốc. Nhưng việc này đã không thực hiện được do Mỹ và tay sai đã cố tình phá hoại Hiệp định, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Miền Nam lại chưa được đón Bác vào thăm.
Trong những năm chiến tranh, miền Nam thành đồng Tổ quốc luôn nhận được sự quan tâm và tình cảm sâu sắc của Bác. Người luôn theo sát và cổ vũ từng bước đi của cách mạng miền Nam. Người là biểu tượng của ý chí quyết tâm và niềm tin tất thắng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Năm 1962, khi đón những người con của miền Nam anh hùng lần đầu tiên ra thăm miền Bắc, Bác nói: “Hình ảnh miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
… Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
Bác nghe từng bước trên tiền tuyến
Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa…
Vì miền Nam chưa được giải phóng, cho nên năm 1963 khi Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị tặng Bác Huân chương Sao vàng, Bác chưa nhận vì cho rằng mình chưa làm tròn trách nhiệm đối với miền Nam. Người đề nghị: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc- Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”.
Năm 1969, trả lời phỏng vấn một nhà báo nước ngoài khi hỏi về tình hình miền Nam, Bác nói: Ở miền Nam Việt Nam, mỗi người, mỗi gia đình có một nỗi đau khổ riêng, gộp lại tất cả những nỗi đau khổ riêng ấy là nỗi đau khổ của tôi. Tôi biết tôi chưa làm tròn trách nhiệm của mình đối với đồng bào miền Nam, nhưng tôi biết đồng bào miền Nam rất yêu quý tôi, cũng như tôi yêu quý đồng bào miền Nam. Những năm tháng cuối đời Bác thường tâm sự: Bác đã là người đi đến nơi nhưng về chưa đến chốn. Bác đã không kịp trở về nơi đã tiễn Bác ra đi. Đó là điều Bác ân hận nhất khi sang bên kia với “thế giới người hiền”. Và miền Nam chỉ được đón Bác trong trái tim của mỗi người.
Năm 1969, một người con từ miền Nam ra được gặp Bác trong những ngày cuối cùng, đồng chí Nguyễn Văn Linh kể lại: “Hôm sắp trút hơi thở cuối cùng, Bác mời các đồng chí trong Bộ Chính trị đến bên Bác. Lúc đó tôi là cán bộ Trung ương duy nhất ở miền Nam ra đang ở Hà Nội nên Bác đã cho kêu đến. Bác gắng sức nắm tay tôi. Bác không nói được nữa, nhưng đôi mắt và vẻ mặt của Bác đã nói được bao điều, thể hiện biết bao tình cảm sâu sắc. Tôi cảm nhận rất rõ ràng, tình cảm ấy Bác không chỉ dành cho tôi. Qua cái nắm tay cuối cùng, Bác muốn gửi gắm tình thương của Bác, lòng tin của Bác, niềm hy vọng của Bác đối với đồng bào, chiến sỹ miền Nam trước lúc Bác ra đi vĩnh viễn”.
Nhận thức rõ tình cảm của Bác Hồ đối với miền Nam và tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ là một nhân tố quan trọng đã làm nên chiến thắng trong sự nghiệp đánh thắng Pháp; và đó cũng là nhân tố sẽ dẫn đến thắng lợi của trận chiến đấu cuối cùng giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, Bộ Chính trị đã quyết định đặt tên chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn - Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Bộ Chính trị chỉ rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, có kết hợp với nổi dậy của quần chúng kết thúc chiến tranh. Đó là chiến dịch quyết chiến chiến lược lịch sử”. Một ngày sau đó, ngày 15-4-1975, trong bức điện gửi Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn-Gia Định, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị: Chiến dịch Hồ Chí Minh rất to lớn về mục đích, về quy mô cũng như về lực lượng… ta có thể có đầy đủ điều kiện và khả năng để giành toàn thắng trong thời gian ngắn với nhịp độ nhanh.
Đức Phạm