Sáng 5.4, các lực lượng bộ đội, công an, dân quân, đoàn viên thanh niên… tại các huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định đồng loạt ra quân giúp người dân gặt lúa bị đổ ngã trong đợt mưa gió bất thường vừa qua.
Ngay từ sáng sớm, đồng lúa thôn Háo Lễ (xã Phước Hưng, H.Tuy Phước, Bình Định) đã có rất đông người dân, cùng các lực lượng bộ đội, công an, dân quân, đoàn viên thanh niên… gặt lúa.
Các lực lượng giúp người dân xã Phước Hưng gặt lúa HOÀNG TRỌNG |
Hầu hết diện tích lúa trên cánh đồng này đã ngã rạp, chìm trong nước nên phải gặt thủ công rất khó khăn. Các chiến sĩ, đoàn viên thanh niên cùng chủ ruộng dùng liềm cắt từng nắm lúa bị ngã đổ trong nước, sau đó tập kết lúa lên ghe để đẩy vào bờ.
Lúa bị ngã nằm sát đất nên phải cắt thủ công rất khó khăn HOÀNG TRỌNG |
Theo ông Bùi Xuân Cơ (62 tuổi, ở thôn Háo Lễ), trong đợt mưa gió bất thường từ ngày 31.3 - 1.4, hầu hết diện tích lúa tại địa phương bị ngã, ngâm trong nước. Đến ngày 3.4, nước trên ruộng đã rút dần nhưng vì lúa ngã nằm sát mặt đất sền sệt nước nên không thể dùng máy gặt đập liên hợp, phải cắt bằng thủ công. Tuy nhiên, nhân công khan hiếm, giá lại cao nên nông dân không thể gặt được lúa.
Ông Cơ cho rằng lúa bị ngã đổ làm giảm năng suất chỉ còn một nửa HOÀNG TRỌNG |
“Nhà tôi làm 1,2 mẫu ruộng (tương đương 6.000 m2 - PV), đến thời điểm thu hoạch thì gặp mưa nên bị ngã hết, nhiều bông đã nảy mầm hoặc bị thối do ngâm nước lâu ngày. Bây giờ có gặt về thì cũng đã thiệt hại hơn một nửa rồi. Hôm 4.4, vì không thể dùng máy gặt nên tôi đi kêu công thì người ta ra giá từ 1 - 1,2 triệu đồng/sào. Nếu cắt hết ruộng nhà tôi thì cũng phải tốn ít nhất là 10 triệu đồng, rồi còn phải tốn tiền kêu người tập kết lúa lên bờ, tiền thuê máy tuốt lúa nữa. Năm nay, giá phân bón, lúa giống, nhân công tăng cao, giờ tốn thêm tiền gặt lúa nữa thì nông dân lỗ nặng. May mà có các chú bộ đội, dân quân và đoàn thanh niên cắt rồi đưa vào bờ giúp nên cũng đỡ tốn kém, lại gặt nhanh nên giảm bớt thiệt hại”, ông Cơ nói.
Lúa cắt xong được đưa lên thuyền để kéo vào bờ HOÀNG TRỌNG |
Lúa bị ngâm trong nước nhiều ngày nên phải cắt, vận chuyển từng nắm rất tốn công HOÀNG TRỌNG |
Bà Văn Thị Minh Tâm (72 tuổi, ở thôn Háo Lễ) sống đơn chiếc một mình, làm 4,5 sào ruộng (2.250 m2) và đã kêu máy gặt vào sáng 31.3. Tuy nhiên, từ ngày 30.3 đã có mưa, đến ngày 31.3 thì lúa của bà Tâm bị ngã hết, ruộng ngập nước nên không gặt được.
“Chiều 4.4, có đoàn công tác của ông Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đi thăm bà con, ai cũng than khổ vì lúa ngã bị thiệt hại nhiều lại không có người gặt. Ông bí thư có hứa là sẽ cử lực lượng giúp chúng tôi gặt lúa cho nhanh kẻo sắp tới có đợt mưa gió khác. Vậy là sáng nay có các chú bộ đội, dân quân, đoàn thanh niên đến giúp. Tôi đơn chiếc, lúa bị ngâm nước lâu hơn nên được ưu tiên cắt trước, đến trưa 5.4 đã xong, chỉ còn chờ máy tuốt đến nữa thôi”, bà Tâm nói.
Bà Tâm cho biết 4,5 sào ruộng của bà đã được bộ đội, dân quân, đoàn viên thanh niên cắt, đưa lên bờ HOÀNG TRỌNG |
Anh Nguyễn Công Ý, Bí thư Huyện đoàn Tuy Phước, cho biết đã huy động 50 đoàn viên thanh niên phối hợp cùng 50 chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự H.Tuy Phước và 50 chiến sĩ Công an huyện gặt lúa giúp người dân xã Phước Hưng. Hiện xã Phước Hưng có khoảng 80% diện tích lúa bị ngã đổ trong tổng số 686 ha trên địa bàn nhưng đến ngày 4.4, người dân cũng mới thu hoạch được 20 ha.
“Chúng tôi ưu tiên gặt lúa giúp người dân tại xã Phước Hưng vì khu vực này có lúa chín bị ngã nhiều và hiện ruộng đã rút nước. Chúng tôi sẽ đến hỗ trợ bà con tại các khu vực khác sau khi nước rút”, anh Ý nói.
Đoàn viên thanh niên H.Tuy Phước giúp dân gặt lúa HOÀNG TRỌNG |
Chị Huỳnh Thị Bích Trang, Bí thư Thị đoàn TX.Hoài Nhơn (Bình Định), cho biết Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn đã chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp ra quân gặt hết lúa bị ngã đổ cho nhân dân. Theo đó, sáng 5.4, Thị đoàn Hoài Nhơn đã thành lập 15 tổ công tác gồm các lực lượng của Ban Chỉ huy quân sự TX.Hoài Nhơn, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Đồn biên phòng Tam Quan Nam, dân quân, đoàn viên thanh niên để bố trí tại 15 xã, phường gặt lúa bị ngã đổ cho người dân.
Thị đoàn Hoài Nhơn giặt lúa giúp người dân xã Hoài Mỹ THỊ ĐOÀN HOÀI NHƠN |
“Sáng 5.4, tổ đoàn viên thanh niên của Thị đoàn Hoài Nhơn tổ chức gặt lúa giúp người dân tại các thôn Xuân Khánh, Mỹ Khánh của xã Hoài Mỹ. Khu vực này có các cánh đồng mẫu lớn nhất của thị xã. Tại các xã, phường khác, các lực lượng ưu tiên gặt lúa bị ngã đổ tại các vùng trũng, ngập nước mà người dân gặp khó khăn trong thu hoạch. Chúng tôi sẽ giúp cho đến khi người dân thu hoạch hết lúa ngã đổ mới thôi”, chị Trang nói.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, toàn tỉnh còn 20.140 ha lúa đã chín chưa kịp thu hoạch, trong đó có hơn 15.000 ha bị ngập nước, ngã đổ do đợt mưa lớn cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua.
Tỉnh Bình Định có 15.000 ha lúa bị ngã đổ cần các lực lượng hỗ trợ để thu hoạch HOÀNG TRỌNG |
Chiều 4.4, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đã đi kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại và chỉ đạo khắc phục hậu quả do thiên tai bất thường gây ra tại H.Tuy Phước. Ông Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo chính quyền địa phương nhanh chóng huy động các lực lượng như thanh niên, dân quân hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hạn chế thiệt hại và yêu cầu các địa phương lập danh sách các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để trình cấp trên xem xét có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Ngày 4.4, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cũng yêu cầu các đơn vị quân đội, công an, dân quân đoàn thanh niên… hỗ trợ nhân lực cho các địa phương, đảm bảo trong 10 ngày phải thu hoạch hết diện tích lúa chín bị ảnh hưởng bởi các đợt mưa vừa qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long yêu cầu các lực lượng quân đội, công an, dân quân, đoàn thanh niên phải giúp dân thu hoạch hết diện tích lúa bị ngã đổ HOÀNG TRỌNG |
Theo anh Nguyễn Thành Trung, Phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Định, sáng 5.4, tại hầu hết các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đều có các lực lượng của quân đội, công an, dân quân, đoàn viên thanh niên… ra quân giúp dân gặt lúa bị ngã đổ do đợt mưa gió bất thường vừa qua gây ra. Trong đó, tập trung nhiều tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và 2 thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn.
Nguồn Thanhnien.vn