Sáng nay (4/11), Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.
Mức phạt khi đăng tin giả ở Việt Nam mới chỉ bằng 1/10 các nước trong khu vực
Quan tâm đến vấn đề ngăn chặn tác hại thông tin xấu độc trên không gian mạng, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) có hai câu hỏi gửi đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng là việc không dễ dàng xử lý. Xử lý trường hợp đưa tin thất thiệt cũng rất vất vả, khó khăn và nếu xử lý không cẩn thận thì có thể dẫn đến tình trạng PR cho người muốn nổi tiếng.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Bộ trưởng đặt câu hỏi, giải pháp nào triệt để, căn cơ nhất để giải quyết tình trạng trên trong khi lực lượng của ngành thông tin truyền thông thì mỏng và có hàng chục triệu tài khoản trên các mạng xã hội, trong đó nhiều tài khoản có địa chỉ ở nước ngoài.
Vấn đề thứ 2 được đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đặt ra là việc xử lý các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội được “báo hóa” hiện nay diễn ra như thế nào và tại sao quá trình này vẫn gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng có cam kết gì với cử tri để giải quyết những bất cập trên?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa về ngăn chặn thông tin xấu độc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay việc xử lý còn nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, trong khi một người ở Việt Nam hiện nay có nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội.
Về giải pháp căn bản, Bộ trưởng cho rằng, thế giới thực ra sao thì trên không gian mạng cũng như vậy: “Ai quản lý cái gì ở thế giới thực thì trên không gian mạng cũng quản lý cái đó. Nghĩa là tất cả chúng ta đều phải vào cuộc để quản lý, các địa phương cũng phải quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng; các tổ chức, nhà trường và gia đình cũng phải quản lý con em mình trên không gian mạng. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc mới giải quyết được căn cơ những vấn đề trên không gian mạng”.
Về vấn đề xử lý báo hoá tạp chí, báo hoá trang tin điện tử, trưởng ngành Thông tin truyền thông cho biết, có một giải pháp rất mới, hiệu quả là chúng ta đã công khai dấu hiệu, biểu hiện thế nào là một trang thông tin báo hoá để toàn xã hội biết và chung tay giám sát.
Thay vì Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc thì nay toàn dân giám sát. Bộ đã công khai việc này trên 3 tháng.
“Trong số 650 tạp chí, chỉ có 30 tạp chí có dấu hiệu báo hoá do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện; với gần 2.000 trang tin điện tử chỉ số lượng vi phạm cũng tầm đó. Năm nay là năm mà Đảng, Nhà nước chỉ đạo rất quyết liệt về việc thanh, kiểm tra, giải quyết vấn đề báo hoá tạp chí, báo hoá trang tin điện tử. Chúng tôi cũng đã tổng thanh tra, kiểm tra, đến cuối năm nay là xong, đã xử phạt, nhắc nhở, yêu cầu khắc phục. Đến năm 2023 có thể giải quyết căn cơ vấn đề này”, ông Hùng nói.
Trả lời về vấn nạn tin giả, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trên không gian mạng, tin giả lan truyền rất nhanh, nếu xử lý chậm hậu quả khó lường. Vừa qua, chúng ta đã sửa các Nghị định để nâng tầm vấn đề xử lý tin giả, từ thông tư lên Nghị định. Nghị định này quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan và thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 48 tiếng xuống còn 24 tiếng, có những thông tin đặc biệt phải xử lý ngay trong 3 giờ.
Về mức phạt, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hành vi đưa thông tin giả đã tăng lên 3 lần, nhưng so với các nước trong khu vực chỉ bằng 1/10. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe, ít nhất ngang mức trung bình so với các nước trong khu vực.
Gia tăng tội phạm lừa đảo công nghệ cao
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) cho biết, gần đây tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng qua mạng có chiều hướng gia tăng diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như an ninh mạng, tài chính, ngân hàng, đất đai, công chứng còn sơ hở, thiếu sót, chưa có sự phối hợp chặt chẽ.
Vấn đề thứ hai, trong thời gian qua, Bộ có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên mặt trận phòng, chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý có lúc còn chậm tạo cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang ông xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, an ninh trật tự, quyền lợi và lợi ích của những tổ chức, cá nhân.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ, với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ trưởng đã có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề trên?
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Lê Thị Song An về lừa đảo qua mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà của hầu hết các nước trong những năm gần đây. Rất nhiều các đối tượng lừa đảo sử dụng các phương tiện thông tin trong đó có điện thoại và các website để lừa đảo. Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện căn bản các thể chế trong đó quy định rõ các hành vi cũng như quy trình xử lý. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã công khai các đường dây nóng 156 và trang web để tiếp nhận phản ánh của người dân về các hoạt động lừa đảo trên mạng. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã phát triển các công cụ công nghệ để ngăn chặn tình trạng này.
Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà soát và ngăn chặn khoảng 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo. Nếu không ngăn chặn 1.700 trang web này sẽ có 3,1 triệu người truy cập và xác suất bị lừa đảo rất lớn.
Với các số điện thoại lừa đảo, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung vào việc xử lý sim rác - một trong những phương tiện để thực thi các hoạt động lừa đảo. Tất cả các thuê bao không có đầy đủ thông tin sẽ bị xóa khỏi hệ thống.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về xử lý sim rác có 3 công đoạn lớn là:
Thứ nhất, tất cả thuê bao không có đầy đủ thông tin sẽ xoá khỏi hệ thống. Năm 2018 có 22 triệu thuê bao chưa có thông tin và đến nay, tất cả thuê bao đều có thông tin.
Vấn đề thứ 2 là thông tin đó có chính xác không, hiện nay, rất may, chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các nhà mạng đang đối soát. Đến đầu năm 2023 sẽ rà soát xong.
Vấn đề thứ 3, một người đăng ký nhiều sim, gọi là sim không chính chủ. Thì vấn đề ở đây là xử lý sim không chính chủ. Xử lý xong vấn đề này, chúng ta sẽ ngăn chặn được tình trạng lừa đảo, cuộc gọi rác.
Về việc kiểm soát thông tin đăng ký có chính xác, Bộ đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các nhà mạng đang đối soát. Thủ tướng cũng chỉ đạo trong năm nay và muộn nhất 2023 phải đảm bảo dữ liệu chính xác.
Về việc một người đăng ký nhiều sim, sim không chính chủ, ông Hùng cho biết đây cũng là vấn đề cần xử lý. Làm xong việc này sẽ xử lý được đáng kể tình trạng lừa đảo, cuộc gọi rác.
Mỗi ngày có 2 triệu giao dịch kết nối Trung ương với địa phương
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn Đắk Nông chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về việc, hiện nay, việc xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương chưa có sự đồng bộ, thống nhất cao. Nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả.
Do đó chưa thật sự mang lại hiệu quả, thuận lợi cho người dân khi tiến hành các giao dịch có liên quan, thậm chí có những công việc gây phiền hà cho người dân. Ví dụ, vấn đề về sổ hộ khẩu mà chúng ta hay đề cập trong thời gian gần đây? Trước thực trạng trên, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các Bộ, ngành có liên quan nhằm khắc phục triệt để tồn tại này trong thời gian tới, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ số chính quyền số nhằm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số của nước ta?
Trả lời về kết nối cơ sở dữ liệu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay, có 8 cơ sở dữ liệu là kết nối, trong đó có 5 cơ sở dữ liệu quốc gia và 3 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Những cơ sở dữ liệu này khi đã kết nối qua trục chia sẻ kết nối dữ liệu mà Bộ Thông tin và Truyền thông vận hành thì hiệu quả.
Theo ông Hùng, mỗi ngày có 2 triệu giao dịch kết nối trung ương với địa phương, bộ ngành với nhau. Trong đó, có đóng góp đáng kể của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là nhiều cơ sở dữ liệu khác của bộ ngành địa phương đã xây dựng, nhưng chưa kết nối và chia sẻ. Một số hệ thống công nghệ thông tin muốn kết nối lấy dữ liệu từ cơ sở dữ liệu nhưng chưa đảm bảo.
Hiện có khoảng 3.000 hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, bộ đang xử lý để đảm bảo an toàn, an ninh mạng về kết nối./.
Nguyễn Trang/VOV.VN