- Các cháu là sinh viên à? Học trường nào thế cháu?
- Dạ, chúng cháu là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền ạ!
- À, ra là sinh viên trường Báo, trường Tuyên giáo trước đây, là nhà nhà báo, nhà lý luận tương lai. Hay quá, Bác có thắc mắc này có cháu nào giải đáp giúp được không? Theo Bác, đã là kinh tế thị trường thì không thể theo định hướng xã hội chủ nghĩa được, cũng giống như mình bắt một cái cây quay vào bóng tối thì thế nào nó cũng sẽ quay ra ánh sáng, đúng không?
Cả bọn ngồi ngẩn tò te còn chưa biết trả lời ra sao cho xứng với sinh viên trường Báo. Mấy đứa láu táu lại còn gật đầu công nhận Bác này nói nghe cũng có lý. Bỗng nhiên, Trường cận ngồi trong góc nhà bỗng lên tiếng:
- Bác ơi, cháu thấy ví dụ của Bác có điều gì đó hơi sai sai ạ.
- Sai là sai thế nào, thế sai chỗ nào cháu nói Bác nghe xem.
- Dạ, cháu thấy ví dụ của Bác bị sai ngay từ đầu ạ. Tại sao Bác lại mặc định chủ nghĩa xã hội là bóng tối ạ - Trường cận ôn tồn - Mặc dù hiện nay mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ nhưng với mục tiêu, lý tưởng giúp người lao động thoát khỏi áp bức, bóc lột, bất công để được sống cuộc đời ấm no, tự do, bình đẳng, hạnh phúc thì chủ nghĩa xã hội nhất định phải là ánh sáng mới đúng chứ ạ.
Hình minh họa: Chủ nghĩa xã hội phải là ánh sáng, chứ không thể là bóng tối.
Cả bọn vỗ tay tán thưởng Trường cận, khen cậu ta đúng là hậu duệ của các nhà kinh điển. Nhưng Bác chủ quán vẫn lắc đầu chưa chịu:
- Ừ, cháu nói cũng có lý đấy nhưng kinh tế thị trường là của chủ nghĩa tư bản mà lại bắt nó theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đầu ngô mình sở thế làm sao mà phát triển được.
Trường cận định tiếp lời thì cậu Tâm mọt sách đứng phắt dậy:
- Cháu xin ý kiến bổ sung cho bạn này ạ. Cháu lấy ví dụ như thế này cho dễ hiểu. Giả sử một ông bố có cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học, bố thì muốn con vào làm cơ quan nhà nước nhưng cậu ấy không chịu, nhất định đòi buôn bán làm giàu. Bố khuyên mãi không được mới gọi vào căn dặn: Thôi được con muốn làm giàu thế nào thì làm, bố mẹ chỉ yêu cầu các con phải làm giàu chính đáng, bằng tài năng trí tuệ của mình, phải tuân thủ đúng pháp luật, không được buôn gian bán lậu, chụp giật. Khi giàu rồi phải biết quan tâm đến bố mẹ, anh em, bè bạn, làng xóm... Những lời ông bố yêu cầu anh ấy chính là định hướng xã hội chủ nghĩa đấy ạ. Theo Bác như thế thì có làm giàu được không ạ?
Hình minh họa: thành tựu xây dựng đất nước
Bác chủ quán gật gù:
- Ừ công nhận, ví dụ của cu này rất là dễ hiểu, nhưng làm giàu như thế thì khó lắm chúng cháu ạ.
- Vâng thưa Bác đúng ạ. Các thầy cô ở trường cháu bảo làm giàu chân chính thì bao giờ cũng khó khăn và lâu dài hơn làm giàu phi pháp, chụp giật nhưng nó bền vững và mang lại hạnh phúc thật sự Bác ạ. Cũng giống như sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta cũng rất lâu dài và khó khăn, phức tạp không phải hàng chục năm mà có thể tới hàng trăm năm đấy Bác ạ. Nhưng đó là con đường chân chính, hướng tới độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc thật sự và vững bền nên đã xác định rồi cứ quyết tâm đi rồi sẽ đến, đời mình chưa được thì đời con cháu mình sẽ được hưởng Bác ạ.
Hình minh họa: đoàn viên, thanh niên xung kích xây dựng đất nước
Bác chủ quán gật gù tấm tắc:
- Đúng là sinh viên trường Báo có khác, suy nghĩ, nói năng đâu ra đấy. Nào, Bác miễn phí luôn toàn bộ trà đá cho chúng cháu nhé.
Chia tay Bác chủ quán vui tính, chúng tôi lên đường tiếp tục cuộc hành trình. Bác nắm tay từng đứa một lắc lắc, lên xe rồi Bác còn gọi với theo:
- Hôm nào về ghé quán uống trà miễn phí nhé. Bác còn câu hỏi nữa đấy…
Lương Ngọc