Tên sách: Bút ký lính tăng - Hành trình đến Dinh Độc Lập
Tác Giả: Nguyễn Khắc Nguyệt
Năm Xuất Bản: 2015
Số Trang: 444
Nhà Xuất bản: NXB Trẻ
Đúng ngày 30-4 cách nay 45 năm, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 của quân giải phóng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập, đánh dấu mốc kết thúc chiến tranh tại Sài Gòn.
Hình ảnh chiếc xe tăng húc cổng dinh Độc Lập đã trở thành biểu tượng về một động tác cuối cùng kết thúc cuộc chiến. Vinh quang tiến chiếm cứ điểm cuối cùng quan trọng nhất của cuộc chiến thuộc về binh chủng tăng thiết giáp.
Lá cờ quân giải phóng do đại đội trưởng đại đội 4 lữ đoàn 203 Bùi Quang Thận cắm trên nóc dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 trở thành hình ảnh chiến thắng đầu tiên đầy ấn tượng.
Nhưng để đến được “giữa Sài Gòn”, tiến chiếm cơ quan đầu não cuối cùng của đối phương, những người lính xe tăng quân giải phóng đã có một hành trình bắt đầu tận ga tàu hỏa ở Vĩnh Yên từ cuối năm 1971, vào đến Vinh, rồi hành quân qua Quảng Bình, Quảng Trị, tham chiến ở chiến trường Thừa Thiên - Huế, vào giải phóng Đà Nẵng, tiếp tục vào Nam…
Hành trình dọc theo cuộc chiến khốc liệt bi hùng của một đại đội xe tăng với chiếc xe 390 huyền thoại là những câu chuyện dài, nhưng lâu nay chìm lắng như tâm sự của những chiến sĩ chưa được thổ lộ.
Một “bút ký lính tăng” được chính người trong cuộc chấp bút, độc giả có thể tìm đọc nhân dịp tròn 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đó là tác phẩm Hành trình đến dinh Độc Lập của đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt - nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 đại đội 4 lữ đoàn 203, người đã cùng vào sinh ra tử theo đúng nghĩa đen của từ này bên cạnh những đồng đội tăng thiết giáp đã góp phần làm nên chiến thắng.
Người ta đã viết nhiều về những quân binh chủng khác nhưng viết về lính tăng lâu nay vốn ít, một tác phẩm của chính lính tăng viết về mình như vậy phải nói là cực kỳ thú vị.
Đọc sách không chỉ hưởng trọn không gian sống động như hồi ký về một thuở chiến trường, mà còn như hiểu sâu hơn về nghĩ suy, tâm sự, tính cách của từng người lính, từng đơn vị… bộc lộ theo từng trận đánh, từng nhiệm vụ được giao.
Quan trọng hơn, tác phẩm này hoàn toàn có thể xem là một tư liệu quý giá về nghệ thuật chiến tranh của phía quân giải phóng, nhìn từ một đơn vị miền Bắc vào tham chiến và đánh thẳng đến dinh Độc Lập - giành chiến thắng cuối cùng.
Đọc để thấy cách tổ chức đơn vị, nghệ thuật hành quân, phương pháp tác chiến, đặc biệt là nghệ thuật rèn luyện và sử dụng con người. Đây chính là nội dung góp phần lý giải thuyết phục câu hỏi “điều gì đã làm nên chiến thắng?” mà giới nghiên cứu lịch sử chiến tranh Việt Nam vẫn tìm kiếm trong bao năm qua.
Đọc để thấy những người lính trẻ đã tổ chức hành quân trong bí mật dưới liên miên các trận không kích của đối phương như thế nào, để thấy trong tương quan bất lợi hơn hẳn về mọi mặt vật chất, khí tài, điều kiện hỗ trợ và bảo đảm chiến đấu… vẫn có những người lính quả cảm giàu kinh nghiệm kế tiếp nhau đảm nhận nhiệm vụ mà không chút lo nghĩ về cái chết có thể sẽ đến với mình bất cứ lúc nào.
Nếu không có những trang bút ký của “người trong cuộc” như thế này, làm sao biết được chiến thắng được làm nên từ những thực tế tưởng nhỏ nhoi nhưng đã đánh đổi bằng biết bao xương máu ấy.
Kể ra tập bút ký này nếu ra đời sớm hơn thì có lẽ câu chuyện của những người lính tăng trên xe 390 được biết đến sớm hơn, khi nhiều năm trước đây đạo diễn Phạm Việt Tùng phải cố gắng tập hợp tư liệu để làm rõ chính chiếc xe tăng này đã húc đổ cổng dinh Độc Lập trong buổi trưa 30-4 lịch sử ấy.
Nay bạn đọc có thể tìm thấy trong sách này lời nhắn gửi của đại đội trưởng Bùi Quang Thận nói với anh em khi tự ý nhảy ra khỏi xe tăng 843 với mong muốn sẽ cắm cờ lên nóc dinh: “Nếu một lúc nữa không thấy tớ xuống thì coi như tớ đã hi sinh, còn bao nhiêu đạn các cậu cứ nã hết vào dinh”.
Lúc ấy, chính trị viên Vũ Đăng Toàn ngồi trong xe 390 nghĩ rằng: “Nguy hiểm quá, đã biết lực lượng đối phương trong dinh như thế nào mà anh ấy lại xuống xe thế kia”, rồi nhắc lái xe Nguyễn Văn Tập: “Giảm tốc độ! Chạy từ từ thôi!”.
Cũng may là chiến tranh đã kết thúc, các chiến sĩ xe tăng không phải nã hết số đạn còn lại vào dinh.
Nguồn TTO