Theo thông tin từ tờ Live Science, bộ phận cơ thể chưa từng được mô tả trước đây là một lớp cơ nằm sâu trong cơ cắn (masseter), giúp nâng cao hàm dưới và rất quan trọng để nhai.
Sách giáo khoa giải phẫu học hiện đại mô tả cơ cắn có hai lớp, một lớp sâu và một lớp bề mặt. "Tuy nhiên, một số sách cũng đề cập đến sự tồn tại có thể có của lớp thứ ba, nhưng cực kỳ không nhất quán về vị trí của nó" - các tác giả nghiên cứu viết trong một báo cáo mới, được công bố hôm 2.12 trên ấn bản trực tuyến của tạp chí Biên niên sử về giải phẫu học (Annals of Anatomy). Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã quyết định kiểm tra xem liệu cơ hàm có thể có một lớp ẩn, siêu sâu như đề cập trong các sách này hay không.
Để làm như vậy, họ đã mổ xẻ 12 đầu tử thi người được bảo quản trong formaldehyde; chụp CT 16 tử thi "tươi" và xem xét hình ảnh MRI của một người còn sống. Thông qua những cuộc kiểm tra này, các nhà nghiên cứu đã xác định được lớp thứ ba "khác biệt về mặt giải phẫu" của cơ cắn. Lớp cơ sâu này chạy từ xương gò má đến cơ trước của hàm dưới.
Tác giả chính của nghiên cứu, Szilvia Mezey - giảng viên cao cấp Khoa Y sinh, Đại học Basel ở Thụy Sĩ - cho biết: “Phần sâu này của cơ cắn có thể phân biệt rõ ràng với hai lớp cơ khác về chức năng. Dựa trên sự sắp xếp của các sợi cơ, lớp cơ có khả năng giúp ổn định hàm dưới. Và trên thực tế, lớp cơ mới phát hiện này là phần duy nhất của cơ cắn có thể kéo xương hàm về phía sau".
"Mặc dù người ta thường cho rằng nghiên cứu giải phẫu trong 100 năm qua đã tìm ra tất cả, nhưng phát hiện của chúng tôi giống như việc các nhà động vật học phát hiện ra một loài động vật có xương sống mới" - tác giả cao cấp, Tiến sĩ Jens Christoph Türp, giáo sư và nhà lâm sàng tại Trung tâm Đại học cho Nha khoa Basel, cho hay.
Các nhà nghiên cứu lưu ý, phát hiện này có thể quan trọng trong bối cảnh lâm sàng, bởi vì hiểu biết về lớp cơ có thể giúp các bác sĩ thực hiện tốt hơn những ca phẫu thuật ở vùng đó của hàm và điều trị tốt hơn các tình trạng liên quan đến khớp nối xương hàm với hộp sọ.
Nguồn VnExpress