Trước hết cần phải khẳng định rằng, từ sau vụ bạo loạn ở Tây Nguyên năm 2001 và 2004, tình hình an ninh tư tưởng chính trị trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên tương đối ổn định, đa số nhân dân các dân tộc Tây Nguyên có quan điểm, thái độ chính trị tích cực, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đa số đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn tốt bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc mình; đồng bào các dân tộc thiểu số, chức sắc, tín đồ các tôn giáo tại các địa phương sinh hoạt tôn giáo thuần túy, chấp hành đúng pháp luật; việc tham gia và sử dụng mạng internet theo hướng tích cực...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động lưu vong, các đối tượng bất mãn, chống đối chính trị trong và ngoài khu vực tiếp tục đẩy mạnh liên kết, lôi kéo, phát triển lực lượng, củng cố thực lực trong nội địa; triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, các vụ việc nhạy cảm, phức tạp về an ninh trật tự, sơ hở, thiếu sót của chính quyền để xuyên tạc, vu cáo, chống đối Đảng, Nhà nước; kích động ly khai, tự trị; tập dượt “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” nhằm lật đổ chính quyền, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong đó đứng đầu là tổ chức phản động FULRO lưu vong.
Cán bộ chính quyền tuyên truyền về chính sách khoan hồng của Nhà nước với tàn quân Fulro trở về. Ảnh tư liệu.
Thủ đoạn chống phá của lực lượng phản động FULRO lưu vong là gia tăng sử dụng các tiện ích của Internet như: Email, mạng xã hội Facebook, YouTube, các phần mềm Skype, Whatsapp, Tango, Signal... để tuyên truyền, lôi kéo các đối tượng phản động trong nước, hướng dẫn số đối tượng này thường xuyên thay đổi SIM, hẹn ngày/giờ mở máy, trong đàm thoại sử dụng “tiếng lóng”, lập nhiều tài khoản Facebook khác nhau... để liên lạc, chỉ đạo hoạt động.
Bọn phản động lưu vong và FULRO còn tăng cường sử dụng không gian mạng để liên lạc, lôi kéo hàng trăm lượt đối tượng tham gia tập huấn trực tuyến về “nhân quyền”, “xã hội dân sự”, “tự do tôn giáo và niềm tin”, “hội nghị bàn tròn đa tôn giáo”, tài trợ vào trong nước để phục vụ tập huấn trực tuyến; kích động số trong nước tổ chức sinh hoạt tôn giáo vi phạm pháp luật, bất hợp tác với chính quyền; quay phim, chụp hình khi bị xử lý; thu thập thông tin, tài liệu gửi cho số bên ngoài để xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo.
Các thế lực thù địch và FULRO còn triệt để liên kết, móc nối, phát triển lực lượng, tổ chức huấn luyện, đào tạo qua không gian mạng, lập nhóm kín để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tuyển lựa cơ sở, đào tạo, huấn luyện, phát triển lực lượng, gây quỹ hỗ trợ cho các hoạt động chống phá trong nước. Mặt khác, số chống đối trong nước tạo lập nhiều hội, nhóm dưới vỏ bọc hoạt động “xã hội dân sự”, thường xuyên đăng tải các bài viết, thông tin xuyên tạc về các sự kiện chính trị, vụ việc đang thu hút dư luận xã hội, từ đó truyền bá các luận điệu sai trái, thù địch. Ngoài ra, nhiều hội, nhóm có xu hướng hoạt động “lệch lạc” so với mục đích ban đầu, đăng tải các thông tin không chính thống, xuyên tạc về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, trong đó có một số hội, nhóm được lập bởi các phóng viên báo chí có hoạt động phức tạp, thu hút lượng lớn người theo dõi, chia sẻ thông tin.
Gần đây, hoạt động tán phát tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng diễn ra “tràn lan”, các lực lượng chức năng đã phát hiện hàng nghìn bài viết, bình luận sai sự thật, đăng tải thông tin chưa được kiểm chứng, làm chệch hướng dư luận xã hội về tình hình dịch bệnh Covid-19. Nội dung chủ yếu của những luận điệu này là xuyên tạc tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam và công tác phòng, chống dịch của Nhà nước; kích động, chia rẽ quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc và một số quốc gia khác; công kích, bôi nhọ nhằm hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; kích động công nhân các công ty, khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài đình công; kêu gọi tích trữ lương thực, thực phẩm gây hoảng loạn trong một bộ phận quần chúng Nhân dân.
Luật An ninh mạng góp phần bảo vệ hệ thống thông tin quốc gia trên không gian mạng. Ảnh: Internet.
Để ngăn chặn ngay từ đầu việc lợi dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động thì việc phát hiện kịp thời đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, lâu nay công tác này mặc định là nhiệm vụ của các lực lượng an ninh, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm; đặc biệt là thiếu sự hợp tác của người dùng mạng xã hội. Thế nên để đấu tranh và ngăn chặn kịp thời các biểu hiện chống phá trên mạng xã hội thì việc phối hợp giữa lực lượng an ninh với các tổ chức và cá nhân tham gia mạng xã hội sẽ góp phần ngăn chặn ngay từ đầu, không để lây lan các hoạt động chống phá nguy hiểm về sau.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức và cá nhân trên không gian mạng thông qua công cụ pháp lý là Luật An ninh mạng năm 2018. Muốn vậy, cần tăng cường lực lượng chuyên trách làm công tác an ninh mạng, trinh sát trên không gian mạng; đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, kinh phí phục vụ cho công tác này, có chế độ đãi ngộ thích đáng cho lực lượng chuyên trách và khen thưởng hợp lý cho những cá nhân dùng mạng xã hội có đóng góp trong công tác phát hiện, ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng.
Sau cùng, các lực lượng chuyên trách cần thường xuyên bố trí lực lượng bám sát địa bàn; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng, kết hợp chặt chẽ với biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ, công tác trinh sát an ninh mạng để nắm bắt, nhận diện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc của các thế lực thù địch, phản động thông qua mạng xã hội cũng như các yếu tố, điều kiện tại địa bàn mà đối tượng có thể lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, lôi kéo, phát triển lực lượng kích động, chống phá.
Khắc Sơn