Tên sách: Cách dạy, cach học, cách sống trong thế kỷ XXI: Khảo Sát Triết Lý Giáo Dục Của Dewey Và Makiguchi Để Đưa Ra Phương Thức Giáo Dục Mới Cho Nhân Loại
Tác Giả: Daisaku Ikeda, Jim Garrison, Larry Hickman
Năm Xuất Bản: 2019
Số Trang: 352
Nhà Xuất bản: NXB Chính trị quốc gia Sự thật
Bước sang thế kỷ XXI, vấn đề “Học tập suốt đời” (Lifelong Learning) đã được khởi xướng và được xem là một chìa khóa để giải quyết những mâu thuẫn trong tương lai, đón nhận thách thức trong thế kỷ mới, là nhịp đập của xã hội và nguyên tắc chỉ đạo mọi cải cách giáo dục. Đặc biệt trong một thế giới luôn biến động như hiện nay, các nhà giáo dục trên thế giới dần tin rằng kỹ năng tư duy ứng dụng trong việc học tập lẫn nhau trong thực tiễn cuộc sống hiện đại là công cụ quan trọng và là một trong những phẩm chất, năng lực của công dân toàn cầu. Do đó, việc dạy cách học, cách sống cũng là một giải pháp đánh thức những tiềm năng của mỗi người, giúp họ tự tin khẳng định bản thân, có khả năng tư duy giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và lôgích, đưa ra quyết định, sáng kiến - ý tưởng mới, phân tích thông tin, hoạch định tương lai.
Nội dung cuốn sách Cách dạy - Cách học - Cách sống trong thế kỷ XXI (Khảo sát triết lý giáo dục của Dewey và Makiguchi để đưa ra phương thức giáo dục mới cho nhân loại) được trình bày dưới hình thức một cuộc đối thoại cởi mở và đầy trách nhiệm giữa Tiến sĩ Daisaku Ikeda - học giả uyên bác về nhiều lĩnh vực khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng ở Nhật Bản cũng như trên thế giới và hai triết gia nổi tiếng người Mỹ - Jim Garrison và Larry Hickman. Các chủ đề luận bàn trong cuộc đối thoại hết sức thiết thực và sâu sắc, các chuyên gia cùng trao đổi, phân tích một số vấn đề quan trọng mà xã hội con người ngày nay đang phải đối mặt, như vai trò của giáo dục trong việc đào tạo công dân toàn cầu, môi trường học tập trong gia đình, nhà trường và tầm quan trọng của việc học tập suốt đời; làm thế nào để khoa học kỹ thuật có thể mang lại hạnh phúc cho con người, làm thế nào xung đột có thể giải quyết thông qua đối thoại, làm thế nào để những người dân có tập quán và sự quan tâm khác nhau có thể cùng chung sống trong những cộng đồng dân chủ,... Đặc biệt, ý nghĩa xuyên suốt cuốn sách mà nhóm tác giả muốn gửi gắm đó là sự động viên, khích lệ thế hệ thanh niên hiện nay và mai sau cần phát triển và sáng tạo các giá trị hơn nữa, nhằm bảo đảm một tương lai thành công ở thế kỷ XXI.
Về tác giả, Jim Garrison là Giáo sư Triết học giáo dục tại Đại học Bách khoa Virginia ở Blacksburg, Virginia, trong khi Larry Hickman là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dewey và Giáo sư Triết học tại Đại học Southern Illinois Carbondale; cả hai đều nguyên là Chủ tịch của Hiệp hội John Dewey. Daisaku Ikeda là Chủ tịch của Tổ chức Soka Gakkai International, một tổ chức Phật giáo với hơn 12 triệu thành viên trên toàn thế giới. Ông đã viết và giảng dạy rộng rãi về Phật giáo, chủ nghĩa nhân văn và đạo đức toàn cầu. Cuộc đối thoại của ba học giả đã đưa ra những bình luận về nhà giáo vĩ đại người Mỹ John Dewey và triết lý của ông, và so sánh triết lý giáo dục của Dewey với lý thuyết giáo dục tạo giá trị (Giáo dục Soka) của chủ tịch đầu tiên của phong trào Soka Gakkai là Tsunesaburo Makiguchi (1871-1944).
Trong tác phẩm này, các tác giả đã chỉ ra những điểm chung giữa Dewey và Makiguchi, chẳng hạn như nhấn mạnh hạnh phúc là mục đích của giáo dục, quan điểm về giáo dục và giá trị của hạnh phúc với con trẻ, cũng như vai trò của phụ nữ, sự cân bằng giữa công việc và học tập, mối quan hệ giữa tuổi thơ và giáo dục ở trường và ở nhà. Các tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong xã hội và sự cần thiết phải thay đổi cơ bản từ khái niệm giáo dục vì lợi ích của xã hội sang khái niệm xã hội vì lợi ích của giáo dục. Trong giáo dục, dạy dỗ không chỉ là khai thác giá trị, mà còn tạo ra giá trị, từ đó nâng cao và làm giàu thêm ý nghĩa của cuộc sống. Garrison chia sẻ cái nhìn sâu sắc của ông về vai trò của hạnh phúc trong giáo dục: "Đối với tôi thì rõ ràng hạnh phúc và phát triển không khác gì nhau trên nhiều phương diện. Hạnh phúc không chỉ bắt nguồn từ phát triển mà còn chính là phát triển".
Theo fahasa