Sáng 13/10, tọa đàm "Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong An toàn không gian mạng", các chuyên gia đưa ra nhiều gợi ý cho những người bắt đầu khởi nghiệp. Tọa đàm do Làng công nghệ an toàn không gian mạng tổ chức trong khuôn khổ Techfest 2021.
TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, cho rằng, hội thảo đề cập đến những vấn đề hữu ích, đúng hướng đối với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cần đảm bảo an toàn, an ninh mạng hiện nay.
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, chủ tịch Nova Edu, muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này phải bắt đầu từ nhu cầu thực sự của phần lớn xã hội và phải chuẩn bị sẵn giải pháp. "Có những bài toán an ninh mạng ở quy mô rất lớn, nếu chỉ nhìn ra vấn đề nhưng không có giải pháp đột phá thì chưa nên lựa chọn khởi nghiệp", ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng, sinh viên có thể khởi nghiệp theo hai hướng: Độc lập tạo ra các sản phẩm, dịch vụ bảo mật hoàn toàn mới hoặc theo những người tiên phong để ứng dụng công nghệ sẵn có, giải quyết vấn đề an ninh mạng. "Vế đầu phải là người kiệt xuất, vế sau phải là người đủ thông minh, kiên trì", ông nói.
Từng là một trong những doanh nghiệp Việt đời đầu khởi nghiệp an ninh mạng từ năm 1995, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav chia sẻ câu chuyện về việc phát hiện một loại virus máy tính lây lan nhanh, có khả năng xóa hết toàn bộ dữ liệu và tìm giải pháp miễn phí cho người dùng trong nước. Từ đó cho thấy việc xây dựng ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực này nên xuất phát từ nhu cầu xã hội chứ không phải bài toán kinh doanh.
CEO Bkav gợi ý sinh viên nếu muốn theo đuổi lĩnh vực an toàn không gian mạng, trước tiên cần rèn luyện tư duy logic để xác định vấn đề, kết hợp với việc học tốt các kiến thức nền tảng trên nhà trường để hiểu được những bài toán căn bản nhất của an toàn thông tin từ phát hiện lỗ hổng đến tìm cách khắc phục.
Theo báo cáo xếp hạng An toàn Thông tin Toàn cầu năm 2020 (GCI) Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25 trong 194 quốc gia, đứng 7 trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, và thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
Đại diện Làng công nghệ an toàn không gian mạng, ông Trương Đức Lượng, Tổng Giám đốc VSEC bày tỏ mong muốn đặt những viên gạch đầu tiên trong công cuộc xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái An toàn không gian mạng tại Việt Nam, thúc đẩy, sản xuất nhiều hơn nữa những sản phẩm, dịch vụ cho ngành an toàn thông tin trong nước và quốc tế.
"Làng sẵn sàng tạo điều kiện và hỗ trợ cho các ý tưởng, dự án bảo vệ an ninh mạng của cá nhân, sinh viên nếu muốn phát triển thành bản prototype hoặc muốn tìm cách thương mại hóa để người dùng trải nghiệm". ông Lượng nói.
Làng công nghệ an toàn không gian mạng được hình thành trong khuôn khổ Techfest 2021.
Trong khuôn khổ Techfest năm nay (từ 16/9-25/12), một số làng mới cũng được ra mắt như: Làng Công nghệ Logistic, Làng Công nghệ Du lịch-Ẩm thực và Nông nghiệp Bản địa, Làng Nền tảng và Hạ tầng Techfest Vietnam 2021.
Ngày hội Techfest năm nay sẽ được tổ chức tại TP HCM và kết hợp với Tuần lễ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của (WHISE) của thành phố. Ngoài sự kiện chính sẽ có chuỗi hội thảo nhiều lĩnh vực, triển lãm thực tế ảo và hoạt động từ các làng công nghệ như tập huấn, giải đáp thắc mắc, chiến dịch gây quỹ cộng đồng.
Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia Techfest là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhân dân TP HCM và Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Nguồn Báo tin tức