Số ca tử vong vì Covid-19 toàn thế giới vượt 154.000 người, tốc độ lây nhiễm khủng khiếp tại châu Phi. (Nguồn: SCMP) |
Covid-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ khi bùng phát tại Vũ Hán hồi tháng 12/2019, hủy hoại nền kinh tế toàn cầu và khiến một nửa cư dân thế giới phải ở trong nhà. Mỹ hiện có số ca tử vong cao nhất thế giới, lên tới 37,135 người, nhưng hơn 96.000 người tử vong tại châu Âu, tương đương với gần 2/3.
Giằng xé trong dịch bệnh, các lãnh đạo thế giới đang đau đầu với câu hỏi về thời điểm ngừng cách biệt cộng đồng, tìm ra điểm cân bằng giữa khôi phục nền kinh tế và ngăn chặn đợt dịch thứ hai.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/4 cho rằng, tổng số ca tử vong thực sự của Trung Quốc do dịch Covid-19 "cao hơn nhiều" so với các số liệu công bố. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nêu rõ: "Trung Quốc vừa thông báo số liệu thống kê gia tăng về số ca tử vong do kẻ thù vô hình này. Tuy nhiên, con số thực tế còn cao hơn nhiều, thậm chí hơn cả Mỹ và vẫn chưa dừng lại".
Trước đó, tâm dịch Vũ Hán của Trung Quốc đã sửa đổi số liệu các bệnh nhân được xác nhận mắc Covid-19, cũng như số ca tử vong vì dịch bệnh nguy hiểm này. Theo đó, tổng số trường hợp mắc bệnh được ghi nhận tại Vũ Hán tính đến cuối ngày 16/4 đã được điều chỉnh tăng thêm 325 ca, lên thành 50.333 người và số ca tử vong tăng thêm 1.290 trường hợp, lên thành 3.869 người.
Trong khi đó, Lãnh đạo Anh và Pháp lên tiếng ủng hộ những lời công kích của Tổng thống Mỹ Trump nhằm vào Trung Quốc sau khi truyền thông Mỹ đặt giả thuyết virus SARS-CoV-2 "lọt" ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định sẽ rất "ngây thơ" khi cho rằng Trung Quốc đã giải quyết tốt Covid-19, rõ ràng có nhiều thứ xảy ra mà thế giới không được biết.
Bắc Kinh khẳng định, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng nói không có bằng chứng SARS-CoV-2 xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, trong khi Tổng thống Nga Putin lại cho rằng "đây là nỗ lực của một số người nhằm bôi nhọ Trung Quốc".
* Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 709.201 ca nhiễm và 37.135 ca tử vong, tăng lần lượt 31.631 và 2.516. New York - tâm dịch của Mỹ sẽ mở thêm 5 trạm thực hiện xét nghiệm Covid-19 từ ngày 20/4, trong đó có một địa điểm tập trung vào những cư dân từ 65 tuổi trở lên tại các khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm bệnh.
* Ngày 17/4, Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) cho biết, gần 17.000 nhân viên y tế nước này đã nhiễm Covid-19, hơn 2/3 trong số đó là nữ giới. Con số này tương đương với 10% số ca nhiễm chính thức được ghi nhận tại Italy.
ISS không báo cáo số ca tử vong trong đội ngũ nhân viên y tế, song một nghiên cứu do Hiệp hội Bác sĩ Italy (FNOMCeO) công bố ngày 16/4 cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đã khiến 125 bác sĩ tại Italy tử vong.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Italy lên tới 22.745 người, song các y bác sĩ cho rằng, con số thực tế có thể gấp đôi con số được công bố chính thức tại một số tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Một số bác sĩ Italy đã bày tỏ lo ngại rằng những nhân viên y tế mắc Covid-19 có thể đã vô tình lây nhiễm bệnh cho các bệnh nhân của họ trong những tuần đầu dịch bệnh bùng phát.
* Tây Ban Nha ghi nhận thêm 5.891 ca nhiễm và 687 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 190.839 và 20.002 , là vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai thế giới. Giới chức Tây Ban Nha cho biết, dữ liệu không bao gồm những người chết nghi do bệnh dịch, giống cách tính của nhiều quốc gia khác.
* Pháp xác nhận thêm 1.909 ca nhiễm mới và 761 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 147.969 và 18.681. Số bệnh nhân cần chăm sóc tích cực giảm 9 ngày liên tiếp. Pháp gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm một tháng để ngăn đại dịch, tới hết 11/5.
* Số ca nhiễm mới ở Đức đã giảm đáng kể và ổ dịch đang được kiểm soát, bắt đầu nới lỏng hạn chế từ ngày 15/4. Số ca nhiễm và tử vong ở Đức là 141.397 và 4.352 sau khi ghi nhận thêm lần lượt 3.699 và 300 ca trong ngày.
* Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 108.692 người nhiễm bệnh và 14.576 người chết, tăng lần lượt 5.599 và 847. Chính phủ Anh ngày 16/4 kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm ít nhất ba tuần khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
* Châu Phi đang trở thành điểm nóng mới, theo báo cáo mới của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi, trong đó trích dẫn minh họa của trường Cao đẳng Hoàng gia London (Anh), châu Phi có khả năng ghi nhận tới 300.000 ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, kể cả trong viễn cảnh tích cực nhất.
Báo cáo cho hay, trong kịch bản xấu nhất khi không có sự can thiệp đối với virus SARS-CoV-2, châu Phi có khả năng chứng kiến tới 3,3 triệu ca tử vong do Covid-19 và 1,2 tỷ người nhiễm SARS-CoV-2. Còn trong kịch bản tốt đẹp nhất, kể cả khi thực thi biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, thì "lục địa đen" vẫn có thể ghi nhận hơn 122 triệu ca nhiễm. Các chuyên gia cảnh báo, bất cứ kịch bản nào cũng đều là quá tải đối với các hệ thống y tế vốn rất mong manh và thiếu đầu tư của châu Phi.
Tính đến ngày 17/4, châu Phi đã ghi nhận hơn 18.000 ca nhiễm SARS-CoV-2, nhưng các chuyên gia cho rằng, có thể còn vài tuần nữa là đuổi kịp châu Âu và mức tăng số ca nhiễm cũng đáng báo động tương tự.
Ngày 17/4, WHO đã báo động về diễn biến nhanh chóng của đại dịch Covid-19 gây ra ở châu Phi. Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Trong tuần qua, châu Phi đã ghi nhận sự gia tăng 51% số ca bệnh nhiễm mới và tăng 60% số ca tử vong được ghi nhận. Với những khó khăn trong việc có được bộ dụng cụ chẩn đoán, khả năng con số thực về số ca nhiễm ở châu Phi có sẽ còn cao hơn nhiều”.
Số ca mắc Covid-19 mới tại châu Phi đã tăng mạnh liên tiếp trong những ngày gần đây, đặc biệt là Ai Cập và Morocco. Trong ngày 17/4, Ai Cập đã ghi nhận thêm 171 ca mắc Covid-19 mới và đã vượt qua Nam Phi trở thành quốc gia có tổng số ca nhiễm cao nhất tại châu Phi; trong khi đó Morocco ghi nhận thêm 281 ca nhiễm mới và trở thành quốc gia có tổng số ca nhiễm đứng thứ 3 tại châu lục này.
Theo số liệu thống kê, top 5 quốc gia có số cao nhiễm cao nhất tại châu Phi tính đến cuối ngày 17/4 và theo thứ tự gồm Ai Cập có tổng cộng 2.844 ca mắc Covid-19 và 205 ca tử vong; Nam Phi với 2.783 ca nhiễm mới và 50 ca tử vong; Morocco với 2.564 ca nhiễm mới và 135 ca tử vong; Algeria với 2.418 và 364 ca tử vong (tăng 150 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua); và Cameroon với 996 ca và 22 ca tử vong, vượt qua Tunisia (822 ca nhiễm và 37 ca tử vong) để trở thành quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 5 ở châu Phi.
* Cùng ngày, Bộ Y tế Kuwait cho biết, nước này cũng đã ghi nhận thêm 134 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 20 công dân Ai Cập. Theo hãng Thông tấn chính thức KUNA, đến nay Kuwait đã có tổng cộng 1.658 ca mắc Covid-19, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Cũng trong ngày 17/4, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã ghi nhận thêm 477 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 2 trường hợp tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên tới 6.302 trường hợp và đã có 37 người tử vong do căn bệnh này.
* Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á với 79.494 ca nhiễm và 4.958 ca tử vong. Nước này ghi nhận thêm 1.499 ca nhiễm và 89 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100.
* Tại Đông Nam Á, Indonesia trở thành vùng dịch lớn nhất với 5.923 ca nhiễm và 520 ca tử vong, tăng lần lượt 407 và 24. Chính phủ Indonesia dự báo, nước này có thể đạt đỉnh dịch vào đầu tháng 5. Philippines xếp thứ hai với 5.878 ca nhiễm và 387 ca tử vong. Malaysia ghi nhận thêm 69 ca nhiễm và 2 người chết, nâng tổng số lên lần lượt 5.251 và 86. Số người nhiễm tại Singapore tiếp tục tăng mạnh với 623 ca, nâng tổng số lên 5.050, trong đó 11 người tử vong.
Theo Thế giới và Việt Nam