Tên sách: Capital in the Twenty-first Century (Tạm dịch: Tư bản trong Thế kỷ 21)
Tác giả: Thomas Piketty
NXB: Đại Học Harvard
Năm XB: 2014
Ngôn ngữ: Tiếng Anh
Số trang: 816
“Tư bản trong Thế kỷ 21” là một trong những cuốn sách bán chạy nhất thuộc lĩnh vực Kinh tế học nói riêng, Khoa học Xã Hội nói chung. Đây là cuốn sách được nhiều nhà kinh tế học, chính trị gia và học giả, độc giả quan tâm.
Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman cho rằng cuốn sách này của Piketty sẽ "thay đổi cả cách chúng ta suy nghĩ về xã hội và cách chúng ta nghiên cứu kinh tế học".
“Tư Bản trong Thế kỷ 21” viết về chủ đề bất bình đẳng về thu nhập của các nhóm người lao động trong xã hội.
Với một công trình đồ sộ dựa trên số liệu được thu thập trong một quãng thời gian dài trong quá khứ và lập luận sâu sắc, Thomas Piketty dự báo rằng bất bình đẳng về thu nhập sẽ tăng lên với tốc độ lớn hơn rất rất nhiều trong thế kỷ 21 ở các quốc gia phát triển khi mà sự giàu có chủ yếu dựa vào việc nắm giữ một số lượng lớn vốn hay tư bản của một số ít người trong xã hội.
Lập luận này của tác giả chủ yếu dựa trên quan điểm được xây dựng bằng số liệu minh hoạ là tốc độ tang tài sản của tư bản hay vốn sẽ lớn hơn rất nhiều tốc độ tăng trưởng hàng hoá thực hay tăng trưởng kinh tế dựa trên lao động trong nền kinh tế thực. Từ đó những ai nắm giữ vốn hay tư bản như Bill Gates chẳng hạn mặc dù không phải nỗ lực quá nhiều cũng sẽ có được tỷ lệ áp đảo về tài sản, thu nhập trong “chiếc bánh” của toàn bộ nền kinh tế.
Tư bản theo cách tiếp cận của tác giả bao gồm tất cả những tài sản mà người ta có thể sở hữu và mua bán trên thị trường, như bất động sản, vốn trong doanh nghiệp, máy móc, nhà xưởng, kể cả tài sản sở hữu trí tuệ.
Pekitty cho rằng thu nhập từ tư bản sẽ vào khoảng 4-5%/năm ở các nước phát triển. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng thu nhập quốc dân của các nước này chỉ vào khoảng 1-2%/năm. Do vậy, người nắm tư bản trong tay sẽ chiếm gần hết thu nhập của một nước. Từ đó, Piketty cho rằng bất bình đẳng do nắm giữ tư bản trong xã hội càng gia tăng trong thế kỷ 21 nơi mà chúng ta tìm thấy những điều tương đồng vào thế kỷ 19.
Lập luận này đi ngược lại những gì kinh tế học lâu nay thường giả định, rằng kinh tế thị trường sẽ làm cho bất bình đẳng trong thu nhập ngày càng nhỏ lại. Điều gây ấn tượng trong lập luận của tác giả là khi nền kinh tế càng rơi vào trì trệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế càng giảm thì sự bất bình đẳng trong thu nhập càng cao vì chênh lệch giữa thu nhập từ tư bản và thu nhập từ lao động càng cách biệt. Sở dĩ tăng trưởng kinh tế giảm vì theo Pekitty ở các quốc gia phát triển hiện nay và trong tương lai rất khó có tăng trưởng kinh tế cao vì những giới hạn gặp phải trong việc sử dụng nguồn lực khi mà “mốc” hiệu quả nhất các quốc gia này đã đạt được.
Với những lập lận dựa trên số liệu dài hạn như vậy, Piketty đã bác bỏ nhiều lý thuyết vốn vẫn “thống trị” lâu nay trong khoa học kinh tế về tăng trưởng và bất bình đẳng. Ví dụ điển hình là lý thuyết về mối quan hệ giữa tăng trưởng và bất bình đẳng của Kuzents, người đã đoạt giải Nobel kinh tế học vào năm 1971 cho chính chủ đề tăng trưởng kinh tế của mình.
Lý thuyết của Kuznets cho rằng khi nền kinh tế tăng trưởng thì kéo theo việc bất bình đẳng gia tăng, tuy nhiên mức độ gia tăng sẽ không kéo dài mãi mãi mà khi tăng trưởng kinh tế đạt ở một mức nào đó thì bất bình đẳng sẽ giảm xuống. Lý thuyết của Kuznets dựa trên nghiên cứu của ông vào những năm 50 của thế kỷ trước khi mà ông dùng số liệu trong vòng 30 năm từ nền kinh tế Hoa Kỳ. Lý thuyết này giúp tên tuổi của Kuznets trở nên nổi tiếng trong giới kinh tế học và tầm ảnh hưởng của ông đã được ghi nhận với giải Nobel kinh tế học do Hội đồng Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao tặng vào năm 1971.
Tuy nhiên, Piketty đã bác bỏ lý thuyết vốn rất thịnh hành của Kuznets khi ông cho rằng lựa chọn số liệu trong vòng 30 năm để tìm hiểu mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng mà Kuznets đã làm là chưa đủ bằng chứng để khẳng định một lý thuyết trong dài hạn. Với số liệu thu thập trong cả thế kỷ, Piketty đã cho thấy trong dài hạn bất bình đẳng không hề giảm đi như lý thuyết của Kuznets. Đây thực sự là một thách thức rất đáng được chú ý mà Piketty đưa ra cho giới kinh tế học trong chủ đề tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng.
Bất bình đẳng gia tăng sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm xói mòn động cơ phát minh, đổi mới công nghệ, gây ra sự chênh lệch về mức sống giữa các giai tầng trong xã hội.
Bên cạnh đó, Piketty cũng đưa ra các giải pháp để làm giảm tình trạng bất bình đẳng. Tác giả cho rằng các chính phủ cần đồng loạt đánh thuế lên tư bản để giảm bất bình đẳng. Đây là điểm gây ra nhiều tranh cãi của cuốn sách cho các học giả trên thế giới vì tính khả thi của giải pháp này.
“Tư bản trong Thế kỷ 21” của Thomas Piketty là một quyển sách dành được nhiều sự quan tâm lớn của giới học thuật trong lĩnh vực kinh tế học nói chung và khoa học xã hội nói riêng bởi vì nó đã tập trung vào một trong những chủ đề “nóng” hiện nay là bất bình đẳng. Hơn thế nữa, cách tiếp cận dựa trên các bằng chứng thực nghiệm được rút ra từ dữ liệu theo một chuỗi thời gian dài đã làm cho các lập luận của Piketty vững chắc và được đánh giá rất cao, điều mà nhiều quyển sách tương tự trong cùng chủ đề không làm được.
Kết luận của tác giả khi cho rằng bất bình đẳng sẽ càng gia tăng hơn nữa trong thế kỷ 21 do tỷ lệ tang tài sản của tư bản lớn hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thực sự nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà kinh tế học, các nhà khoa học xã hội, và cả các nhà hoạch định chính sách.
Thái Diệp