Cơ duyên đưa Nguyễn Hoàng Lĩnh (25 tuổi) đến với các loài bò sát có lẽ là từ việc anh được thực tập ở một cơ quan nghiên cứu sinh thái và bảo tồn động vật hoang dã.
Tại đây, anh được tiếp xúc và làm việc với nhiều loài bò sát khác nhau. Dần dần, niềm đam mê và tình yêu mà Hoàng Lĩnh dành cho giống loài này càng lớn. Đối với anh, việc tìm hiểu về bò sát không đơn giản là sở thích bột phát, mà là sự nghiêm túc tìm hiểu một cách khoa học, dưới sự cố vấn, hướng dẫn và giúp đỡ từ những người có chuyên môn.
Chia sẻ cùng PV Dân trí, anh Lĩnh cho biết: "Mình có rất nhiều kỷ niệm với bò sát nhưng hầu hết các kỉ niệm ấn tượng của mình đều liên quan tới các cá thể đã tái thả về tự nhiên.
Tất nhiên việc tái thả sẽ nằm dưới sự giám sát của người có chuyên môn, có quyền hạn chứ mình không thực hiện tự phát. Mỗi cá thể đều có tình trạng, tính cách, và câu chuyện riêng của chúng".
Hiện tại, công việc chủ yếu của anh là bảo quản, phân tích, thu thập số liệu từ các mẫu vật bò sát nói chung và rắn nói riêng. Hỗ trợ các dự án nghiên cứu về đa dạng sinh học, phân bố và định danh các loài rắn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, anh còn tham gia các tổ chức cộng đồng quốc tế, chia sẻ thông tin khoa học về bò sát lưỡng cư như Reptiles and Amphibians of Southeast Asia. Không chỉ vậy, anh còn tham gia cứu trợ rắn tại các khu dân cư và các cá thể hoang dã bị săn bắt, thương tật trước khi tái thả về tự nhiên.
Quan điểm của chàng trai này là bò sát không có khái niệm "thuần phục". Hoàng Lĩnh nghĩ rằng, để thuần hóa chó mèo từ hoang dã thành vật nuôi giúp ích cho cuộc sống con người, tổ tiên chúng ta đã mất hàng thế kỷ. Hiện tại chúng ta không có lý do gì để "thuần hóa" bò sát chỉ vì mục đích nuôi cảnh.
Hiện tại, tuy có nuôi tắc kè và rắn săn chuột như một phần của sở thích cá nhân nhưng Hoàng Lĩnh nhấn mạnh rằng anh không bao giờ khuyến khích, tuyên truyền hay cổ súy hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã và các hành vi nguy hiểm khác.
Chàng trai 9x chia sẻ: "Với mình, việc nghiên cứu bò sát là việc nghiêm túc và mình đã từng xem đây là sự nghiệp mà mình theo đuổi.
Nhờ được học hỏi từ những người có chuyên môn mà mình biết phải đối xử với bò sát nói chung và rắn độc nói riêng, với kĩ thuật và quy tắc luôn luôn cẩn trọng và luôn luôn tôn trọng.
Mình mong là mọi người đều hiểu việc này. Thực tế, những người làm việc với bò sát lâu năm đều hiểu và đều rất cẩn thận với chúng".
Theo Hoàng Lĩnh, anh luôn chăm sóc những loài động vật này bằng sự thận trọng và tôn trọng. Thận trọng là phải luôn cảnh giác, vì chúng không được sinh ra để chúng ta ôm ấp, nựng nịu.
Dù có làm quen với lối tương tác và chăm sóc từ người nuôi, thể hiện sự bình tĩnh nhẹ nhàng đi chăng nữa, chúng vẫn là động vật còn bản năng hoang dã.
Còn tôn trọng nghĩa là phải tôn trọng các tập tính của chúng, từ việc không muốn bị làm phiền, không muốn tương tác, không ở môi trường khiến chúng căng thẳng. Tuyệt đối không cố gắng thay đổi hay bắt ép chúng phản ứng theo yêu cầu của mình.
Có lẽ chính vì sự nghiêm túc và chuyên nghiệp cùng với những kiến thức vững chắc về bò sát mà Hoàng Lĩnh chưa từng bị những động vật mình nuôi hoặc mình làm việc cùng tấn công và làm tổn thương.
Có lẽ với nhiều người, việc nuôi những loài động vật hoang dã như các loài bò sát chỉ để thỏa mãn đam mê, niềm yêu thích, hoặc thậm chí còn có người chỉ nuôi để bắt kịp trào lưu.
Nhưng đối với Hoàng Lĩnh thì hoàn toàn khác, dường như anh chàng này mang theo một sứ mệnh vô hình khi tiếp xúc với các loài bò sát. Sứ mệnh nghiên cứu và bảo vệ chúng cũng như lan tỏa đến mọi người những kiến thức hay và đúng đắn về giống loài này.
Nguồn Dân trí