Đi đến đâu, Phạm Công Luật (ngồi giữa) nhặt rác đến đó và vận động người trẻ tham gia - NVCC
Rơi vào trầm cảm cách đây 3 năm, sau khi vượt qua, Luật bắt đầu có những thay đổi trong tính cách và suy nghĩ. Từng là chuyên viên tư vấn du lịch nhưng Luật quyết định từ bỏ công việc để bắt đầu hành trình đạp xe xuyên Việt. Với anh, sống có giá trị là được phục vụ cho cộng đồng và hành động vì môi trường.
Hành trình bắt đầu từ ngày 3.7, đến nay chặng đường ấy đạt được gần 900 km. Luật chia sẻ: “Trong suốt hành trình, tôi chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Tôi luôn nghĩ mình sẽ đi được bao lâu, bao xa và quyết tâm đi cho bằng được. Đi càng xa, gặp càng nhiều người, tôi càng thấy quyết định của mình là đúng”.
Ban đầu, Luật đạp xe để gom rác nhưng dần anh thay đổi tư duy theo hướng hỗ trợ cộng đồng, bảo vệ môi trường, lên tiếng kêu gọi mọi người đồng hành cùng những người khó khăn. Đó là mục đích sống hiện tại của Luật.
“Tôi biết thế nào là đủ cho mình. Tôi tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc từ cộng đồng. Tôi muốn sống để làm gì đó cho cộng đồng nhiều hơn là xây dựng hạnh phúc riêng cho cá nhân”, Luật tâm sự.
Dọc đường đi, chỗ nào có rác thì Luật dừng lại để dọn. Chịu ảnh hưởng của lối sống tối giản, Luật biết “bỏ” nhiều hơn, từ của cải vật chất, sự cạnh tranh hay mưu mô, tính toán… Sống “đủ” sẽ giúp tâm tính được bình an, nâng cao chất lượng cuộc sống về tinh thần và cả vật chất.
“Nhiều người không quen biết đã dừng lại để giúp đỡ tôi. Họ cho tôi chai nước, mời bữa cơm hay động viên tôi một câu. Trên hành trình này, tôi muốn chứng minh một điều là xã hội còn rất nhiều người tốt. Chỉ cần mình dám làm thì sẽ nhận được sự đồng hành từ mọi người”, Luật nói.
Đi đến đâu, Luật (mặc áo đen) nhặt rác đến đó và vận động người trẻ tham gia NVCC |
Khi quê nhà bị ngập lụt nặng nề, Luật bắt xe từ Quy Nhơn (Bình Định) đến Quảng Trị để hỗ trợ người dân. Hai tuần ăn ngủ với bà con vùng lũ, sáng cùng các tình nguyện viên phân phát lương thực, quần áo, chiều về kêu gọi quyên góp. Hiện tài khoản của anh đã nhận được hơn 350 triệu đồng từ hơn 800 người.
“Là một trong những nhóm cứu trợ đầu tiên, tôi xác định mình chỉ tham gia cứu đói, cứu trợ chứ không thể cứu nạn. Nếu không đảm bảo được an toàn cho bản thân, mình không thể giúp được người dân. Ngược lại, mình trở thành gánh nặng cho họ”, Luật nói. Lương thực, thuốc men, áo phao... được Luật đặt mua từ Đà Nẵng rồi chuyển vào. Hàng cứu trợ của các nhóm thiện nguyện khác gửi tặng được Luật đóng gói, phân chia cẩn thận.
Không chỉ hỗ trợ người dân vùng lũ, Luật còn quan tâm đến cuộc sống của người đồng bào. Anh chia sẻ: “Sau khi bão tan, tôi sẽ lên vùng núi cao để hỗ trợ người dân. Họ đa số là người đồng bào dân tộc thiếu ăn, thiếu mặc nên rất cần mình. Còn khi hành trình xuyên Việt kết thúc, tôi sẽ về lại TP.HCM tổ chức một cộng đồng riêng để hành động bảo vệ môi trường. Trồng cây, gom rác, giúp đỡ người khó khăn... đến khi nào tôi thấy “đủ”. Sau đó, tôi sẽ chinh phục Đông Nam Á bằng chiếc xe đạp cũ của mình”.
Hiện tại và tương lai, Luật đều hướng đến mục đích duy nhất là hỗ trợ cộng đồng, song song đó là bảo vệ môi trường.
Nguồn Thanhnien