Hiện nay, sau gần 1 năm khởi nghiệp, cơ ngơi của chàng trai sinh năm 1997 này là khu trang trại rộng 30hecta với tổng giá trị gần 500 triệu đồng.
Ngoài diện tích trồng cao su, nuôi ong, Dũng tập trung chủ yếu vào làm trang trại với đàn lợn rừng gần 20 con, gà vịt siêu trứng, thả cá và gần 100 gốc cây ăn quả các loại như vải thiều, bưởi Phúc Trạch, cam….
Thua “trắng tay” khi vừa khởi nghiệp
Một ngày làm việc của Dũng bắt đầu khi tờ mờ sáng. Như một chiếc máy, vừa đặt chân xuống giường, công việc quen thuộc của Dũng là dạo quanh một vòng khi trang trại của mình và bắt đầu làm thức ăn cho các chuồng trại.
Với kỳ vọng trang trại mình sẽ là nguồn cung cấp thực phẩm sạch cho các khu sinh thái, nhà hàng, nên thức ăn cho lợn, gà vịt, cá được Dũng chọn lọc rất kỹ lưỡng. Dù đang trong giai đoạn phát triển nhưng trang trại của Dũng đã nhận được nhiều đơn hàng trong năm nay.
Sinh ra ở vùng quê nghèo xã Tân Lâm Hương, từ nhỏ Dũng đã sớm tự lập khi mẹ đi làm ăn xa. Lớn lên cùng cái nghèo nên ước mơ làm giàu đã sớm hình thành trong Nguyễn Văn Dũng. Khi đang theo học một trường Nông nghiệp, Dũng quyết được nghỉ học nửa chừng do bế tắc trong định hướng nghề nghiệp.
Rời ghế nhà trường, Dũng về quê, đi xuất khẩu lao động với mong muốn kiếm nguồn vốn để khởi nghiệp ngay trên chính quê hương. Sau 2 năm cùng với một số vốn đi xuất khẩu lao động và vay mượn, Dũng quyết định tự mình khởi nghiệp.
“Khi biết dự định của mình, mẹ em cương quyết phản đối vì thấy mình còn nhỏ quá. Trong khi nhiều người có kinh nghiệm nhưng vẫn thất bại. Phải mất một thời gian thuyết phục mẹ mới đồng ý ”.
Được sự ủng hộ của gia đình, Dũng đã chạy xe máy gần 400km để tìm đến nhiều mô hình nuôi lợn rừng hiệu quả để học hỏi. Với nguồn vốn đầu tư 200 triệu đồng, Dũng mạnh dạn đầu tư 50 con lợn rừng vừa phối giống và lấy thịt ngay tại chuồng trại trong gia đình.
Sau nhiều tháng dày công cải tạo, nuôi trồng, lứa lợn đầu tiên cho thu nhập đạt 70 triệu đồng, đó là động lực thôi thúc giúp Dũng càng chăm chỉ, cố gắng phấn đấu hơn nữa.
Tuy nhiên, đến khoảng tháng 1/2020, dịch tả Châu Phi đã làm chết sạch cả đàn lợn của chàng trai 23 tuổi này. Toàn bộ vốn liếng, hoài bão của Dũng cũng tiêu tan trong chốc lát. Phải mất gần 1 tháng Dũng mới vực được tinh thần của mình.
“Cú ngã đầu tiên khởi nghiệp khiến em rất hụt hẫng. Chính gia đình đã động viên để em bước qua cú sốc đó. Bản thân mình đã hứa với bố mẹ sẽ theo đuổi đến cùng nên mình nghĩ cần phải có trách nhiệm với lời hứa ấy”, Dũng tâm sự.
Khởi nghiệp từ thất bại
Sau cú thất bại đầu tiên, Dũng đổi hướng lên núi để làm trang trại, vừa phòng ngừa dịch bệnh và mở rộng quy mô chăn nuôi.
Dũng tiếp tục vay mượn thêm gần 300 triệu đầu thuê lại gần 30 hecta vườn đồi tại xã Nam Điền (huyện Thạch Hà). Với một chàng trai vừa ngoài 20 tuổi lại sinh sống ở ven đô, việc lên vùng núi hoang sơ, đường đất gập ghềnh, khó đi, sóng điện thoại gần như không có để xây dựng trang trại là điều không dễ dàng.
Dũng tâm sự: “Thuở đầu lên khai hoang, đất đồi còn hoang vu, đất khô cằn, nguồn vốn và kỹ thuật đều hạn chế. May mắn em luôn nhận được sự động viên từ gia đình và sự hỗ trợ của Huyện đoàn, Đoàn thanh niên xã Tân Lâm Hương để xây dựng mô hình”, Dũng chia sẻ.
Rút kinh nghiệm từ thất bại, Dũng quyết định đầu tư theo hình thức lấy “ngắn nuôi dài”, thận trọng trong việc tìm nguồn thức ăn, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh sống.
“Thức ăn cho vật nuôi mình sử dụng từ nguồn hữu cơ sạch, các nguồn thức ăn chất lượng dù giá thành cao hơn. Để trang bị những kiến thức, em thường đọc nhiều tài liệu sách vở và làm quen với những người có thâm niên làm trang trải học hỏi thêm.
Ngoài ra, theo dõi thông tin qua phương tiện truyền thông giúp em nắm bắt được tình hình dịch bệnh để phòng ngừa”, Dũng cho hay.
Từ số vốn vay, Dũng đã đầu tư sửa sang lại cơ sở hạ tầng, xây dựng chuồng trại, ao hồ, đầu tư con giống tiếp tục chăn nuôi.
Hiện trang trại đã bước đầu cho nguồn thu nhập ổn định, với đàn lợn rừng 20 con, gần 1.000 con gà, vịt siêu trứng, 10.000 cá giống các loại như: trắm, trôi, gáy… Ngoài ra, Dũng trồng thêm nhiều giống cây ăn quả như vải thiều, mít, cam, bưởi...
Trong thời gian tới, Dũng dự định sẽ tăng đàn lợn và nuôi thêm bò cỏ, dê nhằm làm đầu mối cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho các khu sinh thái, nhà hàng.
Nhận xét về con đường khởi nghiệp của chàng trai sinh năm 1997, anh Nguyễn Mậu Thế (Bí thư Đoàn xã Tân Lâm Hương) bày tỏ sự khâm phục: "Trong khi nhiều bạn trẻ đồng trang lứa còn loay hoay thì Dũng đã tự tạo được con đường khởi nghiệp của mình.
Để có kết quả này, bản thân Dũng đã không ngại khó, ngại khổ quyết tâm theo đuổi đam mê, khao khát làm giàu trên quê hương mình”.
Dũng cảm bước qua "vùng an toàn" của bản thân, dũng cảm vượt qua những khó khăn gặp phải của hiện tại, chàng trai Nguyễn Văn Dũng hiện đang có cuộc sống thú vị, hàng ngày chăm sóc trang trại, tạo nguồn thu nhập từ chính niềm đam mê của mình.
Nguồn Dân trí