Sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố khai mạc phiên Thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã có 7 diễn giả chính được mời phát biểu: Đó là Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Bộ trưởng Ngoại giao Brunei Darussalam Dato Erywan Pehin Yusof, Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheith... Cùng với đó là 15 bài phát biểu quan trọng khác của đại diện các quốc gia.
Phát biểu tại Phiên thảo luận mở Cấp cao, Tổng Thư ký LHQ và lãnh đạo các nước thành viên HĐBA đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức sự kiện quan trọng này, khẳng định ủng hộ tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, cũng như giữa các tổ chức khu vực với nhau để ngăn ngừa, giải quyết xung đột nhất là thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin và đối thoại, đồng thời cho rằng cần tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức khu vực, tạo sự kết nối hiệu quả hơn giữa LHQ và các tổ chức khu vực.
Tại Phiên thảo luận mở cấp cao, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định: Hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ gần đây. Ngày hôm nay, sự hợp tác này đã hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề như khủng bố, góp phần gìn giữ và xây dựng hòa bình, chống biến đổi khí hậu và dịch bệnh Covid-19.
"Tôi xin nhấn mạnh rằng, những khó khăn, thử thách hiện đang diễn ra trên thế giới, bao gồm cả các vấn đề do dịch bệnh Covid-19 gây ra chỉ có thể giải quyết được khi các nước cùng đồng lòng chung tay hợp tác", ông Antonio Guterres nói.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh trong tương lai, việc tăng cường đối thoại và lòng tin để giải quyết các thách thức chung sẽ tiếp tục là trọng tâm trong hợp tác toàn cầu. Ông Guterres cũng đánh giá cao sự hợp tác giữa LHQ và ASEAN, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực nhằm ngăn chặn xung đột và kiến tạo hòa bình.
Trong phát biểu của mình, Nguyên Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon nhận định: cộng đồng quốc tế đang gặp phải nhiều thách thức lớn. Đó là chiến tranh, xung đột, đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Theo ông Ban Ki Moon, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta cần đưa ra các giải pháp đa phương cho những vấn đề mà thế giới đang đối mặt. Khi các xung đột tiếp tục nổi lên và diễn biến phức tạp, không một quốc gia nào, một tổ chức nào kể cả LHQ có thể đơn phương đối phó mà hợp tác chính là “chìa khóa” để ngăn ngừa và giải quyết xung đột cũng như các thách thức đặt ra.
"Tôi tin rằng cuộc họp hôm nay diễn ra vô cùng đúng thời điểm, để LHQ và các đối tác trong khu vực có thể hợp tác và đưa ra các hành động quyết đoán, nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực đang diễn ra ở Myanmar. Nhiệm vụ phía trước rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của tập thể, có sự phối hợp của LHQ, ASEAN và các tổ chức khu vực để ngăn chặn, khôi phục lại nền hòa bình, dân chủ ở quốc gia này", Nguyên Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon bày tỏ.
Ở một góc nhìn khác, Thủ tướng Saint Vincent và Grenadines, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.Jaikhankar, Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Coveney nêu bật những khó khăn mà các quốc gia đang đối mặt hiện nay, đặc biệt là những thách thức về thiên tai, dịch bệnh, đòi hỏi một cơ chế hợp tác thực chất hơn, hiệu quả hơn và chia sẻ thông tin lẫn nhau. Trong đó, yếu tố con người phải được coi là trung tâm.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Vương Nghị cho biết: “Tôi cho rằng hợp tác đa phương sẽ giúp chúng ta đối phó và ngăn chặn hiệu quả đại dịch COVID19 và các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống. Tôi chia sẻ quan điểm, chúng ta cần duy trì hòa bình dựa trên cơ sở thúc đẩy hợp tác rộng mở, loại bỏ sự khác biệt về các hệ giá trị”.
Cũng tại Phiên thảo luận mở Cấp cao, đại diện của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu ông Charles Michel và Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheith nêu bật thông điệp “chỉ có hợp tác giữa các khu vực, các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các châu lục mới có thể thúc đẩy lòng tin và đối thoại”.
Trong bối cảnh đó, LHQ và các tổ chức trong khu vực ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế.
Cũng tại Phiên thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì thông qua Tuyên bố Chủ tịch của HĐBA do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định sự gắn kết giữa LHQ/HĐBA và các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột với xây dựng lòng tin và đối thoại là những thành tố thiết yếu.
Tuyên bố kêu gọi bảo đảm sự gắn kết và bổ trợ của các nỗ lực hợp tác; kêu gọi các tổ chức khu vực phát huy vai trò hỗ trợ, đưa ra khuyến nghị về ngăn ngừa, giải quyết xung đột cho các quốc gia thành viên phù hợp với Hiến chương LHQ và các thỏa thuận liên quan và đề nghị Tổng Thư ký LHQ đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin và đối thoại trong thời gian tới./.
Hồ Điệp, Thu Hà, Anh Thư/VOV1