Hòa hợp dân tộc trong lịch sử
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, xuất phát từ những điều kiện lịch sử khác nhau, cha ông chúng ta đã tiến hành rất nhiều biện pháp để thực thi chính sách hòa hợp dân tộc, bao gồm cả cứng rắn lẫn mềm dẻo trong đối nội và đối ngoại để từ đó tạo nên sức mạnh dân tộc, giúp nhân dân được hưởng thái bình mà vẫn giữ vững chủ quyền, bờ cõi nước nhà.
Khởi thủy, huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ với bọc trăm trứng đã nói lên mối quan hệ gần gũi, truyền thống đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Tiếp đến, trải qua các đời vua Hùng rồi tới Thục Phán, Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và sau này là các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê, Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn..., chính sách hòa hợp dân tộc luôn được củng cố và thực thi. Đó là sự đoàn kết trên dưới một lòng: “Dựng gậy làm cờ, tụ hội bốn phương manh lệ/Hòa rượu mời lính, dưới trên một dạ cha con” (Bình Ngô Đại cáo); là sự gắn kết, tập hợp lực lượng từ các thành phần dân tộc: “tranh thủ các tù trưởng và thủ lĩnh, để thông qua đó thắt chặt khối đoàn kết dân tộc”[1]; là tinh thần biết chia sẻ trước những khốn khó của người dân: “phàm quân đi đến châu huyện nào, không được xâm phạm một tý gì, không phải trâu thóc của ngụy quan, dù đói cũng không được lấy”[2]; là tinh thần thứ tha, thu phục nhân tâm như trong câu chuyện Vua Lý Thái Tông không chỉ tha tội mà còn phục chức cho các vương làm loạn trong loạn tam vương; là tinh thần nhân nghĩa: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo” và nhân đạo, thương xót với cả quân xâm lược: “Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng/Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh” (Bình Ngô Đại cáo)...
Dân tộc Việt Nam là một chỉnh thể thống nhất không thể tách rời
Bước tiến mới của Đảng ta về chính sách hòa hợp dân tộc
Chính sách hòa hợp dân tộc từ lịch sử cha ông là di sản, chứa đựng những bài học kinh nghiệm cả về thực tiễn và lý luận. Gắn với quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những bước tiến mới, mang giá trị nhân văn trong việc thực thi chính sách hòa hợp dân tộc.
Thứ nhất, luôn dung hòa được các mối quan hệ giữa các dân tộc, tôn giáo với nhau. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các dân tộc ở Việt Nam đều bình đẳng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội... trong đó, đồng bào thiểu số luôn được bảo đảm về quyền và sự hỗ trợ; các tôn giáo luôn được tôn trọng, bình đẳng, không bị phân biệt đối xử, được Nhà nước bảo hộ hoạt động bằng pháp luậtvàkhông có sự mâu thuẫn hoặc xung đột. Đặc biệt, trong các lễ hội của các dân tộc và các tôn giáo, ngoài sự hiện diện của người dân sở tại, của các tín đồ còn có rất nhiều người dân, thậm chí là tín đồ của các tôn giáo khác cũng đến xem lễ, thăm quan, du lịch, tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng… Đây là một đặc trưng rất riêng trong sinh hoạt văn hóa của Việt Nam gắn với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cùng tinh thần đoàn kết, yêu chuộng hòa bình của Nhân dân.
Thứ hai, luôn sẵn sàng thực hiện thiện chí hòa hợp dân tộc. Trong quá trình lãnh đạo đất nước, thiện chí chí hòa hợp dân tộc của Đảng được thể hiện ở tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Điều này được thể hiện trong nội dung các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và các Hội nghị Trung ương, từ đó được cụ thể hoá thông qua việc ban hành các chính sách, luật pháp của Nhà nước; đó còn là sự chủ động chào đón những kiều bào (từng làm việc cho chế độ cũ, từng rời bỏ đất nước...) trở về trong hòa bình; là sự đổi mới trong cách tiếp cận, nhìn nhận, đánh giá về các sự kiện lịch sử... Chính nhờ các chính sách tốt đẹp, hệ thống luật pháp nghiêm minh cùng những đổi mới trong lý luận, thực tiễn của Đảng và Nhà nước về hòa hợp dân tộc đã giúp cho kiều bào yên tâm quay trở về chung sức xây dựng quê hương.
Thứ ba, mở rộng phạm vi hòa hợp, hòa giải dân tộc ở tầm quốc tế. Ở góc độ giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta đã có những việc làm thiết thực và nhân vănnhư: Hỗ trợ người bị nạn ở một số quốc gia bị thiệt hại do thiên tai; khuyến cáo và có những hành động kịp thời để bảo hộ công dân tránh khỏi những tổn thất về người và tài sản trước những xung đột, biểu tình, đảo chính ở một số nước, khu vực (Thái Lan, Myanmar, Pháp, Mỹ, Israel-Palestine, Ukraine…); xây dựng các chương trình “Xuân Quê hương”, “Trại hè dành cho thanh thiếu niên người Việt ở nước ngoài”… giúp cho nhiều người, nhất là thế hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài hiểu nhiều hơn về đất nước.
Đoàn kết, hoà hợp dân tộc là động lực, sức mạnh to lớn để phát triển đất nước
Trong tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã có những việc làm thiết thực được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao. Tại cuộc họp khẩn lần thứ hai của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về tình hình xung đột giữa Israel và Palestine, phái đoàn Việt Nam tại Liên hiệp quốc đã “kêu gọi các bên giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn và lợi ích hợp pháp của người dân, không tấn công vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân”[3]. Tương tự, về tình hình Bosnia và Herzegovina, đại diện phái đoàn Việt Nam cũng kêu gọi thúc đẩy xây dựng lòng tin, đối thoại nhằm vượt qua khác biệt và nỗ lực hòa giải dân tộc cho Bosnia và Herzegovina. Và, mới đây nhất, tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về Ukraine, đại diện Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật quốc tế. Đồng thời, nhấn mạnh cần bảo đảm an ninh, an toàn của người dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế và đề nghị cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho dân thường. Hơn nữa, Việt Nam đề nghị các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống ở Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán các công dân Việt Nam đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, là một một quốc gia chủ động và có trách nhiệm tích cực trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế, từ năm 2019 đến nay, các Bệnh viện dã chiến cấp 2 đã lần lượt thực thi nhiệm vụ ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi để thực thi các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình...
Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng cũng như thực tiễn xây dựng đất nước, những bước tiến mới về chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng ta đã góp phần phản ánh rõ ràng và đúng đắn về bản chất của một chính đảng luôn “gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.
Sỹ Bùi