Tên sách: Chính Thể Đại Diện
Tác Giả: John Stuart Mill
Năm Xuất Bản: 2013
Số Trang: 504
Nhà Xuất bản: NXB Tri Thức
Tác phẩm Chính Thể Đại Diện từ thời Minh Trị đã được người Nhật dịch sang tiếng Nhật với nhan đề Chính thể đại nghị. Các dịch giả đã không dùng cách chuyển ngữ này vì e ngại độc giả hiểu lầm chủ đề của tác phẩm chỉ giới hạn thảo luận về loại chính thể có hình thức nghị viện nhất định. Nhưng trong suy tưởng của Mill thì “chính thể lý tưởng tốt nhất là hình thức chính thể trong đó chủ quyền, hay quyền kiểm soát tối cao như một phương sách cuối cùng, được trao cho toàn thể khối tập hợp cộng đồng; mỗi một công dân không chỉ có tiếng nói trong việc vận dụng chủ quyền cơ bản ấy, mà còn ít nhất cũng thỉnh thoảng được yêu cầu tham gia thực sự vào việc cai trị bằng cách đích thân thực hiện một chức năng nào đó, mang tính địa phương hay tổng quát.” Ông có viết: “Người ta phán xét chính thể thông qua tác động của nó lên con người, tác động của nó lên những sự việc, thông qua việc nó tạo nên các công dân như thế nào và nó làm gì với họ; xu thế của nó là cải tiến hay làm hư hỏng bản thân dân chúng, tính tốt xấu của việc làm mà nó thực hiện cho họ và thông qua họ.”
Như vậy, chúng ta có thể thấy, Mill không có ý đề ra một khuôn mẫu hình thức cứng nhắc nào để đạt được chính thể lý tưởng mà luôn ý thức rõ ràng rằng: Mỗi dân tộc phải tự tìm cho mình một kiểu cách tổ chức các thiết chế, sao cho thích hợp nhất với các đặc điểm cũng như trình độ tiến bộ của dân chúng. Có thể nêu ra một số điểm quan trọng trong nội dung tác phẩm như sau:
- Tình trạng của dân chúng quyết định sự thành bại của chính thể: Mill lưu ý rằng các thiết chế chính trị là sản phẩm của con người, có nguồn gốc và toàn thể sự tồn tại nhờ cậy vào ý chí con người, chúng có vận hành được hay không là tùy thuộc vào dân chúng...
- Chức năng của các bộ phận quyền lực hợp thành chính thể đại diện.
+ Quyền lực kiểm soát tối thượng thuộc về nhân dân thông qua các đại diện: Trong suy tưởng của ông ý nghĩa của Chính thể đại diện là ở chỗ “toàn thể dân chúng hay một phần đông đảo nào đó của nó, thực thi quyền lực kiểm soát tối thượng thông qua các đại diện được họ bầu lên theo định kỳ; cái quyền lực ấy phải tồn tại ở đâu đó trong mọi hiến pháp...”
+ Hoạt động của bộ phận hành pháp: Mill cho rằng cách thức phân chia các ban ngành như thế nào cho tiện lợi là tùy thuộc tình hình cụ thể của mỗi quốc gia, nhưng cần phải tuân thủ một số quy tắc hoạt động để đảm bảo hiệu quả cho công việc. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân trách nhiệm rõ ràng; ông khuyên “không nên có nhiều ban bệ độc lập với nhau để giám sát những bộ phận khác nhau của cùng một toàn thể tự nhiên…”
+ Hoạt động của cơ quan đại diện địa phương: Mill cho rằng chỉ dựa trên nguyên tắc phân công lao động cũng đủ thấy rõ có vô số những trách nhiệm đa dạng phải chia sẻ giữa chính quyền trung ương và địa phương. Ông nhấn mạnh: “Không chỉ đòi hỏi phải phân chia riêng rẽ các viên chức hành pháp (một mức độ phân chia tồn tại dưới mọi chính thể), mà ngay cả sự kiểm soát nhân dân đối với các viên chức ấy cũng chỉ có thể thực thi có lợi thông qua một cơ quan riêng rẽ...”
- Một số chủ đề liên quan đến đặc thù của nước Anh thế kỷ XIX.
Thông tin tác giả:
John Stuart Mill (20/5/1806– 8/5/1873) là một nhà triết học và nhà kinh tế chính trị học người Anh. Ông là một triết gia theo đường lối tự do có ảnh hưởng lớn của thế kỉ 19. Ông là người tán thành thuyết vị lợi, học thuyết đạo đức do Jeremy Bentham đưa ra lần đầu tiên.
Ông là một nhân vật mẫu mực cho những người tự do và dân chủ xã hội ở Anh quốc trong hơn 150 năm. Trong cuốn tiểu sử mới của Mill, Richard Reeves cho rằng ảnh hưởng của ông đến hệ tư tưởng thế kỷ XXI thậm chí sẽ còn nhiều hơn những tác động về mặt tư tưởng của ông trong cuộc tranh đấu vô cùng cam go chi phối toàn bộ đời sống thế giới nửa cuối thế kỷ XX giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Dự báo này có cơ sở của nó. Mill là một trong những bậc thầy vĩ đại được Thủ tướng Anh Gordon Brown tôn vinh trong diễn văn của ông về sự tự do ở Anh quốc và các nghiên cứu về Mill vẫn tiếp tục được mở rộng.
Theo fahasa