Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trong 7 tháng năm 2021, vận tải hành khách bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, khi giảm 9,67% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1.917,8 triệu lượt khách; luân chuyển hành khách đạt 80,6 tỷ HK.km, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, hàng không giảm 32,3%, đường sắt giảm 52,3% so với cùng kỳ 2020. Trái ngược với vận tải hành khách, vận tải hàng hoá trong 7 tháng tăng 3,1%, luân chuyển hàng hoá cũng tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng lưu ý, lưu lượng vận tải hàng hoá tăng ở mọi loại hình vận chuyển, trong đó, hàng hải tăng 8,3%, đường bộ tăng 1,7%, đường thủy nội địa tăng 7,4% so với cùng kỳ 2020.
Cùng với nỗ lực vận chuyển hàng hoá và hành khách được đánh giá cao, giải ngân vốn đầu tư công cũng là điểm sáng của ngành GTVT trong nửa đầu năm 20201. Theo báo cáo của Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, 7 tháng, ngành GTVT giải ngân 19.093 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch đã phân bổ và đạt 44,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ GTVT là đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn so với mức bình quân chung cả nước (28,6%).
Cũng theo ông Huy, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác xây dựng cả 5 quy hoạch và trình lên cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; phối hợp với các tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 6 dự án quan trọng quốc gia; đối với 2 dự án chuyển đổi đầu tư công là Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu đã hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công và đã triển khai thi công trên hiện trường cũng là những kết quả khả quan các đơn vị thuộc Bộ đạt được.
Ngành GTVT chủ động lên kịch bản tổ chức giao thông kịp thời ứng phó những diễn biến của dịch bệnh |
Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của Bộ trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thế vẫn đặc biệt lưu ý, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên khắp mọi miền, công tác vận tải phục vụ phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu và nhu cầu của nhân dân phải kịp thời. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chuyên ngành thuộc Bộ phải chủ động lên kịch bản, phương án tổ chức giao thông để kịp thời ứng phó những diễn biến của dịch bệnh; thường xuyên trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để rút kinh nghiệm những phát sinh, vướng mắc từ thực tế để thống nhất quan điểm, cách làm, triển khai một cách đồng bộ với mục tiêu đảm bảo hoạt động giao thông vận tải, đặc biệt là vận tải hàng hóa thông suốt, thuận tiện và phù hợp với nguyên tắc phòng chống dịch. Tiếp tục cập nhật, kịp thời đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Về các nhiệm vụ trọng tâm khác trong tháng 8, người đứng đầu ngành GTVT cũng nêu rõ: Chuẩn bị bước vào mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thi công và tiến độ các dự án, trong đó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công. Yêu cầu các ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải hết sức nghiêm túc trong việc phòng chống dịch, xây dựng phương án 3 tại chỗ cho cán bộ, công nhân công trường; bổ sung các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ các công trình, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm quốc gia. Vụ Kế hoạch đầu tư thường xuyên rà soát, kiểm điểm các dự án giải ngân chậm, để điều hòa vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn hoặc thiếu vốn; mục tiêu phải hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 63 của Chính phủ.
Hiện nay, Quốc hội khóa XV đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025,b Lãnh đạo Bộ đã yêu cầu Vụ Kế hoạch đầu tư phải khẩn trương lên kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện, giao Vụ Đối tác công tư phối hợp với các cơ quan liên quan của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 6 dự án quan trọng quốc gia để trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội.