Tên sách: Chủ nghĩa đa phương trên thế giới và đối ngoại đa phương của Việt Nam
Tác Giả: Đặng Đình Quý
Năm Xuất Bản: 2019
Số Trang: 494
Nhà Xuất bản: Chính trị quốc gia Sự thật
Chủ nghĩa đa phương thể hiện hình thức hợp tác rộng và sâu giữa các quốc gia, dựa trên các giá trị gắn kết cốt lõi là sự công bằng, hợp tác tập thể và tác động qua lại mang tính tương hỗ. Chủ nghĩa đa phương là một bộ phận không thể thiếu của hệ thống quốc tế và ngoại giao đương đại.
Tuy nhiên, cục diện thế giới từ nay đến năm 2030 sẽ chứng kiến nhiều biến động nhanh và phức tạp. Sự dịch chuyển quyền lực và cạnh tranh nước lớn, xu hướng chính trị cường quyền, xu thế dân chủ hóa và đa cực hóa đời sống quốc tế, sự nổi lên của các thách thức an ninh phi truyền thống và các nỗ lực đổi mới hoạt động của 1 số diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu đã, đang và sẽ tiếp tục đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho các cơ chế hợp tác, đối ngoại đa phương nói chung và Việt Nam với tư cách thành viên nói riêng.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam luôn chủ trương chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi. Việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế và chủ động, tích cực hơn trong các cơ chế đa phương đã giúp Việt Nam “tái định vị”, bổ sung hoặc hình thành những bản sắc quốc gia mới trong mối quan hệ quốc tế.
Để giúp bạn đọc có thêm tư liệu khi tìm hiểu về chủ nghĩa đa phương thế giới và đối ngoại đa phương Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Chủ nghĩa đa phương trên thế giới và đối ngoại đa phương của Việt Nam.
Thông qua 5 chương nội dung, cuốn sách đã trình bày một bức tranh tổng thể về sự phát triển của cục diện thế giới và khu vực đến năm 2030; xu hướng vận động của các tổ chức và cơ chế đa phương trong cục diện đó. Đồng thời, đi sâu tìm hiểu ngoại giao đa phương của một số quốc gia đại diện cho các nhóm nước lớn, vừa và nhỏ để làm cơ sở thực tiễn, bàn về đối ngoại đa phương của Việt Nam như thực trạng, xu thế, chiều hướng phát triển của các cơ chế, tổ chức đa phương quốc tế và khu vực mà Việt Nam tham gia trong thời gian tới.
Theo nxbctqg