Đó là câu kết trong bài báo "Dân vận" được Chủ tịch Hồ Chí Minnh viết cách đây 75 năm (1949-2024). Tác phẩm “Dân vận” thể hiện những quan điểm, nhận thức mới về vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân; về tầm quan trọng của công tác dân vận và những chỉ dẫn cho toàn Đảng, cho mỗi cán bộ, đảng viên về phương pháp, cách thức dân vận; những yêu cầu phải thực hiện để công tác dân vận phát huy được đông đảo lực lượng nhân dân cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận
Kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tư tưởng của các bậc tiền nhân về “lấy dân làm gốc” vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là lo sức mạnh của dân quyết định; thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước, nước có thể “chở thuyền”, nhưng nước cũng có thể “lật thuyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Nước lấy dân làm gốc…Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[1]. Người cho rằng trong mọi công việc, Đảng, Nhà nước đã xác định “dân làm gốc” thì “đừng có làm điều gì trái ý dân”, “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”[2].
Thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh không chỉ gần dân, hiểu dân, thương dân, mà luôn phát huy sức mạnh vô hạn của quần chúng nhân dân, biến sức mạnh ấy “thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[3]. Vai trò, sức mạnh của nhân dân được Người tổng kết: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”[4].
Giữa lúc bộn bề công việc kháng chiến, với tư tưởng an dân, thương dân, vì dân, xây dựng lực lượng cách mạng của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tác phẩm “Dân vận” chỉ rõ những vấn đề cốt lõi của công tác vận động quần chúng, từ việc giải thích: “Dân vận là gì?”; “Ai phụ trách dân vận?” cho đến “Dân vận phải thế nào?” để đúng và khéo. Những nội dung đó thể hiện rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của công tác dân vận, nhằm mục tiêu động viên tối đa sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đặc biệt trong những thời điểm mang tính bước ngoặt cách mạng, khi “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”[5].
Quan điểm có giá trị cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận
Xuất phát từ mục tiêu xây dựng chế độ xã hội mới, xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, Hồ Chí Minh đòi hỏi Đảng phải đoàn kết, tập hợp hết thảy lực lượng toàn dân tộc, nhằm mang lại quyền lợi cho nhân dân. Người nhấn mạnh, nước ta là nước dân chủ, cho nên:
“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[6].
Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân, kết hợp hài hòa các lợi ích, quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; sự tham gia, đóng góp của mỗi một người dân, dù ở cương vị nào chính là khởi nguồn để làm nên “nhiều người, nhiều của, nhiều tiền” của lực lượng toàn dân. Lời Người dạy thật thấm thía: “Ba thứ ấy, Dân ta đều sẵn có. Dân ta lại sẵn lòng đưa người, đưa của, đưa tiền ra để ủng hộ Đoàn thể và Chính phủ một khi họ hiểu rõ chính sách ấy là rất đúng”[7]. Bởi vậy, công tác dân vận được đặt ở tầm nhiệm vụ chiến lược, phải được cả hệ thống chính trị và mỗi đảng viên, cán bộ chính quyền và đoàn thể tiến hành thường xuyên trong mọi hoàn cảnh, địa bàn, hướng tới mọi tầng lớp nhân dân; tập hợp, tuyên truyền, vận động, khơi lên nguồn sức mạnh toàn dân bằng các phong trào cách mạng thiết thực, để quần chúng nhân dân nâng cao ý thức làm chủ và có điều kiện làm chủ thực sự. Công tác dân vận chính là mạch nối duy trì mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân để thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dạy trong “Sửa đổi lối làm việc”: “Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”[8].
Đi đôi với mục tiêu thực hành dân chủ, để bảo đảm sự nghiệp cách mạng là “của dân, do dân, vì dân”, Người cũng đặt nền móng cho việc định hình phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thông qua việc chỉ rõ những việc phải làm trong bài báo “Dân vận”, đó là: Trước nhất, phải giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng về lợi ích và nhiệm vụ của họ để họ hăng hái làm cho kỳ được; thứ hai, bất kỳ việc gì cũng phải bàn bạc, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương; thứ ba, động viên và tổ chức toàn dân thi hành, đồng hành theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân; thứ tư, khi thi hành xong phải cùng dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.
Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho dân, cho nước. Ảnh: Bác Hồ với bà con nông dân (Ảnh tư liệu)
2. Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận của Đảng hiện nay
Sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo gần 40 năm qua đã mang lại cuộc sống no ấm, hạnh phúc cho nhân dân. Những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, về “lấy dân làm gốc” được Đảng không ngừng vận dụng và phá triển sáng tạo.
Đại hội XIII (2021) của Đảng khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[9]. Lần đầu tiên trong văn kiện, Đảng xác định vị trí trung tâm, vai trò chủ thể của nhân dân trong công cuộc đổi mới.
Tại Đại hội XIII của Đảng, quan điểm “dân là gốc”, “dân là trung tâm” được thể hiện nhất quán, xuyến suốt và bao trùm trong các văn kiện và trên các lĩnh vực. Sau Đại hội, trong bài phát biểu tại Hội nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Đảng và Nhà nước đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”[10].
Giai đoạn phát triển mới của đất nước với các nhiệm vụ lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với việc phát huy mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo trong nhân dân, để tạo nên phong trào rộng lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, trình độ dân trí ngày càng cao, ý thức và vai trò làm chủ của Nhân dân ngày càng được mở rộng, các phương tiện thông tin, mạng xã hội trực tiếp tác động ngày càng đa dạng, đa chiều; các thế lực thù địch, phần tử xấu chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt..., công tác dân vận của Đảng không ngừng đổi mới. Các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, hành động thiết thực gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Công tác dân vận luôn hướng đến sự thiết thực, sáng tạo, hướng đến mục tiêu đồng thuận, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; quan tâm giúp đỡ người yếu thế, khó khăn trong xã hội; đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên nhất là ở vùng sâu, xa, khó khăn, khu công nghiệp tập trung đông công nhân; thực sự là cầu nối vững chắc giữa Đảng với Nhân dân. Ban Dân vận Trung ương và Ban Dân vận các cấp thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là nghị quyết của các Hội nghị Trung ương khóa XIII, các nội dung liên quan đến công tác dân vận, đến Nhân dân.
75 năm qua, những giá trị lý luận và thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Dân vận” vẫn vẹn nguyên ý nghĩa. Vận dụng tư tưởng, phong cách, phương pháp của Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, Đảng luôn đề cao mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân thông qua việc thực hiện tốt chủ trương, chính sách trên tất cả các lĩnh vực. Đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ nhiệm vụ cần phải gìn giữ, phát huy là: “Gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, luôn luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu”[11].
Minh Dương
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr 502.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 63.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 38.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 235.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 278.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.278.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.27-28.
[10] Nguyễn Phú Trọng:“Phát huy truyền thống đại đoàn kết, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Tạp chí Cộng sản số 973, tháng 9/2021, tr 26.
[11] Diễn văn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020). Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, số 1/2020, tr.3-7.