Nhiều tín hiệu tốt từ cuộc đua sản xuất vắc xin Covid-19 thế giới
Cuộc đua sản xuất vắc xin Covid-19 của toàn thế giới đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Sản phẩm của liên doanh Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ) hiện được đánh giá là những ứng cử viên sáng giá, khi các kết quả thử nghiệm cho thấy, hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 của 2 loại vắc xin này lên đến 95%.
Vương quốc Anh - quốc gia đầu tiên cấp phép cho vắc xin Pfizer – BioNTech công bố sẽ tiêm chủng đại trà vắc xin này cho người dân vào ngày 8/12. Mũi 2 tiêm nhắc lại sau 21 ngày kể từ lần tiêm đầu. Đây là chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử Anh.
Hình minh họa: kompas.com |
Tại Mỹ, dự kiến vắc xin của Pfizer-BioNTech có thể được FDA phê duyệt ngay sau ngày 10/12, ngày hội đồng tư vấn vắc xin của FDA nhóm họp. Vắc xin của Moderna cũng sẽ được FDA cấp phép lưu hành trong tháng 12/2020.
Ba hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ American Airlines, United Airlines và Delta Air Lines cho hay đang thử nghiệm các kế hoạch nhằm vạch ra quy trình, thủ tục, thiết bị cần thiết để có thể phân phối vắc xin Covid-19 ra khắp thế giới, trong nhiều điều kiện nhiệt độ đáp ứng các yêu cầu.
Tại Nga, ngày 5/12, nước này đã bắt đầu phân phối vắc xin Covid-19 Sputnik V đến 70 phòng khám ở thủ đô Matxcơva (Moscow), đánh dấu đợt tiêm chủng đại trà đầu tiên để phòng ngừa đại dịch. Vắc xin này của Nga cho thấy hiệu quả tốt trên 98,5% người tham gia tiêm trong các thử nghiệm lâm sàng.
Chưa nên hy vọng quá nhiều vào vắc xin Covid-19
Dù đón nhận nhiều tin khả quan từ tình hình sản xuất vắc xin trên thế giới, theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đối với thực tế tại Việt Nam, chúng ta chưa nên hy vọng quá nhiều vào vắc xin Covid-19.
Bác sĩ Cấp phân tích, trước hết, hiện các loại vắc xin Covid-19 do nước ngoài sản xuất có chi phí rất đắt đỏ. Thậm chí, một số loại có giá lên đến 50-70 USD trên mỗi liều tiêm. “Do đó, để có thể chủng ngừa cho gần 100 triệu người dân Việt Nam sẽ tốn một khoản ngân sách vô cùng lớn”, ông Cấp cho hay.
Thứ hai, bản thân những nước đã sản xuất được vắc xin Covid-19 có kết quả đầy hứa hẹn như Nga, Mỹ, tình hình dịch cũng đang rất phức tạp. Các nước này sẽ phải ưu tiên cung cấp vắc xin Covid-19 cho công dân của nước mình nhiều hơn, so với việc xuất khẩu sang nước khác. Do đó, chúng ta khó có thể nhập được vắc xin Covid-19 sớm.
“Ngay cả trong trường hợp nhập được vắc xin Covid-19 sớm, Việt Nam sẽ vẫn cần một khoảng thời gian kéo dài để có thể chủng ngừa vắc xin cho toàn dân”, bác sĩ Cấp nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - Ảnh: N.Liên |
Cũng theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, vắc xin Covid-19 được nghiên cứu và phát triển hết sức khẩn cấp, bởi vậy dù được đánh giá hiệu quả bảo vệ lên đến 90-95%, chúng ta chưa thể biết thời gian bảo vệ này kéo dài được bao lâu, chưa kể đến việc virus SARS-CoV-2 luôn luôn biến đổi.
“Với tất cả lý do trên, để kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam trong thời điểm hiện tại, phòng bệnh vẫn là yếu tố cốt yếu, quan trọng nhất”, bác sĩ Cấp nhận định.
Chuyên gia này nhấn mạnh thêm: “Tình hình dịch ở Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nhân dân Việt Nam. Nếu người dân tuân thủ tốt, phối hợp tốt với chính quyền, đảm bảo thực hiện các tiêu chí phòng chống dịch do Bộ Y tế đã đưa ra thì hoàn toàn có thể tự tin là chúng ta có thể kiểm soát tốt được tình hình”.
Theo đó, người dân nên thực hiện đúng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt là thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế. Trong đó, cần thực hiện đeo khẩu trang bắt buộc tại các nơi công cộng, các bến xe, siêu thị,… hạn chế tụ tập nơi đông người, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân…
Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 5/12 cho biết 3 nhà sản xuất vắc xin Covid-19 trong nước là IVAC, VABIOTECH, NANOGEN đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vắc xin trên động vật. Riêng NANOGEN đã hoàn thành giai đoạn này và chuẩn bị sẵn sàng để tiến tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người. Ngày 10/12, NANOGEN phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vắc xin Covid-19 của Việt Nam. Hiện tại, chúng ta đang bắt đầu bước vào giai đoạn 3 của quy trình chuẩn trước khi đưa vắc xin ra sử dụng trong cộng đồng. Quy trình này bao gồm 5 giai đoạn: - Giai đoạn 1: Nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn dự tuyển vắc xin. Giai đoạn này được thực hiện hoàn toàn trong phòng thí nghiệm. - Giai đoạn 2: Đánh giá tiền lâm sàng trên động vật. - Giai đoạn 3: Đánh giá lâm sàng qua 3 giai đoạn trên người ở các quy mô khác nhau. - Giai đoạn 4: Cấp phép lưu hành vắc xin. - Giai đoạn 5: Theo dõi sau cấp phép. |
Theo Vietnamnet