Những chuyến xe rau miễn phí của anh Lê Xuân Sinh cùng bao tấm lòng đã đến với bà con tại các khu phong tỏa ở TP.HCM - Ảnh: Q.NG.
Chuyến đi ấy dẫu có vất vả, hiểm nguy nhưng hơn cả vẫn là vạn niềm vui. Đi để biết rằng bản thân đã có những tháng ngày tuổi trẻ sống không hoài phí, quên đi nhiều thói quen cá nhân, nghĩ đến cộng đồng nhiều hơn.
Đứng lên và đi
Phường hết phong tỏa, vợ chồng Trần Hà Thanh - Phạm Quang Nghiêm quyết định xách vali rời nhà ngay hôm sau. Vợ làm ở Đoàn khối ngân hàng tại TP.HCM, chồng làm ở bến xe Miền Đông, đi nhiều, tiếp xúc cũng nhiều, nhà lại có người lớn tuổi và trẻ nhỏ, hai vợ chồng lý giải việc rời nhà, tạm thuê căn hộ chung cư ở những ngày này.
Ngoài những ca trực đêm của chồng, thời gian làm việc giãn cách của vợ, phần lớn quỹ thời gian trong ngày để dành cho tình nguyện. Một anh bạn của Quang Nghiêm có chiếc xe bán tải, anh này vốn có bệnh nền không tiện đi vào vùng dịch nên giao luôn chiếc xe cho Nghiêm. Chồng lái, vợ dò đường, cả hai vợ chồng kiêm luôn bốc vác rau củ quả, hàng tặng xin được từ nhiều nơi đến với bà con các khu phong tỏa.
"Đi riết, nhiều hôm cũng mệt, hai đứa nói thôi nghỉ một bữa. Nói vậy chứ có điện thoại lại đi. Hôm nào cả buổi chưa thấy ai kêu réo gì là ổng lại hỏi ủa nay không có việc gì cho vợ chồng mình làm hả em" - Hà Thanh cười kể.
Hay cô huấn luyện viên thể hình Lưu Cẩm Dẹn (quê Hậu Giang) đang nghĩ chưa biết tham gia tình nguyện chỗ nào đã như vớ được phao khi biết thông tin về đội phản ứng nhanh xịt khử khuẩn di động. "Mình từng chơi bóng rổ, giờ tập thể hình, dân thể thao nên sức khỏe cũng được, thấy cũng không vất vả gì mấy khi đi làm cùng đội. Với lại là nữ ít ỏi trong đội nên được các bạn nam cưng" - Dẹn khoe.
Dẹn nói không lo khi vào khu vực có ca nhiễm, chỉ ám ảnh khi gặp hình ảnh người mất trong nhà dân vì dịch, thấy buồn lắm! Đồ bảo hộ kín mít, thêm chiếc mặt nạ chống độc, vác chiếc bình xịt chứa dung dịch nữa là chừng 40kg, cô gái ấy đến bất cứ đâu khi được điều đi. Có khi sáng đầu này, chiều đã ở đầu kia thành phố, ngày nào cũng vậy.
Hàng chục ngàn bạn trẻ tiếp sức cùng nhau, mỗi người chọn một góc phù hợp trong bức tranh toàn cảnh chống dịch. Nữ bác sĩ trẻ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) vừa hết cách ly là ngay bữa sau "cuốn gói" lên nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Cấp cứu 115. Thanh làm chỉ huy phó của trung tâm trong đợt dịch này, cùng bác sĩ phó giám đốc trung tâm làm chỉ huy trưởng, vận hành đội hình 250 tình nguyện viên nhiều lực lượng.
Trước đó, cô gái này đã cùng gia đình đi tìm vật liệu, tự làm 10.000 tấm chắn giọt bắn tặng khắp nơi, nấu cơm 400 phần mỗi ngày cho bác sĩ phải cách ly ở hai bệnh viện khi có ca nhiễm trong đội ngũ y tế suốt cả tháng liền. "Cả đội mỗi ngày tiếp nhận, xử lý thông tin vài ngàn cuộc gọi, phân loại ca bệnh, tư vấn trấn an tâm lý, liên hệ bệnh viện tiếp nhận, điều xe phù hợp, cũng đuối lắm nhưng phải làm cho trọn vẹn với hy vọng thành phố mình sớm hết dịch" - Nguyệt Thanh tâm tình.
Thương nhau nhiều hơn
Hơn tháng qua, nhóm của anh Phạm Nghĩa (TP Thủ Đức) từ chở rau tặng bà con khu phong tỏa đến nay phát triển thêm dự án tặng bình oxy cho bệnh nhân COVID-19. Ban đầu chỉ chừng chục anh em cứ gần về sáng lại hú nhau đi nhận rau để kịp về phân phát khi trời sáng. Người này rủ người kia, đến nay đã có hơn 60 xe các loại, ai cũng góp xe, tự bỏ tiền xăng dầu, làm miễn phí.
Anh Nghĩa cho biết đã lập tổng đài Oxymap tiếp nhận nhu cầu về bình oxy. Nhóm sẽ sàng lọc thông tin sao cho vận chuyển đến đúng nơi người đang cần, tránh tình trạng bị lợi dụng. "Anh em tự bỏ tiền túi hùn nhau làm, rồi có người biết đến nhóm cùng góp ủng hộ. Song song duy trì tặng rau củ, hiện tụi này có 500 bình và dự án 5.000 bình oxy đã hoàn tất, sẽ vận hành sắp tới. Anh em lo vận chuyển, sang chiết tại trạm oxy hoàn toàn miễn phí tặng người bệnh, giúp thêm được ai thì giúp" - anh Nghĩa nói.
Cũng vậy, nhìn mấy vườn rau gần nhà ở Hóc Môn đến kỳ thu hoạch mà không bán được, trong khi đọc tin bà con khu phong tỏa thiếu rau xanh, anh Lê Xuân Sinh (Trường ĐH Mở TP.HCM) tự vận động, rồi liên hệ với các vườn rau. Có anh tài xế xe tải gần nhà biết chuyện, xung phong đi làm cùng, vậy là hai anh em cứ hơn 3h sáng lại vào tận vườn mua rau, có lúc tự cắt luôn để kịp mang tặng bà con. Ban đầu chỉ vài trăm ký, giờ mỗi ngày tính bằng tấn mà vẫn không đủ phát.
Nhiều người biết đến, hỏi xin nhiều lắm. Vườn bán giá gốc nhưng lực cũng có hạn, anh em cứ cố, tới đâu hay tới đó, ai cho thêm được nhiêu lại góp vào làm tiếp. Rồi nghe tin có nhà vườn ở Vũng Tàu tặng vườn bưởi chừng 2 tấn, bán giá gốc thêm khoảng 2 tấn nữa nhưng phải tự hái, tự vận chuyển, anh Sinh lại cầu viện khắp nơi vì đi lại giữa các tỉnh lúc này không dễ. Thế mà chừng vài tiếng sau, ổng nhắn: "Sẽ có 4 tấn bưởi để tặng các y bác sĩ ở bệnh viện dã chiến đó em"!
Làm được gì thì làm
Mong thành phố nhanh chóng kiểm soát, hết dịch để mọi sinh hoạt trở lại bình thường, người đi học, người đi làm, kinh tế hồi phục là câu trả lời chung dù hỏi bất cứ ai về điều mong mỏi nhất lúc này. "Mỗi người chịu khó tìm hiểu thông tin, ý thức chăm sóc sức khỏe cho mình, thực hiện nghiêm nguyên tắc phòng chống dịch cũng chính là đang quan tâm đến sức khỏe của người xung quanh rồi" - chị Cẩm Dẹn chia sẻ.
Hy sinh vài thói quen cá nhân sẽ hơi bất tiện nhưng là việc mỗi người đều có thể làm và chỉ có vậy mới mong mọi thứ sớm bình thường trở lại. "Chạy cả tháng nay cũng mệt, cái chân bị tai nạn đứt dây chằng mấy tháng trước bữa giờ đi lại nhiều cũng làm đau mấy bữa nay nhưng nhớ ánh mắt, nụ cười của bà con khi nhận bó rau, mình lại không thể ngồi yên được. Thôi ai làm được gì thì làm, mỗi người góp một tay, nương tựa nhau qua lúc vất vả này" - anh Lê Xuân Sinh bộc bạch.
Nguồn TTO