Rút ngắn công đoạn nghiên cứu, thử nghiệm
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo khẩn trương đàm phán mua trọn gói công nghệ tiên tiến nhất (công nghệ mRNA) để sản xuất tại Việt Nam, mua và chuyển giao các công nghệ tiềm năng khác, đồng thời tham gia vào các cơ chế chia sẻ công nghệ chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bộ Y tế với sự đồng hành tham gia tích cực của các nhà sản xuất văcxin trong nước, các doanh nghiệp có đủ năng lực và tâm huyết sẽ quyết tâm đưa Việt Nam trở thành nước có thể tự chủ về văcxin phòng Covid-19 trong thời gian sớm nhất.
PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, văcxin công nghệ mRNA Covid-19 (mRNA là viết tắt của “Messenger RNA”) là một trong những loại văcxin giúp cơ thể phòng ngừa không bị nhiễm Covid-19 đầu tiên được phép sử dụng tại Mỹ. Để kích hoạt phản ứng miễn dịch giúp cơ thể chống lại các bệnh truyền nhiễm, cách cổ điển của nhiều loại văcxin trước đây là đưa một lượng virus hoặc vi khuẩn đã bị bất hoạt hoặc làm suy yếu vào cơ thể con người.
Văcxin công nghệ mRNA là một loại văcxin mới, nhưng không theo cách thức giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm như các loại văcxin cổ điển. Thay vào đó, loại văcxin này dạy các tế bào của cơ thể con người cách tạo ra một loại protein - hoặc thậm chí chỉ là một phần của protein – protein này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể. Phản ứng miễn dịch đó sẽ tạo ra kháng thể giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh nếu virus xâm nhập.
Việc chuyển giao công nghệ sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian nghiên cứu văcxin, ngoài ra chủ động được nguồn cung văcxin trong nước. Tuy nhiên, thách thức ở đây theo PGS.TS Đinh Duy Kháng là nguyên liệu sử dụng để sản xuất văcxin cũng đều phải nhập khẩu, phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài.
Theo một chuyên gia văcxin ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đa số văcxin hiện nay ở Việt Nam là chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Xóa bỏ bản quyền văcxin
PGS.TS Đinh Duy Kháng cho biết them, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên toàn thế giới có đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật, con người và nguyên liệu bào chế trong sản xuất văcxin. Nếu được chuyển giao công nghệ hoặc được chuyển quyền sở hữu trí tuệ về sản xuất văcxin Covid-19 một cách cởi mở, Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất văcxin; có cơ hội lớn trong chủ động nguồn văcxin cho chính mình và chia sẻ cho các quốc gia khác. Một loại văcxin hoặc loại thuốc sản xuất với mục đích thương mại mới ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, trực tiếp là các công ty dược. Còn trong tình huống đại dịch khẩn cấp như hiện nay, phải khẳng định mục đích thương mại của văcxin ngừa Covid-19 không phải là yếu tố cuối cùng, có nghĩa mục tiêu cao nhất của văcxin là vì cộng đồng.
Tuy vậy, không ít quốc gia phản đối đề xuất xóa bỏ bản quyền nghiên cứu văcxin Covid-19 của Mỹ. Nhiều nhà khoa học lo ngại rằng việc xóa bỏ bản quyền này sẽ làm mất động lực nghiên cứu của các công ty kinh doanh, sản xuất văcxin trên thế giới. Do đó, cách tốt hơn cả, theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, WHO nên là cơ quan điều phối trung gian, để phía nghiên cứu văcxin cũng có lợi nhờ sự hỗ trợ của các nước phát triển cho các nước đang phát triển.
Bộ Y tế đặt mục tiêu có văcxin để phòng Covid-19, từng bước đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch của đất nước trong năm 2021; ngoài ra tăng cường hợp tác với các nước, các nhà sản xuất nước ngoài để chuyển giao công nghệ hoặc nhập khẩu văcxin bán thành phẩm về đóng ống, sản xuất tại Việt Nam, bảo đảm có đủ văcxin từ năm 2022 trở đi. Để đảm bảo các kế hoạch này, Bộ Y tế rà soát, sửa đổi các quy định theo hướng rút gọn, rút ngắn thời gian thử nghiệm, cấp phép nhưng bảo đảm các điều kiện theo quy định. Yêu cầu các đơn vị nghiên cứu văcxin thúc đẩy quá trình thử nghiệm, rút ngắn tối đa thời gian của các giai đoạn 1, 2, 3, có phương thức thử nghiệm phù hợp.
Theo Khoa học và Đời sống