Được biết, ý tưởng trên là của cô Lê Ngọc Giàu, giáo viên dạy Văn trường THPT Nguyễn Trung Trực (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu).
Trên trang Facebook cá nhân, cô Ngọc Giàu đã đăng một số bài thơ được “chuyển thể” từ truyện trong thời điểm học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19.
Kèm theo những bài thơ “thời dịch Covid-19” là lời nhắn cũng không kém phần ấn tượng: “Cùng khởi động ôn bài bằng thơ cho ngày mai “trở lại thật lợi hại” nhé”. Cô Ngọc Giàu tặng kèm thêm mấy tranh minh họa mà cô vẽ trong suốt mùa dịch.
Chia sẻ với PV Dân trí, cô Lê Ngọc Giàu cho biết, xuất phát từ những trăn trở làm thế nào để học sinh tiếp cận với tác phẩm văn học dễ dàng hơn, cảm nhận về nhân vật, các giá trị tư tưởng của tác phẩm một cách thấu đáo nhất nên cô muốn tìm sự đồng điệu từ học sinh.
Đó là "truyện thì mình biến thành thơ" (như Chí Phèo, Vợ nhặt...) để học sinh dễ nhớ nội dung liên quan đến nhân vật - chỉ thiên về khái quát nội dung, với những bài thơ (như Tây Tiến...) thì cô mong muốn học sinh nắm được cái "hồn" của tác phẩm, còn truyện dân gian thì cô lại hướng đến bài học giáo dục cho học sinh.
“Những bài thơ này là cảm xúc, và muốn học sinh mình cũng đồng điệu để hiểu thêm giá trị của văn học. Mục đích là học sinh sẽ tái hiện được kiến thức cơ bản qua thời gian nghỉ học khá lâu, đồng thời khơi dậy cho học sinh cảm xúc về tác phẩm, xem như khởi động để trở lại...”, cô Giàu chia sẻ.
Theo cô Lê Ngọc Giàu, học sinh sau thời gian nghỉ học quá lâu thì kiến thức sẽ bị “rơi rớt”.
“Trước tiên học sinh phải xem lại kiến thức cơ bản (được giáo viên truyền tải trong các tiết đã học), theo dõi ghi chép bài trên các tiết học trực tuyến (đối với những bài chưa được học trên lớp vì nghỉ) ghi lại những thắc mắc, những điều chưa rõ để nhờ giáo viên trực tiếp giảng dạy trên lớp giải đáp, luyện viết các bài làm văn theo các đề tham khảo…”, cô Ngọc Giàu nhắn nhủ.
Theo Dantri