Là người con thứ 3 trong một gia đình có 6 anh chị em, từ nhỏ, Lê Thị Lương đã được sống trong tình yêu thương của mọi người. Cũng chính vì tình yêu thương đó, khi lớn lên, cô luôn ấp ủ, mong muốn được cống hiến sức trẻ, tình yêu thương của mình đến với cộng đồng.
Chứng kiến cuộc sống vất vả, thiếu thốn từ cái ăn, cái mặc đến chỗ vui chơi và học hành của các em nhỏ miền núi qua các phương tiện truyền thông càng thôi thúc cô gái trẻ phải làm một việc gì đó, có thể giúp các em vơi bớt những khó khăn, vững tin hơn trên hành trình đến với con chữ.
"Tôi đã rơi nước mắt khi chứng kiến em bé khoảng 6 tuổi tại Nam Trà My (Quảng Nam) cõng từng viên gạch để xây dựng điểm trường, khắc phục hậu quả do cơn bão Damrey tàn phá vào năm 2017. Từ hành động của cậu bé, người dân tại đây đã cùng nhau chung tay đưa gạch lên bản và trường học đã được xây dựng ngay sau đó", Lương kể.
Đầu năm ngoái, khi đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Minh Khai (H.Quốc Oai), Lương đọc được một bài phỏng vấn về dự án của thầy Jmmy Thái (một người nổi tiếng về các hoạt động thiện nguyện) về nội dung "làm sao biến 1 USD thành 1 ngôi trường cho trẻ em". Từ đây, cô quyết tâm phải thực hiện một dự án cụ thể để giúp đỡ cộng đồng và dự án "Hành trình rèn luyện BaSF" được ra đời.
"Với mục đích kêu gọi góp quỹ xây trường cho trẻ em vùng cao, tôi biết bản thân không thể thực hiện một mình nên đã đi kêu gọi những anh chị sinh viên - những người trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết để cùng nhau gây dựng dự án", Lương nói.
Lương đặt mục tiêu cho mình là kêu gọi, hỗ trợ 1.000 USD (hơn 23 triệu đồng) trong thời gian 3 tuần để góp phần xây dựng nhà vệ sinh, nhà ăn, nhà bếp cho điểm trường La Văn Cầu (Đắk Nông). Thế nhưng, trong lần đầu tiên làm thiện nguyện, việc bỡ ngỡ, áp lực và cả sự non nớt khiến cô gặp nhiều khó khăn.
Sau 1 tuần đầu chỉ kêu gọi được hơn 3 triệu đồng, bản thân cô gái trẻ đã nghĩ đến dự án có thể thất bại. Đặc biệt, thời điểm khó khăn nhất lại là lúc Lương chuẩn bị bước vào kỳ thi cuối kỳ, bản thân cô có phần chới với.
"Tôi đã hỏi những người chị của mình và học hỏi từ kinh nghiệm của những người đi trước, sau đó bắt đầu nhìn lại để phân tích điểm được và chưa được của dự án. Ngoài ra, tôi cũng sắp xếp lại công việc, học tập cho thật phù hợp để không ảnh hưởng đến kết quả thi", Lương nói thêm, và cho hay, cô đã đi thuyết phục người thân, bạn bè, thầy cô ủng hộ, bởi đây là những người quen biết nên dễ đồng cảm và ủng hộ dự án hơn.
Chính vì đi đúng hướng, việc xin tài trợ của nhóm đã có bước đột phá. Sau 3 tuần, Lương và cộng sự đã kêu gọi được 30 triệu đồng, ngoài sức tưởng tượng ban đầu.
Tiếp nối thành công dự án đầu tiên, năm nay, Lương và đội ngũ đặt mục tiêu gấp 5 lần lần trước, với thời hạn 3 tháng. Lần này, ngoài việc kêu gọi, Lương cùng đội ngũ thực hiện thêm việc bán hàng để đẩy nhanh mục tiêu đề ra.
"Sẽ áp lực hơn, vất vả hơn nhưng tôi tin bản thân và đội ngũ của mình sẽ làm được. Tôi không làm một mình, tôi còn các bạn trong dự án, còn người thầy truyền cảm hứng hỗ trợ phía sau. Và đặc biệt là gia đình!", Lương nhấn mạnh.
Vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, Lương cùng đội ngũ của mình đã bắt tay ngay vào dự án mới. Lần này, cô muốn kêu gọi 5.000 USD (hơn 100 triệu đồng) góp quỹ xây trường cho trẻ em tại H.Phong Thổ (Lai Châu). Đó là điểm trường mang tên Dền Thàng.
"Chúng tôi đã tìm hiểu về ngôi trường này. Trường có hơn 300 học sinh, mỗi ngày, trung bình các em phải đi bộ 6 km mới tới được điểm trường. Điểm trường hiện nay lại đang rất xuống cấp, đặc biệt vào mùa đông, gió lùa vào rất lạnh. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ quyết tâm hết mình thực hiện dự án để hỗ trợ cho các em học sinh", Lương quả quyết.
Lương thực hiện dự án ở năm cuối cấp, thời điểm gần những kỳ thi quan trọng nhất của một người học sinh. Mặc dù được gia đình ủng hộ, nhưng cũng không khỏi lo lắng.
Lương cho hay, bố mẹ cô sợ con gái quá chú tâm vào hoạt động thiện nguyện mà quên đi nhiệm vụ quan trọng khác. Thế nhưng, cô đã động viên bố mẹ và hứa bản thân sẽ không làm cho gia đình phải thất vọng về mình.
"Nếu đã đi, chỉ có tiến thẳng chứ không lùi hay rẽ ngang. Nếu đã lựa chọn, từ việc học đến những hoạt động xã hội phải cân bằng", Lương nhấn mạnh, và cho biết, mỗi năm sẽ làm một dự án vào những tháng hè, để có thể làm tốt nhất những gì mà bản thân đặt ra.
Trước đó, trong những năm học cấp 2, cấp 3, Lương luôn xuất sắc đạt học sinh giỏi. Ngoài ra, cô cũng từng được chọn đi thi học sinh giỏi cấp thành phố và đạt nhiều giải thưởng.
Vừa qua, Lương đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt 35,7 điểm (điểm văn nhân đôi) để xét tuyển vào khối D. "Tôi có nguyện vọng đăng ký vào khoa Truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau này, tôi muốn là người truyền tải nhiều thông điệp tích cực cho mọi người trong tương lai, giúp được nhiều mảnh đời kém may mắn hơn mình", Lương nói tiếp.
Nguồn Thanhnien.vn